Có việc sau 1 năm thất nghiệp vẫn không thấy vui, tiếp tục xin nghỉ sát Tết: Câu chốt hạ khiến netizen "chia phe"
"Cuối cùng, mình vẫn xin nghỉ. Chẳng nhận được gì ngoài những ngày tâm trạng tồi tệ, cầm đồng lương ít ỏi chẳng hề thấy vui. Mình hối hận vì đã đi làm một cách tạm bợ", chủ nhân đăng chốt hạ.
- 27-12-2023Top 5 ngành nghề dễ thất nghiệp trong tương lai
- 19-12-2023Thất nghiệp tuổi trung niên: Cả ngày ngồi Starbucks sang chảnh để rải CV, khủng hoảng chẳng dám kể với ai
- 03-12-2023Phát hiện “dòng tiền lạ” hơn 137 tỷ đồng trong tài khoản của 1 người thất nghiệp: Cảnh sát khám xét thấy tiền, vàng vương vãi khắp nhà, hơn 20 người bị bắt giữ
Câu chuyện tìm việc làm sau khi nghỉ việc luôn là vấn đề “đau đầu” đối với nhiều Gen Z. Có những người nhanh chóng tìm được công việc phù hợp nhưng cũng có người mãi vẫn không tìm được bến đỗ. Càng về cuối năm, càng khó tìm việc hơn, từ đó cũng gây ra những trạng thái cảm xúc tiêu cực, không dễ chịu một chút nào.
Mới đây, trên một group chuyên trao đổi thông tin về việc làm, một tài khoản ẩn danh đã chia sẻ câu chuyện tìm việc của mình thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Theo đó, bạn trẻ này cho biết đã nghỉ việc từ đầu năm 2023 và đến nay vẫn chưa xin được việc làm.
“Có nên nhận tạm một công việc dưới mức kỳ vọng trong lúc thất nghiệp hay không?
Đối với mình thì là KHÔNG.
Mình nghỉ việc từ đầu năm 2023, suốt một năm nay mình không xin được việc. Mình thất nghiệp không phải do kém cỏi, mình đậu phỏng vấn khá nhiều. Tuy nhiên, lương và chế độ tại các công ty đó mình chưa ưng lắm nên đều từ chối.
Nhưng rồi càng cuối năm xin việc càng khó khăn, những offer mình nhận được càng kém, thậm chí thua xa cả những công ty mình đã từ chối trước đây. Tiền tiết kiệm “dành cho việc thất nghiệp” đã cạn (khoản tiết kiệm khác mình không động tới trừ trường hợp cấp bách). Các khoản chi cố định như tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn,... cũng trở thành một gánh nặng. Mình dần bị khủng hoảng và mất niềm tin vào bản thân.
Lúc này, mình nhận được một offer. Khi deal lương, mình bị ép xuống dưới mức kỳ vọng, công ty cũng không có chế độ phúc lợi gì nổi bật, chỉ ở mức cơ bản. Nhưng đây là công ty đưa ra offer tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Mình tặc lưỡi, thôi cứ đi làm qua Tết rồi tính tiếp”.
Tuy nhiên, nhân vật cho biết càng stress hơn khi làm công việc không đúng với kỳ vọng, mặc dù mọi yếu tố như môi trường, đồng nghiệp đều ổn.
“Mình hoàn toàn không vui vẻ khi có việc làm. Và suy nghĩ tạm bợ cố gắng làm qua Tết càng khiến mình stress hơn. Mình không thể tập trung làm việc, thoải mái cống hiến cho công ty. Mình biết công ty này chẳng có vấn đề gì cả, mọi thứ đều minh bạch rõ ràng, đồng nghiệp thân thiện hỗ trợ, tất cả là ở tâm lý của mình. Vốn dĩ đã mang tâm lý không thoải mái vì lương thấp, mình làm việc uể oải, việc gì mình cũng nghĩ “có đáng không? Tại sao mình phải làm điều này với mức lương này?”. Khi có khó khăn, thay vì nghĩ cách giải quyết, mình lại bật ra suy nghĩ hối hận vì đã đi làm ở đây. Những thứ tiêu cực bị phóng đại và mình chẳng tâm trí đâu mà nhìn vào mặt tích cực. Ngày nào mình cũng xem tin tuyển dụng, còn điên cuồng hơn cả khi thất nghiệp. Mình muốn thoát khỏi công ty này càng sớm càng tốt.
Cuối cùng, mình vẫn xin nghỉ. Chẳng nhận được gì ngoài những ngày tâm trạng tồi tệ, cầm đồng lương ít ỏi chẳng hề thấy vui. Mình hối hận vì đã đi làm một cách tạm bợ.
Nhiều bạn sẽ nói đó là do mình, nếu mình có trách nhiệm với công việc hơn, mình tập trung hơn, mình tích cực hơn thì mọi chuyện sẽ khác. Mình nhận thức được điều đó chứ, nhưng tâm trạng là thứ khó mà điều khiển được và mình chỉ muốn chia sẻ để các bạn đang có ý định nhận công việc tạm bợ qua Tết như mình có thể cân nhắc”.
Trước chia sẻ trên, nhiều người đã để lại bình luận bày tỏ quan điểm của mình. Một bên đồng cảm, ủng hộ, một bên hoàn toàn phản đối và có những quan điểm riêng.
“Làm công việc tạm bợ sẽ phải trả giá rất nhiều”
Một số người thể hiện sự đồng cảm với những suy nghĩ và hành động của chủ tài khoản bởi làm công việc tạm bợ sẽ mang đến những tiêu cực đối với cả bản thân lẫn công ty.
Ngọc Mai cho biết: “Đồng cảm sâu sắc với bạn. Cái đói cái nghèo không đáng sợ bằng việc đối diện hàng ngày 9-10 tiếng với môi trường không phù hợp. Ra khỏi công ty với một tinh thần suy sụp, rách nát, ăn không ngon ngủ không yên,... dù tiền có rủng rỉnh. Tệ!”.
“Thật sự làm công việc tạm bợ bạn sẽ phải trả giá rất nhiều vì nó ảnh hưởng đến CV (Curriculum Vitae - Sơ yếu lý lịch) của bạn, trừ khi sau này đi làm công việc khác bạn gạch bỏ công việc đó ra luôn để khỏi ảnh hưởng”, Long Nguyễn bình luận.
Với Minh Anh, làm công việc tạm bợ còn ảnh hưởng tới cả phía công ty: “Bài chia sẻ hay quá, nói lên thực trạng bây giờ rất nhiều ứng viên cho rằng năng lực bản thân cao và nhận đại công việc không tương xứng rồi vào làm vô trách nhiệm. Mong rằng ai đọc bài viết này cũng hãy có tâm khi nhận việc, đừng gây khó khăn cho những công ty cần người, phí tuyển dụng cũng đắt chứ có rẻ đâu mà gặp người như vậy, tội công ty quá”.
“Đứng núi này trông núi nọ thì khó lắm”
Trái với luồng ý kiến trên, nhiều người cho rằng trong thời điểm thị trường việc làm khó khăn như hiện nay, có việc làm là tốt rồi, không nên quá khắt khe khi lựa chọn công việc.
Tuấn Thành tỏ rõ quan điểm: “Đi làm cuối cùng cũng là vì tiền mà, hết tiền thì phải đi làm chứ, tạm bợ cũng được chứ sao mà nghỉ. Kỳ vọng là ý nghĩ chủ quan của bạn, còn offer là thứ thực tế bạn nhận được. Nguy hiểm nhất là kỳ vọng sai thôi. Nếu không làm tạm bợ thì bạn vẫn thất nghiệp rồi vẫn stress điên cuồng vì thất nghiệp, một vòng luẩn quẩn”.
Trong khi đó, dù đồng cảm nhưng Lan Phương cho rằng chỉ nên nghỉ nếu công việc quá thấp so với yêu cầu: “Nói đừng vì thất nghiệp mà kiếm bừa việc thì cũng đúng. Nhưng mà có chỗ không đến nỗi tệ thì cứ đi làm thôi. Đợt mình nghỉ, xong tìm việc, chỗ nào kêu đi làm thì mình vẫn làm, cả tìm chỗ mới. Đáp ứng nhiều hơn thì nhảy, không thì cứ để đấy đi đi về về cho vui. Trường hợp chỗ làm quá thấp so với yêu cầu thì thôi”.
“Mình thì chỉ thích tiền thôi. Công việc không thích cũng làm lấy tiền đi học thêm, đi làm đẹp. Khi cơ hội tới các điều kiện bản thân đủ sẽ tự thoát ra được. Bản chất của đi làm không phải để kiếm tiền và dùng tiền ý giúp bản thân hạnh phúc hơn hay sao. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thì có việc làm ổn định, đồng nghiệp “ok”, công ty minh bạch, đãi ngộ tốt là may rồi. Nếu bạn làm tốt, bạn hoàn toàn có thể offer lương sau 3-6 tháng hoặc sau khi thử việc. Còn nếu bạn giỏi thật, thì bạn có thể làm thêm freelancer khi rảnh”, Mỹ Linh bày tỏ.
Theo Thùy Dung, cuộc sống có quá nhiều thứ phải lo toan nên không thể chỉ vì không phù hợp mà nghỉ việc: “Mình thì khác, đi làm có thể khiến mình đỡ stress hơn việc phải ở nhà tìm kiếm một công việc thực sự phù hợp với mình ở thời điểm hiện tại. Có thể bạn nói đúng, tâm trạng là thứ khó có thể điều khiển được, nhưng khi còn nhiều thứ khác phải lo thì bản thân mình không thể chỉ lo cho bản thân mình thôi được”.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, Minh Ngọc cho hay: “Mình đang ở tình cảnh giống bạn. Và giờ chấp nhận đi làm tạm đây vì cạn tiền, còn con cái và đỡ stress hơn thay vì ở nhà quá lâu. Người ta cho cơ hội thì cứ làm đi chứ, đứng núi này trông núi nọ thì khó lắm”.
Còn bạn, quan điểm của bạn thế nào về chuyện thà thất nghiệp chứ không làm công việc dưới mức kỳ vọng?
Phụ nữ số