MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu Vietcombank lên cao kỷ lục, vững vàng vị trí doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam

30-05-2023 - 17:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Cổ phiếu Vietcombank lên cao kỷ lục, vững vàng vị trí doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam

Mức tăng vượt trội của cổ phiếu VCB trong những tháng gần đây đã giúp vốn hóa Vietcombank tăng lên trên 440.000 tỷ đồng, bằng tổng giá trị thị trường của hai doanh nghiệp đứng kế sau là BIDV và VHM, đồng thời là mức vốn hóa cao nhất mà một doanh nghiệp trong nước đạt được.

Sau nhịp tăng giá ấn tượng từ giữa tháng 10/2022, cổ phiếu VCB của Vietcombank đang được giao dịch ở vùng cao nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2009 (giá đã điều chỉnh theo cổ tức). Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/5, thị giá VCB dừng ở 94.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức vốn hóa hơn 447.000 tỷ đồng

Với tỷ suất sinh lời lên tới 50% (từ mức giá thấp nhất 63.000 đồng/cp ghi nhận vào phiên 11/10), VCB là mã ngân hàng có diễn biến giá tốt nhất thị trường trong khoảng nửa năm trở lại đây và vượt xa mức tăng của chỉ số thị trường chung Vn-Index cùng giai đoạn (hơn 7%).

Đà tăng giá trên giúp giá trị thị trường của Vietcombank tăng thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng, và đến nay đạt hơn 447.000 tỷ đồng (tương đương 19 tỷ USD). Mức vốn hóa này gần bằng tổng giá trị thị trường của hai doanh nghiệp đứng kế sau là BIDV và VHM, đồng thời là mức vốn hóa cao nhất mà một doanh nghiệp trong nước đạt được.

Theo giới phân tích, VCB diễn biến tích cực hơn nhiều so với VN-Index và nhóm ngân hàng khác là bởi cổ phiếu này hấp dẫn được nhà đầu tư trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động khi Vietcombank có tỷ trọng tài sản rủi ro thấp và được sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan Nhà nước trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng sở hữu hiệu quả kinh doanh vượt trội và tiềm lực tài chính vững mạnh nhất ngành ngân hàng Việt Nam.

“Cổ phiếu VCB luôn giao dịch ở mức cao hơn so với các ngân hàng khác, nhờ vị thế hàng đầu và chất lượng tài sản tốt nhất hệ thống, cũng như tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp”, VnDirect bình luận.

Thực tế, năng lực tài chính vững mạnh, quản trị rủi ro tốt, rót vốn chủ yếu cho lĩnh vực ưu tiên khiến Vietcombank được NHNN cấp room tín dụng ở mức cao nhất hệ thống năm 2022. Theo đó, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng (1,15 triệu tỷ đồng) với mức tăng 19% so với năm 2021. Trong đó, tín dụng bán buôn tăng trưởng 18,5%, tín dụng bán lẻ tăng trưởng ở mức 19,4% so với năm 2021.

Kết thúc năm tài chính 2022, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Vietcombank tăng 39% so với năm 2021 và đạt 119% kế hoạch năm 2022, các chỉ số sinh lời đểu duy trì ở mức cao hàng đầu hệ thống (Chỉ số ROAA và ROAE lần lượt 1,84% và 24,25%).

Bước sang quý I/2023, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu ngành ngân hàng về lợi nhuận và chất lượng tài sản, nguồn vốn.

Cổ phiếu Vietcombank được đánh giá là có nhiều tiềm năng trong thời gian tới nhờ triển vọng kinh doanh tích cực, cũng như sở hữu những câu chuyện riêng như nhận chuyển giao TCTD, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài,…

Cổ phiếu Vietcombank lên cao kỷ lục, vững vàng vị trí doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Giới phân tích nhận định, Vietcombank là ngân hàng sẽ ít phải đối mặt về áp lực trích lập dự phòng trong năm 2023 nhờ vào chính sách thận trọng trong nhiều năm qua. Bộ đệm dự phòng hàng đầu ngành sẽ đảm bảo ngân hàng khỏi mọi sự gián đoạn bao gồm rủi ro sự kiện và rủi ro tín dụng, vốn có thể tác động khó lường đến lợi nhuận.

Ngoài ra, Vietcombank cũng ít phơi nhiễm với trái phiếu doanh nghiệp và phân khúc rủi; do đó, tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ được kiểm soát tốt trong năm 2023. Nói chung, giới phân tích đánh giá bảng cân đối lành mạnh, và bộ đệm dự phòng vững chắc của Vietcombank.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng lợi thế cạnh tranh này đóng vai trò then chốt để duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023. Ngân hàng có thể tận dụng bộ đệm dự phòng dày để đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận theo kế hoạch dù cho những rủi ro bất định phía trước.

Mặt khác, danh tiếng hàng đầu, mạng lưới rộng khắp và tệp khách hàng chất lượng giúp củng cố và nâng cao lợi thế về nền tảng huy động và thúc đẩy thu nhập ngoài lãi.

Vietcombank được NHNN chỉ định là ngân hàng duy nhất thực hiện thanh toán bù trừ cho các giao dịch Visa nội địa. Hệ thống thanh toán đa tiền tệ (VCB-Money) đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thanh toán chung. Đó là những trụ cột vững chắc cho phép ngân hàng này nhận được nguồn vốn với chi phí thấp từ khách hàng và các định chế tài chính bằng nhiều loại tiền tệ khác nhau. Điều này cũng hỗ trợ tăng trưởng doanh thu ngoại hối.

Cổ phiếu Vietcombank lên cao kỷ lục, vững vàng vị trí doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, Vietcombank đã cải thiện tỷ lệ CASA qua từng quý kể từ khi Ngân hàng triển khai chương trình miễn phí dịch vụ vào đầu năm nay. Cơ sở huy động lớn và ổn định này tạo ra chi phí vốn thấp nhất ngành giúp ngân hàng thu hút được các khách hàng chất lượng thông qua lãi suất cho vay cạnh tranh và mạng lưới rộng lớn.

VDSC cũng kỳ vọng Vietcombank sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao so với ngành trong năm 2023 nhờ (1) Bảng cân đối lành mạnh và bộ đệm dự phòng rủi ro vững chắc nhất, (2) Hỗ trợ NHNN trong chương trình chuyển giao ngân hàng yếu kém và giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng trong năm 2022.

“Vietcombank có dư nợ cho vay và tiền gửi bán lẻ lớn cùng với thị phần nhiều nhất ở mảng CASA bán lẻ. Đồng thời, ngân hàng cũng duy trì sự thận trọng trong việc thẩm định và trích lập dự phòng, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu ổn định ở mức thấp, bảng cân đối mạnh và bộ đệm dự phòng vững chắc. Các yếu tố này đảm bảo tính bền vững của khả năng sinh lợi và hiệu quả hoạt động, hỗ trợ năng lực tăng trưởng bảng cân đối”, báo cáo chiến lược 2023 của VDSC nhấn mạnh.

Kim Ngân

Nhịp sống Thị trường

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên