Có thể vay tiền mà không cần đến ngân hàng, người Mỹ từng phát sốt với công ty này
Lending Club là tổ chức cho vay ngang hàng đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và cung cấp các khoản vay giao dịch trên thị trường thứ cấp. Đây cũng là công ty cho vay ngang hàng lớn nhất trên thế giới hiện nay.
- 18-09-2016Ngân hàng bán lẻ hãy "dè chừng" với mô hình kinh doanh này!
- 20-05-2012Ngân hàng bán lẻ bước vào cuộc cách mạng lớn nhất trong 200 năm
- 05-06-2011Ngân hàng bán lẻ (1): Thời của “sáng tạo mới nổi”
Mấy năm gần đây, trên thế giới bùng nổ một loại hình cho vay khác lạ: cho vay ngang hàng, tức là người thừa tiền và người cần tiền được kết nối trực tiếp với nhau mà không cần thông qua ngân hàng. Trong số các công ty cung cấp dịch vụ mới lạ này, Lending Club có lẽ là cái tên nổi đình nổi đám nhất.
Được thành lập bởi Renaud Laplanche và có trụ sở ở San Francisco, California, Lending Club là tổ chức cho vay ngang hàng đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và cung cấp các khoản vay giao dịch trên thị trường thứ cấp. Đây cũng là công ty cho vay ngang hàng lớn nhất trên thế giới hiện nay.
Lending Club điều hành một hệ thống cho vay trực tuyến cho phép người đi vay tiếp cận khoản vay có giá trị từ 1.000 USD đến 40.000 USD (đối với khách hàng cá nhân) với kỳ hạn trung bình là 3 năm. Khách hàng doanh nghiệp có thể vay tối đa 300.000 USD.
Người đi vay chỉ cần điền thông tin vào đơn và nộp đơn trực tuyến tại trang web LendingClub.com. Hệ thống của LendingClub sẽ phân tích dữ liệu và đánh giá rủi ro một cách nhanh chóng, chấm điểm tín dụng và đưa ra mức lãi suất phù hợp.
Sau đó công ty kết nối người đi vay với nhà đầu tư. Nhà đầu tư có thể nhìn thấy các khoản vay được thống kê trên website của Lending Club và chọn cho mình một khoản đầu tư thích hợp dựa trên những thông tin về người đi vay như xếp hạng tín dụng, mục đích vay tiền để làm gì, lịch sử tín dụng…
Theo số liệu mà Lending Club cung cấp, tính đến ngày 30/6/2016 đã có hơn 20 tỷ USD được cho vay qua hệ thống của công ty này. Trong khi nhà đầu tư kiếm tiền từ lãi suất, Lending Club kiếm tiền bằng cách thu phí từ cả người đi vay và cho vay.
Ít ai biết rằng ban đầu Lending Club được triển khai trên mạng xã hội Facebook, là một trong những ứng dụng đầu tiên của Facebook. Sau khi nhận được 10,26 triệu USD trong vòng gọi vốn đầu tiên vào tháng 8/2007, Lending Club phát triển thành một công ty cho vay ngang hàng.
Năm 2014, Lending Club huy động được 1 tỷ USD trong thương vụ lớn nhất năm trên sàn chứng khoán Mỹ. Kết thúc ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu này tăng giá tới 56%, đưa mức định giá của Lending Club lên 8,5 tỷ USD. Sự thành công của cổ phiếu Lending Club thậm chí đã khiến nhiều người liên tưởng đến thời kỳ bong bóng dotcom bùng nổ cuối những năm 1990.
Khi mới thành lập, Lending Club tự định vị mình là một mạng xã hội giúp các thành viên tìm được nhóm người có nhiều điểm tương đồng với mình, dựa trên lý thuyết người đi vay sẽ không muốn quỵt nợ của những người thân thiết hoặc có quen biết. Lending Club phát triển thuật toán có tên LendingMatch để xác định những điểm chung trong mối quan hệ như vị trí địa lý, nền tảng giáo dục…
Ngày nay, để giảm thiểu rủi ro tín dụng, Lending Club tập trung vào những người đi vay có điểm tín dụng cao và nâng lãi suất đối với những khoản vay có độ rủi ro cao. Chỉ những người đi vay có điểm tín dụng FICO từ 660 trở lên mới được phê duyệt.
Kể từ đầu năm đến nay, Lending Club nói riêng cũng như các công ty cho vay ngang hàng nói chung đã gặp phải nhiều khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư. Đối phó với thực trạng này, công ty đã 3 lần nâng lãi suất chỉ trong vài tháng đầu năm. Cùng với những lo ngại về sức khỏe nền kinh tế Mỹ, cổ phiếu của Lending Club đã giảm khá sâu.
Đến tháng 4, Lending Club phải đối mặt với bê bối. CEO Laplanche bị buộc phải rời khỏi công ty sau khi bị cáo buộc gian lận với các khoản vay và không chịu hợp tác trong cuộc điều tra nội bộ. Tin tức này khiến thị trường bị sốc bởi Laplanche được coi là một người tiên phong của ngành và là một trong những người thành công sớm nhất.
Cổ phiếu của Lending Club giảm sâu xuống mức dưới 5 USD, tức là thấp hơn gần 70% so với mức giá IPO. Tồi tệ hơn, sư kiện còn khiến các nhà đầu tư hoài nghi về mô hình cho vay ngang hàng.
Sự thành công của Lending Club cũng như mô hình cho vay ngang hàng được coi là biểu tượng của làn sóng fintech - xu hướng mới của ngành ngân hàng trong đó công nghệ sẽ tạo ra những đột phá cho hoạt động ngân hàng truyền thống đã tồn tại từ hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, cũng giống như những người đi tiên phong, con đường phía trước không hề dễ dàng.