Có sợ mất thương hiệu quốc gia?
Trước thông tin một loạt "đầu tàu của nền kinh tế" như Vinamilk và PAN Group xuất hiện không ít nghi ngại rằng liệu những doanh nghiệp này có bị thâu tóm, biến thành công ty con của doanh nghiệp ngoại?
- 16-09-2016Bán thương hiệu quốc gia: Chọn nội hay ngoại?
- 13-07-2016Trong 63 thương hiệu quốc gia, chỉ có 2 thương hiệu du lịch
- 20-04-2016Thương hiệu quốc gia và bài toán làm gì để tránh thành bãi rác đồ cũ?
Năm 2016, thị trường chứng khoán sôi động với thông tin Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) được “nới room” 100% bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Sau Vinamilk, Tập đoàn The PAN Group là doanh nghiệp thứ hai được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 100%. Đây là thông tin được thị trường rất chờ đợi, song cũng khiến không ít nghi ngại liệu “mở” tới 100% vốn cho nước ngoài, liệu những doanh nghiệp này có bị thâu tóm, biến thành công ty con của doanh nghiệp ngoại?
Việc dỡ bỏ giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk được đánh giá không chỉ là tin tốt cho cổ phiếu này mà còn cho cả thị trường, kéo Vn-Index tăng điểm. Hiện tại cổ đông lớn nhất của Vinamilk là Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), nắm giữ 45,1% cổ phần, tương đương 541,5 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 55.233 tỉ đồng (2,47 tỷ USD).
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản yêu cầu SCIC thoái vốn khỏi Vinamilk và chọn thời gian thích hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét. Như vậy, nếu bán chắc chắn cổ phần nhà nước đang sở hữu tại SCIC sẽ bán với giá cao đồng nghĩa với việc nhà nước sẽ thu về phần vốn lớn. Bản thân Vinamilk khi có nhà đầu tư ngoại tham gia sở hữu cổ phần lớn sẽ có triển vọng công nghệ, vốn giúp doanh nghiệp phát triển trên thị trường.
Đáng chú ý, trong thông tin mới đây, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết, việc triển khai bán vốn của Vinamilk sẽ được thực hiện ngay trong năm 2016. Ngoài Vinamilk, sẽ có thêm 9 doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả được thoái vốn vào cuối 2016 hoặc đầu năm 2017.
Với trường hợp thứ 2, Tập đoàn The PAN Group (mã chứng khoán: PAN) nắm trong tay chuỗi các công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng, chế biến lương thực; chế biến xuất khẩu hạt điều; nuôi trồng, chế biến các sản phẩm thủy sản; sản xuất bánh kẹo…
Được biết, ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 46,15% vốn điều lệ của The PAN Group, trong đó quỹ đầu tư Tael Two Partners Ltd đang là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ nắm giữ gần 21%, quỹ Mutual Fund Elite nắm giữ 9,52%, quỹ GIC của Chính phủ Singapore nắm giữ 4,95% và tổ chức tài chính quốc tế IFC (của World Bank) nắm giữ 4,81%.
Việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được ví như “những con gà đẻ trứng vàng” nói trên là điều các nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi đã lâu. Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích to lớn mà việc bán vốn, “nới room” mang lại, nhiều ý kiến lo ngại liệu việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư lên 100% tại những doanh nghiệp Việt nói trên sẽ bị thâu tóm và mất dần trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT The PAN Group thì vệc mở room chỉ làm bình đẳng quyền lợi giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chứ không ảnh hưởng gì đến mục tiêu của công ty. Nếu có một đối thủ cùng nghề nước ngoài nào có nhiều tiền muốn thâu tóm cũng không thể biến PAN thành công ty con được, vì các quy định hạn chế giao dịch của các bên liên quan trong công ty niêm yết.
Trong khi đó, tại Vinamilk, câu chuyện về việc bán một phần hay bán hết cổ phần nhà nước nắm giữ, ông Tiến cho rằng còn tuỳ thuộc vào tình hình, cần lựa chọn lộ trình bán làm sao để lợi ích Nhà nước đạt cao nhất. Mặt khác do Vinamilk là doanh nghiệp có quy mô vốn lớn và có thể tác động mạnh tới thị trường nên khi tiến hành bán vốn phải tránh gây bất ổn thị trường.
“Vinamilk có quy mô rất lớn, việc thoái toàn bộ vốn sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp còn lại nên phải cẩn trọng. SCIC sẽ giám sát để đảm bảo tránh gây biến động, đảm bảo quyền lợi của nhà nước và cổ đông. Lần đầu tiên bán hàng phải thăm dò, món hàng tốt không nên bán hết, SCIC sẽ lựa chọn ra phương án để mang lại hiệu quả” - ông Tiến nói.
Về nghi ngại việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ dễ bị mất thương hiệu quốc gia, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thừa nhận khi đấu giá công khai thì không thể có sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thậm chí nếu bán cho doanh nghiệp trong nước, họ cam kết giữ cổ phần trong 3 năm, nhưng sau đó không có gì chắc chắn về việc họ không bán lại cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài khi được giá hay không muốn nắm giữ nữa.
“Tuy nhiên, vẫn có cách thức để Nhà nước có quyền phủ quyết việc thay đổi thương hiệu dù không nắm lượng lớn cổ phần thông qua những rào cản kỹ thuật. Kinh nghiệm tại một số doanh nghiệp trên thế giới cho thấy, họ sử dụng hình thức “cổ phần vàng”, đây là những cổ phần có quyền biểu quyết một số vấn đề như về thương hiệu.
Chúng ta xây dựng điều lệ doanh nghiệp theo hướng khi thay đổi thương hiệu phải được chấp thuận bởi “cổ phần vàng”, đây đặc quyền riêng của mỗi doanh nghiệp. Điều này đã có quy định và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Tiến khẳng định.
Công an nhân dân