MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có vắc-xin cũng không cứu nổi nền kinh tế toàn cầu?

07-09-2020 - 20:09 PM | Tài chính quốc tế

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã yêu cầu các bang sẵn sàng cho việc phân phối vắc-xin virus corona vào cuối tháng 10. Pfizer thì cho rằng họ sẽ có đủ dữ liệu để yêu cầu Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cấp phép cho loại vắc-xin tiềm năng của mình vào tháng tới.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng khó có khả năng - nhưng không phải là không thể - rằng vắc-xin sẽ sẵn sàng trước ngày bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, với ít nhất 7 "ứng cử viên" đang được thử nghiệm ở giai đoạn ba, rất có khả năng ít nhất một loại vắc-xin thành công sẽ xuất hiện trong những tháng tới. Các công ty dược phẩm cũng đang chạy đua để phát triển những phương pháp điều trị hiệu quả căn bệnh này.

Một loại vắc-xin hiệu quả đã được coi là "viên đạn thần kỳ" và sẽ cho phép nền kinh tế toàn cầu nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường như trước đây. Tuy vậy, có những lý do cho thấy tại sao quá trình phục hồi có thể diễn ra chậm: vắc-xin thường không hiệu quả 100% và sẽ có một số liều hạn chế để sử dụng. Việc phân phối có thể là một vấn đề, cả giữa các quốc gia với nhau lẫn bên trong những quốc gia đó. Ngay cả khi những thách thức đó được vượt qua, cũng có thể xảy ra trường hợp một số người chọn cách không chủng ngừa.

Trong một nghiên cứu gần đây, Neil Shearing, chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics, đã viết rằng khi một vắc-xin được chứng nhận, mọi chuyện sẽ rất tiềm năng cho các nền kinh tế, nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng vắc-xin sẽ thay đổi triển vọng kinh tế trong năm tới.

"Vắc-xin hiệu quả cao sẽ được sản xuất và phân phối nhanh chóng trong khi vắc-xin kém hiệu quả hơn phải đối mặt với những thách thức đáng kể về sản xuất và phân phối, do đó sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt vào năm 2021. Trong hầu hết các kịch bản, có khả năng là những biện pháp ngăn chặn, bao gồm ngăn cách xã hội và hạn chế đối với một số du khách nước ngoài, sẽ vẫn được áp dụng trong tương lai gần", ông nói.

Thách thức đầu tiên là bản thân vắc-xin

Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết họ muốn một loại vắc-xin có hiệu quả ít nhất là 70%, nhưng đã đặt ngưỡng tối thiểu đối với vắc-xin Covid-19 là 50%. Điều đó có nghĩa là mọi người được chủng ngừa vẫn có thể có nguy cơ bị lây nhiễm khiến họ không thể làm việc và tiêu tiền.

Nguồn cung là một yếu tố quan trọng khác

Theo Shearing, số liệu từ các nhà phát triển cho thấy có thể sẽ có 1 tỷ liều trong năm nay, với 7 tỷ liều khác sẵn sàng để phân phối vào năm 2021. Tuy nhiên, những con số đó giả định rằng nhiều loại vắc-xin đã được chấp thuận và nguồn cung có thể trở nên thấp hơn đáng kể. Kim và ống tiêm chuyên dụng sẽ cần thiết để tiêm vắc-xin, nhưng các quốc gia, kể cả Mỹ, hiện không có đủ số lượng. Ngoài ra, trên toàn cầu còn bị tình trạng khan hiếm lọ thủy tinh để đựng vắc-xin. Một người phát ngôn cho biết WHO không mong đợi việc tiêm chủng sẽ diễn ra rộng rãi cho đến giữa năm sau.

Cuối cùng, nhiều người vẫn còn miễn cưỡng trong việc sử dụng vắc-xin

Theo một cuộc khảo sát do Deutsche Bank đặt hàng, chỉ 61% người dân ở Pháp nói rằng họ dự định tiêm vắc-xin nếu loại vắc-xin đó được chứng nhận trong sáu tháng tới. 70% đến 75% người Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ cũng cho biết điều tương tự. Ở châu Âu, chỉ phân nửa dân số đồng ý rằng "vắc-xin là an toàn", ngân hàng này cho biết vào tuần trước.

"Nhìn từ góc độ của nền kinh tế toàn cầu, vấn đề không đơn giản như việc có hay không có vắc-xin", Shearing kết luận.

Lê Thanh Hải

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên