MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có trong tay đầy tiềm lực với thị trường trị giá 1 nghìn tỷ đô, nhưng các Big Tech của Trung Quốc có thể 'không bao giờ lấy lại được ánh hào quang'

24-06-2022 - 14:32 PM | Tài chính quốc tế

Có trong tay đầy tiềm lực với thị trường trị giá 1 nghìn tỷ đô, nhưng các Big Tech của Trung Quốc có thể 'không bao giờ lấy lại được ánh hào quang'

Nguồn tin nội bộ tiết lộ rằng tâm lý sợ hãi đang diễn ra trong toàn ngành. Cùng với đó, nhiều người lo ngại rằng tốc độ tăng trưởng phi mã trong 2 thập kỷ qua của lĩnh vực công nghệ Trung Quốc có thể sẽ không bao giờ tái diễn.

"Tăng trưởng doanh thu 1 con số"

Trên các sàn giao dịch New York và Hồng Kông, sự khởi sắc của các công ty công nghệ Trung Quốc là cực kỳ rõ ràng. Những cổ phiếu như Alibaba và Tencent đã hồi phục từ mức thấp nhất trong nhiều năm và khả năng về đà tăng giá mạnh mẽ đang ngày càng được nhiều người mong đợi.

Tuy nhiên, các giám đốc điều hành, doanh nhân và nhà đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc lại không hề lạc quan như vậy. Cuộc phỏng vấn của Bloomberg với hơn 10 công ty trong ngành cho thấy triển vọng của ngành này vẫn chưa hề khả quan, dù nhiều dấu hiệu thể hiện rằng đợt siết chặt quy định của Bắc Kinh đang bớt căng thẳng hơn.

Nguồn tin nội bộ tiết lộ rằng tâm lý sợ hãi đang diễn ra trong toàn ngành. Cùng với đó, nhiều người lo ngại rằng tốc độ tăng trưởng phi mã trong 2 thập kỷ qua của lĩnh vực công nghệ có thể sẽ không bao giờ tái diễn.

Có trong tay đầy tiềm lực với thị trường trị giá 1 nghìn tỷ đô, nhưng các Big Tech của Trung Quốc có thể không bao giờ lấy lại được ánh hào quang - Ảnh 1.

Tăng trưởng doanh thu của các "ông lớn" công nghệ Trung Quốc trong 1 năm qua.

Alibaba và Tencent dự kiến sẽ ghi nhận tăng trưởng doanh thu trong năm 2022 chỉ đạt 1 con số, đây là sự sụt giảm lớn sau nhiều năm phát triển nở rộ. Nhà sáng lập của một startup nổi tiếng cho biết ông sẽ rút tiền khỏi các doanh nghiệp này vì đã nhận được quá nhiều sự chú ý của các cơ quan lãnh đạo. Một người khác dự đoán rằng việc giới chức Trung Quốc mạnh tay hơn nữa với ngành công nghệ chỉ là vấn đề thời gian.

Trong khi đó, một doanh nhân ở Bắc Kinh gần đây đã bán cổ phần trong một kỳ lân công nghệ và cho biết ông không muốn xây dựng một liên doanh mới, cho đến khi có quy định rõ ràng hơn về đâu là lĩnh vực được chính phủ cho phép hoạt động. 

Người này nói: "Cuộc trấn áp quy định đối với lĩnh vực công nghệ Trung Quốc đã xảy ra. Áp lực pháp lý đối với các công ty trong ngành có thể đã bớt căng thẳng hơn ở thời điểm này, khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Nhưng rất ít khả năng giới chức Trung Quốc sẽ nới lỏng quy định ‘kìm cương’."

Sự khởi sắc chỉ là là "vẻ ngoài"

Ở bề nổi, ngành công nghiệp internet trị giá 1 nghìn tỷ USD của Trung Quốc cuối cùng đã hồi phục sau một thời gian dài trượt dốc. Ant Group đã sẵn sàng thực hiện đợt IPO đã bị trì hoãn từ lâu. Các tựa game mới nhiều khả năng sẽ được phát hành trên các cửa hàng ứng dụng. Và sau cuộc điều tra về dữ liệu bảo mật, Bắc Kinh có thể sớm cho phép hãng gọi xe Didi tiếp tục hoạt động sau khi nộp phạt.

Trong những cuộc họp báo cáo tình hình kinh doanh ở vài tuần qua, các giám đốc điều hành đã thông báo về một kỷ nguyên mới, nơi họ có thể một lần nữa tập trung vào việc xây dựng sản phẩm và mang lại lợi nhuận. 

Ví dụ, Koolearn Technology là công ty cung cấp dịch vụ dạy kèm trực tuyến gần như "bay màu" vào mùa hè năm ngoái khi chính phủ cấm các công ty gia sư hoạt động vì lợi nhuận. Sau khi chuyển hướng sang kinh doanh lĩnh vực thương mại điện tử, cổ phiếu của công ty đã tăng gấp đôi trong phiên ngày 13/6.

Có trong tay đầy tiềm lực với thị trường trị giá 1 nghìn tỷ đô, nhưng các Big Tech của Trung Quốc có thể không bao giờ lấy lại được ánh hào quang - Ảnh 2.

Vốn hóa của Tencent vừa vượt qua TSMC sau khi cổ phiếu hồi phục.

 Xin Lijun – giám đốc bán lẻ của JD.com, chia sẻ với Bloomberg: "Bắc Kinh đã bắt đầu đưa ra một số tín hiệu về chính sách. Song, việc quay trở lại thời kỳ ‘cưỡi ngựa không cầm cương’ trước đây sẽ có ít khả năng xảy ra."

Song, những giám đốc điều hành startup đã cảnh báo giới đầu tư không nên quá lạc quan. Sau khi Bắc Kinh hoãn đợt IPO của Ant vô thời hạn vào năm 2020, vốn khiến thị trường vốn toàn cầu náo loạn, thì sự xoay chiều là điều không thể tránh khỏi. Các startup mất đi nguồn vốn từ nhà đầu tư lớn và những tỷ phú như Jack Ma buộc phải ở ẩn.

Trước sự kiện Đại hội đảng sắp diễn ra, một số người lo ngại rằng việc chính phủ Trung Quốc nới lỏng quy định với lĩnh vực công nghệ chỉ là bước đi tạm thời, nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa và lạm phát toàn cầu tăng cao.

Quy định chưa rõ ràng 

Guo Changchen – nhà sáng lập của Keeko Robot Technology, cho hay: "Tôi cảm thấy một số quy định đã được nới lỏng phần nào. Thật ra, trong vài năm qua, chúng tôi đã chứng kiến một số doanh nghiệp tăng trưởng thần tốc. Chỉ những Bắc Kinh đưa ra những quy định rõ ràng, thì chúng tôi vẫn có thể phát triển."

Các nhà sáng lập cho biết chính phủ Trung Quốc đưa ra những quy định khá rắc rối vào năm 2021, khiến họ gặp nhiều khó khăn. Những quy tắc mới đóng vai trò điều chỉnh mọi thứ, từ nền kinh tế nền tảng cho đến loại hình giải trí nào được phát sóng trên các phương tiện truyền thông. 

Động thái giám sát gắt gao trên mọi khía cạnh đã khiến nhà đầu tư rút tiền khỏi thị trường vốn. Dòng vốn từ Mỹ đã "biến mất" trong đợt trấn áp quy định và không có dấu hiệu quay trở lại. JP Morgan và các ông lớn trên Phố Wall từng gọi Trung Quốc là thị trường "không thể đầu tư".

Có trong tay đầy tiềm lực với thị trường trị giá 1 nghìn tỷ đô, nhưng các Big Tech của Trung Quốc có thể không bao giờ lấy lại được ánh hào quang - Ảnh 3.

Số vốn và các thương vụ mà startup Trung Quốc thực hiện với các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Không xét đến đà tăng của cổ phiếu, Trung Quốc vẫn đang chứng kiến các khoản đầu tư mạo hiểm sụt giảm mạnh, dù từng được coi là đối thủ lớn của Thung lũng Silicon. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Preqin, giá trị của các thương vụ được thực hiện tại quốc gia này giảm khoảng 40% so với 1 năm trước, xuống còn 34 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân huy động được 6,2 tỷ USD, giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm trước.

Ngay cả những công ty được hưởng lợi từ việc giới chức nới lỏng quy tắc cũng đang ở trên một con đường gập ghềnh. Theo nguồn tin thân cận, dù các cơ quan quản lý cho phép Baidu phát hành tựa game mới bắt đầu tư tháng 4, nhưng công ty này lại tạm hoãn việc phát triển và cho ra mắt game, họ cũng cắt giảm nhân sự. Do đó, tựa game "The Advancing Rabbit" có thể sẽ không bao giờ được phát hành.

Trong số 105 công ty game được nhận giấy phép mới từ tháng 4, thì có ít nhất 11 công ty không còn hoạt động như trước đây, theo phân tích của Bloomberg dựa trên dữ liệu của công cụ theo dõi lượng đăng ký Qichacha. Một số hãng phim đã giải thể công ty, trong khi những công ty khác xóa toàn bộ nội dung trên trang web hoặc sử dụng để đăng tải những nội dung như tìm việc làm hoặc cho thuê nhà.

Ngay cả trong điều kiện thuận lợi nhất, những gã khổng lồ công nghệ lừng lẫy một thời của Trung Quốc nay đang chuẩn bị chứng kiến tăng trưởng doanh thu ở mức 1 con số. Nhiều người lo sợ rằng thời kỳ "gà đẻ trứng vàng" dễ dàng như trước đây đã không còn khi quy định bị siết chặt.

Nhiều khả năng, Ant sẽ không bao giờ thực hiện được đợt IPO lịch sử nữa. Didi cũng không thể mở rộng ở nước ngoài. Và Tencent, Alibaba nói rằng họ sẽ tập trung vào những lĩnh vực an toàn và quen thuộc hơn như mạng xã hội, thương mại trực tuyến, nhường lại vị thế dẫn đầu cho những lĩnh vực chưa bị "kìm cương" như fintech.

Tham khảo Bloomberg

https://cafef.vn/co-trong-tay-day-tiem-luc-voi-thi-truong-tri-gia-1-nghin-ty-do-nhung-cac-big-tech-cua-trung-quoc-co-the-khong-bao-gio-lay-lai-duoc-anh-hao-quang-20220624112959587.chn

Chi Lan

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên