MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử, vốn hóa của Viettel Construction (CTR) tăng 500% sau gần 4 năm lên sàn

Cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử, vốn hóa của Viettel Construction (CTR) tăng 500% sau gần 4 năm lên sàn

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thăng hoa thời gian qua, không bất ngờ khi nhà đầu tư dồn sự chú ý nhiều hơn đến các Bluechips trên HoSE. Dù vậy, các cổ phiếu chất lượng, có nền tảng cơ bản tốt trên UpCOM vẫn biết cách tạo điểm nhấn, nổi bật có thể kể đến cổ phiếu CTR của Tổng Công ty CP Công trình Viettel (Viettel Construction).

Sau cú "sale off" toàn thị trường vào cuối tháng 01/2021, CTR phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng vượt đỉnh cũ.

Không dừng lại, cổ phiếu này còn tiếp tục đi lên và không mất nhiều thời gian để gia nhập Câu lạc bộ 100 (thị giá 3 chữ số) trước khi lập đỉnh lịch sử 102.000 đồng/cổ phiếu (trước điều chỉnh do chia cổ tức). Nhịp điều chỉnh có phần sâu hơn thường lệ, nhưng không đủ sức bẻ gãy xu hướng tăng dài hạn càng khiến CTR trở lại mạnh mẽ sau khi tạo đáy.

CTR hiện đã leo lên mức 79.000 đồng/cổ phiếu, tăng 48% từ đầu năm và chính thức vượt đỉnh lịch sử đạt được hồi tháng 3. Điều này cho thấy dư địa tăng đối với cổ phiếu này là rất lớn đặc biệt trong bối cảnh kết quả kinh doanh vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử, vốn hóa của Viettel Construction (CTR) tăng 500% sau gần 4 năm lên sàn - Ảnh 1.

Viettel Construction chính thức đưa 47,1 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UpCOM vào cuối tháng 10/2017 với giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên 26.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức định giá 1.225 tỷ đồng. Dù vậy cổ phiếu này gần như không để lại dấu ấn mạnh, giao dịch tương đối "ảm đảm" cho đến khi dậy sóng từ đầu tháng 3/2019.

Chỉ sau 6 tháng, cổ phiếu này đã tăng 3,5 lần trong đó có nhiều phiên tăng trần liên tiếp. Nhà đầu tư cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến cổ phiếu này, thể hiện rõ rệt qua thanh khoản được cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước.

Sau thời gian gần như đi ngang vùng đỉnh, CTR gặp thử thách thực sự do đại dịch Covid-19 bùng phát. Cùng sự lao dốc của thị trường chung, cổ phiếu này cũng giảm sâu trong tháng 3/2020. Dù vậy, sự phục hồi mạnh mẽ sau khi tạo đáy đã khởi đầu cho sóng tăng bền bỉ, đưa CTR liên tục lập những mốc đỉnh mới.

Nhìn lại quá khứ có thể dễ dàng nhận thấy diễn biến của cổ phiếu CTR có sự hỗ trợ rất lớn đến từ các hoạt động cổ tức. Kết quả kinh doanh tăng trưởng qua từng năm tạo điều kiện thuận lợi để Viettel Construction chưa năm nào quên chia cổ tức cả bằng tiền và cổ phiếu cho cổ đông, kể từ sau khi lên sàn.

Mới đây, Viettel Construction cũng đã chốt danh sách đăng ký cuối cùng trả cổ tức năm 2020 bằng tiền và phát hành tăng vốn với tổng tỷ lệ lên đến gần 40% vào ngày 24/6. Trong đó, công ty sẽ chi 71,8 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10% với ngày thanh toán 15/7/2021. Song song, Viettel Construction sẽ phát hành hơn 21 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 29,458%) qua đó nâng vốn điều lệ lên xấp xỉ 930 tỷ đồng.

Năm 2021, Viettel Construction lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu 6.600 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế 275,8 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 3,4% và 0,6% so với thực hiện năm 2020. Tương ứng tỷ lệ cổ tức dự kiến ở mức 10 – 20%, tuy nhiên con số thực tế có thể sẽ cao hơn nhiều tùy vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tương tự như năm 2020 trước đó khi kế hoạch cổ tức ban đầu chỉ ở mức 26% so với con số 40% đã thực hiện.

Sau 6 tháng triển khai kế hoạch năm 2021, Viettel Construction đã ghi nhận doanh thu 3.552 tỷ đồng (tăng trưởng 31,7% so với cùng kỳ), lợi nhuận trước thuế đạt 193,2 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm hoàn thành 54% kế hoạch năm 2021. Dự kiến Viettel Construction hoàn thành doanh thu năm 2021 lên đến 7.200 tỷ, thậm chí đạt mức 8.000 tỷ trong các điều kiện lý tưởng.

Việc thị giá điều chỉnh sau khi chia cổ tức giúp CTR trở nên "hợp túi tiền" và dễ thu hút nhà đầu tư cá nhân hơn. Cổ tức bằng cổ phiếu khi được giao dịch sẽ có thể cải thiện thanh khoản của CTR qua đó mở ra cơ hội tiếp cận cổ phiếu này cho các tổ chức trong nước cũng như quỹ ngoại.

Ngoài ra, Viettel Construction còn có kế hoạch chuyển sàn niêm yết cổ phiếu sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) trong giai đoạn 2021 – 2022. Động thái này được đánh giá sẽ nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp, thu hút tốt hơn dòng vốn từ cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế, cải thiện thanh khoản và đem lại lợi ích cho cổ đông.

Với mức thị giá hiện tại, vốn hóa thị trường của CTR đã vượt 7.300 tỷ đồng, gấp 6 lần so với thời điểm mới lên sàn. Nếu chuyển sàn niêm yết sang HoSE thành công, cổ phiếu CTR sẽ có cơ hội nằm trong danh mục của quỹ FTSE ETF.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên