Trước khi gặp Bình, tôi đã từng tham gia vào rất nhiều hành trình cận tử, tôi nghe nhiều về cái chết, tôi nghĩ mình hiểu đầy đủ về nó. Giai đoạn con người đi đến cái chết, lắng nghe nó, đau buồn, vùng vẫy, chấp nhận và quy hàng.
Sau khi đồng hành cùng Bình, tôi nhận ra, tôi đã sai…
2 tháng sau khi Bình mất, Mai dọn ra khỏi căn phòng trọ 15m2, chuyển về sống tại chung cư Topaz Home, ngoại ô Sài Gòn.
Khoảng thời gian chữa trị cho con đã vắt kiệt số tiền tiết kiệm, nhưng Mai vẫn "muốn thay đổi, chịu đựng hết nổi rồi…". Bạn bè cho chị mượn tiền vì không thể cầm lòng chứng kiến người mẹ trẻ chết dần chết mòn khi mỗi ngày đi làm trở về lại thấy Bình như còn đang nằm trên giường, ôm con mèo Mướp ngủ ngon, thấy Bình cặm cụi viết bài và rồi ồ lên cười khi xem hoạt hình trên chiếc iPad.
Mai ra đi.
Nhưng cũng có ngày, chẳng biết điều gì dẫn lối, Mai quên đường về nhà. Chị đánh xe ghé sang trường THCS Ngô Sĩ Liên, đứng đợi Bình. Mai đưa đôi mắt ướt đẫm qua khe cửa, ngắm tụi trẻ con vã mồ hôi trong bộ đồng phục trắng, chạy nhảy, nô đùa. Ở đó, Bình của chị từng là đứa cao nhất khối, chỉ cần thấp thoáng đầu con, Mai đã nhận ra. Bình luôn đáp trả mẹ bằng nụ cười hiền hậu.
Ngày khác, Mai lại vội vàng xách đồ ăn vào viện, đi thẳng lên tầng 3 khoa Nhi - Ung Bướu. Qua lớp học hỗ trợ bệnh nhi, chị vẫn thấy Bình ngồi đùa nghịch cùng Tú Anh, An - những đứa trẻ cụt chân, đầu to, cùng phòng số 5, là bạn thân và cùng mất cách nhau vài ngày.
Tiếng ai đó gọi sau lưng, Mai bừng tỉnh, nước mắt đã nhoè đi trên khuôn mặt.
Mai và chồng giữ lại một phòng trong căn nhà mới cho Bình. Chị sơn tường xanh dương, là màu Bình thích nhất, xếp tập vở cũ gọn gàng trên kệ tủ, đặt cây piano chú Bình tặng hồi sinh nhật năm ngoái đầu giường… Tới bữa cơm, Mai nhớ nhớ quên quên, mở cửa phòng gọi con.
Sau giờ học trở về nhà, thằng bé thay vì phụ mẹ lại muốn xem phim. Bình nằm trên giường, còn nguyên bộ đồng phục ướt sũng, hí hoáy lướt iPad.
Chị co quắp, nằm tê dại trên giường, vớ chiếc áo Bình từng mặc, ướm lên người. Mùi của Bình đây, giọng lanh lảnh của Bình đây, hơi ấm của Bình đây, tất cả ùa về… Mai oà khóc.
Mọi thứ đưa Mai về những ngày đầu tháng 7/2018. Mùa hè năm đó, Bình vừa học hết lớp 7, tấm bằng khen giúp cậu được mẹ thưởng cho một chuyến du lịch.
Mọi năm, Bình muốn được về quê ngoại ở Thanh Hoá. Cậu bé thích mê đi chăn bò, bắt cá, chơi trốn tìm, bắn bi,… cùng tụi anh em trong làng. Không sách vở, không bài tập, thứ không khí trong lành của đồng quê như năng lượng tích cực khiến tụi trẻ con nhanh nhẹn hơn hẳn bốn bức tường thành phố.
Buổi tối, trong giờ cơm, Bình đề nghị: "Con muốn đi chơi cùng bố mẹ".
Mai chần chừ!
Nhiều năm nay, hai vợ chồng Mai luôn chật vật tìm chỗ đứng ở Sài Gòn. Chị đã đăng kí mua căn chung cư nhỏ với mức trả trước 30%. Mai muốn hai đứa con mình sẽ có thể sống trong một ngôi nhà thực sự, thay vì căn phòng trọ 15m2 suốt 15 năm nay. Tiền bạc, công việc, mối quan hệ khiến Mai bận bịu, kỳ nghỉ gia đình vì thế ít tồn tại trong dự tính. Lời Bình nói làm chị hứng thú.
Sáng sau, Mai đồng ý với con. Vợ chồng chị thuê chiếc ô tô 7 chỗ, cầm trong tay vài triệu, vài bộ quần áo và đi không lịch trình định trước.
Trong những bức ảnh Mai còn lưu giữ, cả gia đình chị đã đặt chân đến Buôn Mê Thuột, Gia Lai, Đà Nẵng, Thanh Hoá, Nam Định, Hà Nội, Hoà Bình, lúc thì trèo núi cao, lúc mặc áo hai dây đi tắm biển… Hai cậu con trai đứng cạnh bố mẹ, Bình cao hơn hẳn mẹ một cái đầu, mỉm cười sảng khoái.
Một mùa hè đẹp đẽ trôi qua, Mai hạnh phúc vô ngần. Chị muốn viết điều tuyệt vời nhất này vào nhật ký.
Nhưng, hơn nửa tháng quay trở lại Sài Gòn, Bình bắt đầu la đau chân, chiếc chân khiến cậu nhiều đêm nằm cong người. Liệu con có va vào đâu? Liệu con có thiếu canxi tuổi dậy thì? Chuyến đi dài ngày và hành bộ khiến Bình khó chịu? Mai nghĩ. Một đêm, nắn cái chân tấy đỏ, Mai nói khẽ: "Mai mẹ đưa con đi khám…"
Buổi sáng giữa tuần, hai mẹ con Mai ngồi đợi dài thượt trong bệnh viện Nhi Đồng II. Bác sĩ chụp CT, X-quang, rồi chẩn đoán viêm khớp, cho vốc thuốc đi về. Đó là những ngày tháng 8, trước kỳ học đầu tiên năm lớp 8 của Bình bắt đầu. Lúc bấy giờ, ngoài cái chân đơ, Bình vẫn vui vẻ.
Một tháng trôi qua, vết thương ở chân tiếp tục sưng to. Nhiều đêm, cơn đau hành hạ, Bình vã mồ hôi. Được người quen giới thiệu, Mai cầm giấy tờ tới dò hỏi một bác sĩ ngoại tuyến.
Bác sĩ nhìn phim rồi nhìn mẹ con Mai, rồi nhìn phim, rồi nhìn mẹ con Mai. Lúc lâu, ông bảo Mai đưa Bình ra ngoài, chị ở lại. Bình nhanh chóng nghe lời.
"Tôi nghĩ là u rồi, không biết lành tính hay ác tính. Chị nên cho bé đi Ung Bướu chụp MRI, sinh thiết để chắc chắn" - vị bác sĩ nói.
Nghe Ung Bướu, chị rùng mình.
Cách đó vài ngày, Mai đã có dự cảm bất an. Từ nhỏ đến lớn, Bình chưa bao giờ đổ bệnh, cậu to con nhất lớp, chiều cao và cân nặng gần như tăng đều mỗi tháng. Vậy mà một năm nay, Bình hay la đau chân, cho đến cái tháng sau khi đi chơi trở về, cân nặng không nhỉnh lên, đôi khi còn giảm xuống dù chị chăm con rất kỹ. Sáng sau, vợ chồng Mai cùng đưa con đi Bệnh viện 175 thay vì Ung Bướu
Bình được bác sĩ cho nhập viện gấp để sinh thiết. 3 ngày ở viện, Bình không còn đi lại được nữa. Nằm trên giường bệnh, cậu tỏ ra bức bối vì phải vùi đầu vào iPad, mặc dù lúc ở nhà, Bình có thể cả ngày dài ngồi xem phim, không thiết ăn uống nhưng vẫn vui vẻ. Bình bị mẹ la rầy hoài vì thói quen xấu đó.
Đến ngày thứ 4, bác sĩ gọi vợ chồng Mai lấy kết quả, Bình ngồi ngoài hành lang chờ. Tim chị đập mạnh, mong có sự nhầm lẫn nào đó từ vị bác sĩ ngoại tuyến.
"Bệnh xấu lắm rồi!" - bác sĩ lắc đầu.
"Xấu là đến mức nào hả bác sĩ?" - Mai gặng hỏi lại.
"U ác tính, giai đoạn 4, đã di căn phổi và xương sườn số 8". Bác sĩ nhìn trên phác đồ và nhắc đi nhắc lại từng chỉ số.
Mai quỵ ngã, nước mắt chị rơi lã chã.
"Có cách nào để cứu không bác sĩ?"
"Giai đoạn phát triển u của cháu là gần như nhanh nhất rồi. Cháu chỉ sống 4 tháng nếu không điều trị, một năm nếu điều trị, gia đình nên chuẩn bị tâm lý…" - Bác sĩ nhắc lại lần nữa.
Mai nấc lên. Mọi thứ sau đó chị không còn nghe gì nữa.
"Bao lâu thì Bình biết bệnh của mình?". Tôi hỏi Mai, trong khi chị cố lấy tay chặn đứng nước mắt trên mặt, nhưng nó đã tràn qua kẽ tay.
"Không… Nó biết… Chỉ là không nói…".
Sau này, trong cuốn nhật ký Bình để lại, Mai đọc: "Lúc ngồi trên chiếc xe từng là của bố, nhìn qua khung cửa sổ thấy mắt mẹ đỏ hoe, tôi vẫn trấn an mình chỉ viêm khớp hay đại loại là thế. Tôi nghĩ chỉ vài tháng là khỏi, chỉ cần uống thuốc và vận động nhẹ thôi. Nhưng nó dần thay đổi nhẹ khi tôi nhận ra chân trái mình bắt đầu cứng đơ…".
Nửa đêm, trong lúc ngủ, Bình quay sang ôm mẹ: "Con không chết đâu mẹ".
Mai giật mình, cứng đơ cả khuôn miệng. Bất giác chị lặng thinh.
"Không! Bệnh con không nặng lắm, bác sĩ bảo cứu được…", Mai ôm con.
"Con biết rồi! Mẹ giấu con làm gì! Con ung thư, rồi cũng sẽ chết như ông Ngoại…".
Hồi bố Mai 59 tuổi, sau cái Tết vui linh đình, tự nhiên ông than đau bụng. Đợt đó đi khám, người ta bảo viêm gan, đưa về nhà với một vốc thuốc lớn. Thế nhưng, chỉ 2 tháng sau, cái bụng của bố Mai đã chướng lên, căng bọng bóng nước và cả ổ u đã ngập tràn trong gan. Ông chết chỉ trong 8 tháng.
Những ngày cuối cùng, ung thư ăn hết gan, vào phổi, cơ, thịt, tim, não, rồi phá huỷ xương khiến nó giòn tan, chỉ một cái chạm nhẹ, ôm ấp vỗ về cũng khiến ông vỡ vụn như thuỷ tinh. Ông sống bằng morphine, hai tiếng một mũi cho đến khi thuốc mất tác dụng. Đau đớn, vật vã, rồi chết.
Bình từng nghe kể ông mình chết vì ung thư như thế!
13/8/2018, Bình nhập viện lần đầu tiên. Hôm đó, bạn bè cậu cũng bắt đầu đến trường. Chiếc cặp xách, bộ đồng phục, sách vở mới theo cậu vào viện. Buổi tối, Bình mượn điện thoại mẹ nhắn tin cô giáo:
"Em khoẻ! Đi viện vài hôm, em về lại bắt đầu đi học, cô kèm em nhé!"
Mai mếu máo, khóc không thành tiếng.
Là người chứng kiến toàn bộ cái chết đau đớn của bố, từng tiêm cho ông mũi morphine cuối cùng rồi nhìn ông quằn quại xin được chết… Bao nhiêu ký ức ấy đủ khiến Mai sợ. Từ khi nhận bệnh án của Bình, Mai đã chấp nhận rằng con trai chị rồi sẽ như bố, khi đốt sống giòn như thuỷ tinh bất ngờ gãy vụn, cơ thể ngập tràn khối u, cậu bé sẽ lịm dần rồi tắt hẳn.
So với cái chân đau, vết trầy xước trên da thịt, nỗi đau không sờ nắn được, không hình dung và bắt đoán được khiến con người ta bất lực. Những đứa trẻ, là con, là cháu, ở độ tuổi chỉ vừa kịp lớn lên lại mang nỗi đau ấy khiến họ càng thấy mình ngã quỵ, thật tàn nhẫn vì muốn giúp chỉ khiến chúng thêm đau. Họ thất bại ở mức độ sâu sắc nhất vì nghĩa vụ của cha mẹ là bảo vệ đứa con, nhưng cuối cùng cũng không làm được.
Nhiều đêm, chờ Bình ngủ, Mai ngồi đọc thông tin dày đặc về cái chết "ung thư". Chị hy vọng trong hàng vạn bi thương đó, một ai vô hình cho chị thấy con đường sống.
Mai đau đớn, gập máy.
Ngày đầu vào viện, Bình còn khoẻ, ngoài chiếc chân u, còn lại cậu vẫn vui chơi bình thường. Mùa hè ở khoa nhi, đông ngộp thở. Những chiếc giường nằm 2-3 đứa trẻ, đứa trọc đầu, đứa không chân, khối u to hơn quả bưởi, tứ chi bự như cột đình… Chúng rên rỉ, khóc lóc.
Hơn là cả việc đau đớn, sợ hãi, chúng khóc chỉ vì chúng là trẻ con, khóc vì muốn được thoát khỏi vòng tay bố mẹ, được chạy nhảy trong khoảng không rộng lớn ngoài ô cửa thay vì bốn bức tường ngột ngạt.
Trong nhật ký để lại, Bình viết: "Những ngày ở đây, có rất nhiều người tới thăm. Có người là họ hàng từ nhỏ nhưng hầu hết tôi chẳng nhận ra. Hết người này tới người kia hỏi thăm, rồi quà bánh, nếu nó xảy ra khi tôi khoẻ mạnh mới vui, giờ đây cảm giác nó thật nhạt nhẽo…"
"Bình nhà chị nó biết nghĩ lắm! Thấy mẹ khóc là nó bảo ngay có gì đâu mà khóc, suy nghĩ làm gì cho đau lòng. Nó bình tĩnh thật hay cố gắng cho mình yên tâm, chị không biết nữa" - Mai nhớ lại.
Ngoài đời, Bình vẫn vui vẻ, hào hứng khi có ai đó đến thăm mình thường xuyên. Nhưng trong nhật ký, cậu lại là con người khác. Thay vì quan tâm tới bệnh tật, tới nỗi đau, Bình quan tâm nhiều đến cách được đối xử. Họ hàng vây quanh, bạn bè động viên, lời hỏi han, khóc lóc khi cậu còn đang nằm viện khiến Bình ngộp thở. Cậu ước được trở về nhà.
Cái chân đau, cứng đơ như que củi làm Bình di chuyển, vệ sinh cá nhân khó khăn, nhưng cậu nhất quyết khước từ việc được mẹ giúp đỡ. Cậu con trai ở tuổi mới lớn không muốn thay đồ trước căn phòng dày đặc người, không muốn đi ngoài trên bô. Và đặc biệt, cậu không muốn bị đối xử như bệnh nhân đang cơn nguy kịch, nó khiến cậu thấy mình thừa thãi.
Bình gắng tự làm tất cả, dù bấy giờ khối u ở khuỷu chân đã to, căng mọng và sẵn sàng phát nổ.
Bình viết tiếp: "Bố mẹ thay nhau chăm sóc cho tôi, tôi phải tập đi vệ sinh bằng bô. Lúc đầu rất khó chịu, nhưng tôi phải tập quen dần. Giường bệnh không thoải mái chút nào, nằm ngủ với nhiều người xung quanh làm tôi hay thức giấc nửa đêm. Nhưng sau này mệt quá tôi thiếp hẳn đi".
Không lâu sau, cậu đầu hàng trước căn bệnh.
8 tháng, đó là quỹ thời gian còn sót lại. Vợ chồng Mai đã gửi An (em trai Bình) về quê cho ông bà ngoại, bỏ tất cả công việc để ở bên cạnh Bình 24/7. Mai gọi đó là quỹ thời gian bù đắp, dù thú thực, trước giờ chị chưa làm gì để hối hận với con cái.
Lúc ấy, Bình đã hoàn toàn sống phụ thuộc vào thuốc. Một tuần hoá trị, 2 ống thuốc được truyền liên tục qua tay khiến Bình lở miệng, sụt cân, rụng tóc. Những bình thuốc mà Mai đã từng thấy nóng hổi, như axit, làm cháy da, cháy thịt một vài đứa trẻ trong phòng khi vô tình để chúng vấy lên da.
Chị sợ hãi vô cùng.
Tuần sau, 24/7, Bình xả độc, tuần sau nữa, 24/7 thì kháng sinh… Khác những đứa trẻ khác, việc vào thuốc vắt kiệt sự sống khiến chúng mất hoàn toàn vị giác, chán ăn, nôn thốc khi ngửi mùi thực phẩm, Bình vẫn ăn khoẻ.
Bình tấm tắc khen mẹ nấu ngon, ăn hết số cháo mẹ đem cho nguyên ngày. Sau này, Mai vô số lần khóc mướt khi đọc nhật ký ngày đầu của con: "Mẹ bắt đầu mang loại thức ăn cầu kì gọi là "đồ trưng" (đồ chưng). Nói thật rất ngán, tôi không tài nào có thể cảm nhận mùi vị thơm ngon như lời mẹ nói, nhưng tôi vẫn vui vẻ ăn và làm quen".
Thời gian đó là khoảng thời gian bệnh nhân hoàn toàn sống vì ý nguyện người khác. Dù Bình vẫn cười nói, vui đùa nhưng đã không còn cảm giác. Bình tồn tại bằng ống ven, thuốc, dây truyền, máy oxy, bác sĩ và căn phòng bệnh chẳng hứa hẹn ngày trở về.
Nhưng cậu chưa bao giờ than đau đớn. Nếu mệt mỏi lắm, cậu chỉ nắm chặt tay mẹ, bảo: "Cho con đi ngủ nhé…"
Mai ngồi nhìn thuốc nhỏ giọt qua ven. Ngoài trời, sương mờ phủ đầy cửa kính và đường phố đã vãn tiếng ồn ào từ lâu.
Mai mơ màng. Chị hay mơ thấy mình đi lạc trong cơn ác mộng. Bình phía trước, đang nắm tay mẹ rồi tự nhiên nó buông tay, chạy đi. Mai cố đuổi theo. Gào thét. Tuyệt vọng. Chị bừng tỉnh trong mơ, thở phào vì nghĩ đã qua ác mộng, chị ôm chầm lấy Bình.
Mai tỉnh dậy, vẫn bệnh viện, vẫn Bình ngủ ngon lành và ống thuốc đã hết từ lâu. Thì ra ác mộng dập tắt trong giấc mơ đẹp, giấc mơ đẹp dập tắt trong ác mộng.
Trời đã tảng sáng. Đường phố đông như mắc cửi, vài ba đứa trẻ xinh xắn trong chiếc áo trắng cùng ba mẹ đến trường.
8 rưỡi sáng, Mai lay Bình dậy ăn sáng. Cậu mơ màng, mở mắt rồi thiếp đi: "Để con ngủ…", mặt hơi nhăn nhó.
Cho đến khi Bình bắt đầu thở ngắn, dồn dập, môi tím lại, Mai mới nhớ sự định nghĩa "giấc ngủ" mà cậu nói. Chị điên cuồng gọi bác sĩ.
Đầu tuần, cuộc họp giao ban chưa kết thúc, bác sĩ gấp gáp bỏ giữa chừng. Trong tích tắc môi Bình đã tím rịm, chân tay nhũn như bùn, gần như ngừng thở. Tất cả vội vã hô hấp nhân tạo, tiêm thuốc hồi sức, miệng hét lớn "cố lên". Mai đứng cạnh, khóc không ngừng, sự vô dụng làm chị muốn được chết.
Căn phòng im phăng phắc.
Bình tỉnh, hé mở mắt ít, "Bác để con được ngủ…", rồi lại thiếp đi.
"Bác tưởng con đã đi rồi cơ…" - vị bác sĩ xúc động.
Với Bình, bệnh tình của cậu không ngừng tăng tiến. Hồi vào viện, nghe bác sĩ mặc định Bình đứng ở bước nhảy thứ 3, gần như là nhanh nhất, Mai đã hiểu rằng khối u sẽ sớm xâm chiếm cơ thể con.
Buổi hôm trước, bác sĩ nhìn sắc mặt Bình, bảo cháu ổn hơn rồi. Hôm sau, bác xem lại phim đã lắc đầu "xấu". Hôm sau nữa thì "rất xấu". Vài hôm nữa là "rất rất xấu"… Và rồi không còn gì để nói nữa. Mai bắt đầu có một nỗi sợ vô hình mỗi khi bước vào căn phòng ấy. Chị không biết rằng, ở đó, chị không phải nghe thêm bất kỳ từ ngữ nào dành cho Bình nữa.
Khối u ở khuỷu chân giờ đã to như quả dưa hấu thúi, ứ nước, làm lộ ra những đường tĩnh mạch chằng chịt, tím rịm như đã chết. Khối u khác thì lăn tăn mọc ở khuỷu tay, lồng ngực, xương sườn, khiến mọi nơi trên người Bình đều đau đớn. Bác sĩ đề nghị cắt bỏ chân cho Bình nhưng Mai vẫn chần chừ!
"Chị lúc đó còn hy vọng đưa Bình đi Singapore. Qua đó, không chỉ giữ được mạng sống mà còn cả chân nữa. Chị chưa muốn bỏ cuộc…".
Singapore và phác đồ điều trị mới đã định sẵn trong đầu Mai. Chị mượn sẵn số tiền lớn, chờ đưa con đi. Với Mai, lúc đó có 1% cơ hội sống, chị vẫn muốn giành giật cho Bình.
Nhưng ngày Mai quyết, bác sĩ nài nỉ: "Thời hạn của Bình còn đúng 8 tháng. Làm giấy tờ, bay, rồi qua đó chờ xét nghiệm, Bình sẽ chết trên đường đi mất. Làm ơn, hãy để thằng bé được sống…". Nghe bác sĩ nói, chị chỉ biết khóc.
Như vậy là cơ hội cứu Bình cuối cùng – theo như Mai nghĩ - đã vụt tắt, dù lúc này cậu vẫn ăn nhiều, vẫn chơi đùa.
Tây học đầu hàng, Mai tìm tới đông y. Nghe phong thanh đâu đó có lang y giỏi, Mai lại tìm tới. Rồi thuốc này, lá nọ, cao kia, Mai bỏ ra vài chục triệu đồng để mua những thứ không biết tên. Tin sừng tê giác chữa ung thư, Mai vay mượn họ hàng hơn 180 triệu đồng, mua miếng tí tẹo và bắt Bình uống.
Càng uống, bệnh tình của Bình lại càng tăng.
"Một người biết mình sẽ chết, nếu nhìn thấy con đường dù chẳng biết nó dẫn tới gì, họ vẫn muốn tin vào nó". Mai dường như đánh mất lý trí và tư duy khoa học của mình.
Quả dưa hấu dưới chân sau 5 tháng đã phình to, căng bóng và lấp đầy khối ung thư. Nó đã vượt qua khỏi độ chín mùi để hái, là dấu hiệu buộc Mai không thể chần chừ hơn nữa trong việc loại bỏ khớp chân Bình.
Từng chứng kiến tụi trẻ con chạy nhảy trong viện khi chỉ còn một chân, tháo tới khớp háng, đứa không tay, đứa chỉ còn lại đúng 1/2 tứ chi,… Nhưng giờ đây, việc Mai phải cắt đi chân Bình khiến chị nghĩ mình đang tự tay ngũ mã phanh thây da thịt con mình, Mai đau đớn hơn gấp bội.
Nhưng lựa chọn cái chân mục hay kéo dài sự sống cho con? Chị chọn cái chân. Chị đặt bút kí mà lòng tan nát.
5h sáng, trước khi ca mổ tiến hành, Mai thức dậy, thay quần áo cho Bình. Lúc này, "quả dưa hấu" đã bọng nước ra ngoài, làn da mỏng dính không đủ che chắn. Chưa được 10 phút, nó bắt đầu phát nổ, kéo nứt lớp da, máu ồ ạt tuôn chảy.
Đây gọi là thời kỳ "dưa hấu thúi" phát nổ, tạo ra "cái chết sét đánh" khi bác sĩ đặt trên cao bịch máu truyền vào, bên dưới máu theo lỗ hổng vô tận tuôn ngược trở ra. Mai nhìn Bình quằn quại đau. Vài phút sau, máu được cầm cự, bác sĩ nẹp bông, băng bó.
Ca phẫu thuật diễn ra suốt 3 tiếng đồng hồ. Mai đứng trước cửa phòng đợi, khóc không ngừng.
Sáng đó, một đứa trẻ cũng "phát nổ" như Bình. Cú nổ làm nó mất máu, máu truyền vào đã vội vã trào ngược qua lỗ thoát. Nó đuối sức, co giật rồi chết. Mai nhìn đứa trẻ đi trước mặt mình, trước khi Bình "phát nổ" vài phút, điều đó làm chị gãy vụn.
Chị nghĩ Bình không qua khỏi. Chị giãy giụa.
3 ngày sau, Bình qua khỏi nguy kịch. Nhờ được chăm sóc kỹ mà khả năng phục hồi của cậu dường như vô tận. Hôm trước, vết thương còn há miệng, rỗng tuếch hơn bàn tay, vậy mà qua tháng đã bắt đầu đầy thịt non.
Một sớm thức dậy, Bình thấy mẹ đã nằm thiếp đi dưới cái chân cụt của cậu, mệt lừ. Bình bất động, ngắm nhìn mẹ, ngọt ngào và im lặng. Sự mất mát hay hiện diện của cái chân cụt ấy chẳng làm Bình bận tâm bởi từ lâu, với cậu, nó đã là cành củi khô, mục rữa, thối nát.
So với tụi trẻ con trong phòng, Bình lớn nhất. Cậu thừa biết tất cả chuyện xảy ra, thừa biết ung thư là gì, mình đang ở đâu, sẽ như thế nào sắp tới. Sau ngày dài, Bình đòi được ăn gì đó ngon, dù lúc đó cậu không còn vị giác. Một chiều, Bình đề nghị được về nhà.
Trước đây, ở nhà hay bệnh viện với Bình đều như nhau. Bởi họ hàng không có nhiều ở Sài Gòn, ở nhà cũng chỉ là phòng trọ, suốt ngày quanh quẩn với con Mướp (con mèo bạn thân của cậu). Giờ bố mẹ vào viện cả, lâu dần bệnh viện cũng là nhà.
Nhưng đợt đó, Bình nằng nặc đòi về. Cậu muốn được ngồi xe lăn, nhờ mẹ đẩy đi nhà thờ Mân Côi (Gò Vấp) cầu nguyện. Hồi còn khoẻ, Bình thích nhất nhà thờ này, khi bệnh nặng, cậu lại càng tin vào sự sắp xếp của Chúa.
Buổi tối, mẹ con cậu trốn viện.
Mùa Noel đổ về Sài Gòn, trời đột ngột lạnh. Trong ảnh, Bình ngồi xe lăn, đứng bên cạnh cha xứ, tươi rói. Mai vẫn nghĩ, dường như có một điềm báo, một món quà đặc biệt cuối cùng Chúa tặng riêng cho Bình.
Không hiểu vì sao Noel năm đó, cha tổng giám mục giáo phận Buôn Mê Thuột với 13 cha đồng tế lại tụ họp về Sài Gòn, lại chọn nhà thơ Mân Côi để đọc kinh cầu nguyện. Buổi tối, họ đọc bài giảng về sự thử thách của Chúa dành cho bản thân, sự ra đi tự nhiên, thanh thản. Bình chăm chú lắng nghe.
Mai ngắm nhìn cậu con trai phía đối diện. Chị chưa bao giờ thấy cậu tươi, vui vẻ và hạnh phúc như thế kể từ khi vào viện. Sự ra đi tự nhiên? Thanh thản? Thử thách bản thân? Vô thường? Buông bỏ? Đó là vô tình hay hữu duyên?
Tối đó, trở về nhà, Bình khẽ ôm mẹ:
"Con muốn được chết một cách tự nhiên mẹ ạ!"
Mai vỡ oà cảm xúc, oà khóc. Chị cố ghì ôm Bình, nhưng cơn đau đã khiến cậu rên rỉ…
Ngoài trời, đèn điện thành phố trang hoàng lộng lẫy, những ngôi sao bằng đèn led nhấp nháy sáng rực không ngừng. Đêm đen, đêm thâu vô tận.
Về nhà được 2 ngày, Bình lại phải vào viện. Sáng hôm đó, bác sĩ gọi Mai lên phòng, vẫn câu nói đã cũ, "rất rất xấu…", rồi bác im lặng, "Chị dẫn cháu về ăn Tết với gia đình…".
Câu nói đồng nghĩa việc Bình đã được ghi vào danh sách đỏ, rằng Bình đã vào chặng cuối, quỹ thời gian còn lại đã hết. Thay vì tuyệt vọng, bất lực, trốn chạy như ban đầu, Mai mỉm cười đồng ý.
Cái Tết 2019, Mai đưa An vô lại Sài Gòn. Lâu mới gặp lại anh, thằng bé mừng húm. Nó bên Bình cả ngày, đòi chơi chung, xem phim chung, đêm đêm chỉ ngủ với anh Bình. Nhưng có điều mà Mai nhớ mãi, An lúc đó chỉ 3 tuổi, nhưng thằng bé biết hết mọi chuyện.
Nó biết anh đau nặng, không bao giờ chạm vào Bình quá mạnh, nhất ở là cái chân cụt. Thằng bé luôn dặn trước khi ai đó tới thăm: "Anh Bi đau, đừng chạm chân, anh Bi chết mất…". Một tối, nó trốn trong góc phòng, khóc tức tưởi: "Con không ở với bố mẹ nữa, con sẽ bay về trời về với Bi luôn, anh Bi bị đau, con thương anh Bi quá…"
Mai nấc thành tiếng.
Tết 2019, Sài Gòn vẫn lạnh, đầu tiên gia đình Mai ở lại ăn Tết Sài Gòn thay vì về quê. Dãy trọ lúc này chẳng còn ai, Mai mua vài cái bánh chưng, chậu cúc, nhành mai,… trang hoàng xíu rồi thôi.
Bình đã thôi vào thuốc. Về nhà, ở với ba mẹ, cậu ăn nhiều, thèm đủ thứ và đã lấy lại được vị giác như xưa. Cậu đòi được dẫn đi chơi, dạo đường hoa Nguyễn Huệ, ngắm biển Vũng Tàu… Bình cười tươi trên chiếc xe lăn, nắm tay mẹ. Bốn người nhà Mai quây quần từng ngày, từng giờ, từng phút, bên nhau.
Mai cho rằng mọi thứ là một món quà, là sự sắp đặt đặc biệt Chúa dành riêng cho Bình. Dù lúc ấy, chị đã thấy mọi thứ, thấy sự mất mát mờ nhạt đang sắp sửa trôi qua, thấy Bình chết dần trong khi nụ cười vẫn còn đỏ trên môi, trong tiếng cậu gọi mẹ. Đôi lúc Mai muốn gào lên, muốn oà khóc, nhưng quay lại nhìn con, chị phải cười.
Đó là món quà, một món quà vô giá.
Mùng 6 Tết, theo lịch hẹn, Bình vào viện để hoàn tất thủ tục cuối cùng. Trước khi ra khỏi nhà, cậu nhìn quanh rồi ôm mẹ: "Khi mua nhà mới, mẹ nhớ chừa một căn phòng trống cho con nhé! Mua cho con chiếc máy tính mới nữa".
Rồi Bình quay sang ôm con Mướp, để nó ngã cái bụng to ấm áp nằm trên chiếc chân cụt. "Tao đi chuyến này chắc dài lắm, tao bỏ mày luôn", cậu cười.
Mai nghe gãy vụn trong lòng.
Đợt đó, ba đứa trẻ trong phòng số 5, cùng chơi cùng đùa cùng ngủ với Bình, cùng được đưa vào sách đỏ. Sức khoẻ Bình đi xuống đột ngột. Bác sĩ đã thôi mọi can thiệp vào cơ thể, dặn Mai dù thế nào cũng hãy để cậu đi trong sự bình an nhất.
Chị khóc.
"Thay vì cầu xin, chị biết lúc bác sĩ nói thế nghĩa là hết. Chị chấp nhận, đau thì khóc, nhưng tỉnh lại thôi. Cái bệnh của cháu giờ có giời cũng không giúp được…" - Mai kể.
Bình lúc này đã thở bằng máy trợ oxy, nằm cong queo trên giường bệnh. Nhiều hôm mê man, Bình chập chờn nói mơ: "Con đã làm thần rồi! Con được làm thần rồi". Mai phải cố gào gọi con dậy. Cậu mở mắt, "con chưa chết sao", rồi lại thiếp đi. Mai mua đủ loại morphine và chuẩn bị sẵn sàng khi u xâm lấn vào xương như cách mà cha chị từng đi.
Vài hôm sau, Bình đã ngủ ngồi cả ngày lẫn đêm, trên chiếc xe lăn. Cậu biết chắc mình đã vào chặng cuối, cậu vật lộn với cơn đau, nhưng vẫn khước từ dùng thuốc. Một hôm, Bình ngước mặt cầu xin mẹ: "Đợt này mẹ cho con chết nhé!".
Mai oà lên khóc.
Vốc thuốc đã sẵn sàng trên tay, nhưng vì Bình từ chối dùng, chị chấp nhận. "Con… con… con ơi… Đừng bỏ mẹ" - chị thét lớn. Miệng thét nhưng tay Mai không thể ôm con, không chạm, vỗ về con. Những khớp xương của Bình sẽ vỡ thành trăm mảnh thuỷ tinh.
Mai khóc như máu tuôn ra từ tim, khóc như trào ra từ trong bụng. Bình nhìn mẹ, cậu với tay, bốc cả vốc thuốc vào miệng, đau đớn từ từ giãn ra trên khuôn mặt.
Sau này, khi tham gia câu lạc bộ phòng chống ung thư, Mai đọc được đoạn chia sẻ của người nhà bệnh nhân: "Bố tôi ra đi sau 1 tháng 6 ngày, khi ung thư chỉ mới giai đoạn 1". Mai toan để lại một dòng bình luận tiếc thương, nhưng khi lướt xuống dòng tin nhắn từ người bệnh: "Ước gì tôi có thể ra đi như bác, tôi đã ở đây 5 năm", "Đau đớn, tôi muốn chết như thế", "Thanh thản quá"… Chị vỡ lẽ.
Mai cho rằng giai đoạn đó Bình chỉ đang sống vì người khác. Rằng người bệnh thấy sự sống đau đớn, vật vã hơn nhiều so với cái chết. Họ không còn sợ. Họ muốn được chết sớm. Xem cái chết như nguyện ước cuối cùng, sự giải thoát của tận cùng đau khổ.
Mai đã nghe nhưng chưa bao giờ hiểu Bình. Chị day dứt khôn nguôi.
Ngày 5 tháng 4, mùa nóng dữ dội đổ về Sài Gòn. Lúc này, khoa Nhi Ung Bướu đông nghịt người. Chiếc quạt gió trên cao chẳng đủ xua đi sự oi bức, ngột ngạt, khó chịu.
Đầu giờ chiều, một cậu bé trong sách đỏ vào chặng cuối. Giờ phút cuối cùng, cậu quấy khóc, rên rỉ, khước từ được bất kỳ ai chạm vào người. Người mẹ trẻ đứng bên thành giường nhìn con, thẫn thờ.
Vài tiếng sau, cậu bé lên cơn co giật. Khối u trên mặt làm 2 con mắt của cậu lòi ra khỏi khuôn mặt, máu rỉ qua kẽ hở phủ lớp sương mù khiến nó mờ hẳn. Cậu biết mình chết nhưng không giãy giụa được. Rồi cậu đi.
Sau cô, một cô bé 3 tuổi trong phòng cũng lả đi như cọng bún thiu. Trong sự hoảng loạn của người nhà, bác sĩ đưa ra đề nghị: "Cả gia đình nên đưa cháu về quê, không thì muộn". Mọi người đều khóc.
Bằng cách nào đó, Mai nhận ra thời khắc cuối cùng đã đến. Mai chấp nhận đến lúc Bình giãy giụa, co giật, tím tái thì chị sẽ cho con đi.
Nhưng hôm ấy, Bình vẫn khoẻ. Buổi sáng, cậu đã nhoay nhoáy luớt đọc iPad, tua đi tua lại thước "phim xàm" về mèo. Cậu nhớ Mướp.
Trưa, Bình ăn hết sạch bát cơm, ngon lành. Bình bảo mẹ không buồn ngủ và muốn xem phim. Mai ngồi phía sau lưng làm điểm tựa, vòng tay qua người, ôm con một cách nhẹ nhàng nhất. Bình đặt cánh tay yếu ớt còn lại lên tay mẹ. Cả hai ngước xem bộ phim truyền hình Hàn Quốc trên chiếc tivi cũ.
30 phút sau, Bình khẽ nói, không còn quay lại nhìn.
"Con đi làm thiên thần… Vài tháng nữa con về, mẹ vẫn nhận con làm con chứ?"
Mai vỡ vụn muôn ngàn cảm xúc biết ơn. Sự bất lực khiến nước mắt nghẹn bấn ngang cuống họng, chị lặng yên.
"Nếu làm thiên thần tốt hơn, con cứ ở lại nhé! Đừng về với mẹ…" - chị nói trong khóc.
Bình đã thôi không còn đáp lại, vùi đầu vào lòng mẹ. Cả hai trôi dần đi theo bộ phim.
Mặc tất cả, mặc ồn ào, mặc đau đớn, mặc tụi trẻ con quấy khóc, mặc cái quạt trần ồn ào quay chết đừ từng làm chị cau có… Mai khóc.
Từ từ tay Bình xuôi dần, buông mẹ, rồi quỵ xuống. Mai nhắm chặt mắt: "Con khổ quá rồi, con ngủ đi nhé!".
Mai đặt Bình nằm lại trên giường. Lúc này, Bình vẫn còn thở, mắt nhắm hờ. Bác sĩ cho Mai lựa chọn, hoặc vào phòng hồi sức tích cực hoặc đưa Bình trở về nhà. Nhưng bác sĩ cũng chắc chắn vào phòng hồi sức cũng chỉ là khâu hoàn tất, tất cả đều không còn tác dụng.
Mai chọn đưa Bình về.
Những giờ cuối cùng, Bình được đưa tiễn tại nhà thờ Mân Côi. Người tới thăm cậu sắp thành hàng dài, ai cũng khóc. Tựa như cuốn phim buồn quay chậm, họ từ từ vĩnh biệt cậu, thành kính, thân quen. Tiếng ai oán nghẹn ngào hoà vào bài thánh ca tiễn đưa linh hồn về với Chúa, vang vọng không ngừng.
Bình nằm im, ngoan ngoãn và an lành.
ĐỌC THÊM
Trí thức trẻ