MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Còn cơ hội gom cổ phiếu giá rẻ trong quý III?

Để bảo toàn lợi nhuận trong giai đoạn tăng trưởng 6 tháng đầu năm, theo chia sẻ một nhà môi giới kinh nghiệm thì đây là thời điểm mà các nhà đầu tư cần nâng cao tiêu chuẩn lựa chọn cổ phiếu để đón cơ hội khi thị trường điều chỉnh.

Khá giống nửa đầu năm 2016, thị trường đã một lần nữa tạo ra rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận trong nửa đầu năm nay. Cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index lần lượt có được mức tăng 16,8% và 23,7% lên mức 776,47 điểm 99,14 điểm.

Thanh khoản thị trường đã cải thiện rất lớn trong nửa đầu năm nay. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HOSE tiếp tục có sự cải thiện mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm với mức bình quân đạt 3.840 tỷ đồng. Riêng quý II là 4.500 tỷ đồng với rất nhiều phiên giao dịch trên 5.000 tỷ đồng.

‘Sức nóng’ của dòng tiền

Có thể nói, đây là mức tăng rất ấn tượng trong bối cảnh toàn nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng khá ì ạch. GDP 6 tháng đầu năm 2017 chỉ tăng khoảng 5,73% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đã có dấu hiệu hụt hơi của lĩnh vực sản xuất khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 5 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 14 tháng, xuống mức 51,6 điểm.

Ngược lại với mức tăng trưởng thấp, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 vẫn đạt 7,54%. Đáng lưu ý, đã có sự chênh lệch giữa huy động và cho vay trong 6 tháng đầu năm nay. Trong khi huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 5,89% (thấp hơn nhiều mức tăng 8,23%) của cùng kỳ năm trước thì tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 vượt 1,65 điểm phần trăm so với huy động, đạt 7,54%.

Xét về góc độ vĩ mô, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, thị trường chứng khoán tăng mạnh trong nửa đầu năm nay chủ yếu là do dòng tiền đầu cơ khi đối chiếu với bức tranh tăng trưởng chậm của hoạt động sản xuất.

‘’Thực trạng tăng trưởng kinh tế của chúng ta vẫn đi theo lối mòn. Năm 2016, Chính phủ đã cho thấy quyết tâm cải cách thể chế, lái dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế tư nhân được xem là quyết sách tạo nền tảng nội lực vững chắc để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, việc thực hiện không như những gì đã đưa ra ban đầu. Kết quả, các tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục đổ tiền mạnh vào BĐS và một phần là chứng khoán.” TS. Hiển phân tích.

Theo ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khách hàng cá nhân, CTCK Rồng Việt: “ Dòng tiền ‘nóng’ đổ vào thị trường theo 2 hướng chính: Một là từ tín dụng ngân hàng và các công ty chứng khoán cho vay; nguồn thứ hai là nhiều trường hợp mà Doanh nghiệp (DN) hoặc tự bản thân lãnh đạo DN vay ngân hàng để tự ‘đánh’ cổ phiếu mình lên.’’

Quan sát thị trường đầu năm nay cho thấy, dòng tiền có xu hướng tập trung vào các kênh đầu tư nóng như bất động sản và một phần là chứng khoán. Trong đó, sự trở lại của nhóm cổ phiếu ‘vua’như MBB, STB, ACB, BID, CTG…đã khởi đầu cho đợt song tăng mạnh kéo dài trong suốt nửa đầu năm. Kế đến, nhóm cổ phiếu như bất động sản và tiếp theo là Chứng khoán cũng đã có mức tăng trưởng mạnh sau chuỗi ngày ‘ngủ đông’ khá dài.

Kịch bản cho 6 tháng cuối năm?

Mặc dù tín dụng vẫn được kỳ vọng tăng trong 6 tháng cuối năm, nhưng với cung tiền M2 đang tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, TS. Đinh Thế Hiển nghiêng về kịch bản cung tiền sẽ khó có thể tăng mạnh trong cả năm nay khiến dòng tiền nội vào chứng khoán khó có thể dồi dào hơn trong 6 tháng cuối năm. Do đó, khối ngoại được kỳ vọng sẽ trở thành tâm điểm của sự chú ý. Vốn ngoại có tiếp tục rót ròng như 6 tháng đầu năm hay rút ra như cùng kỳ năm 2016 sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự tăng giảm của thị trường.

Con số cùng kỳ năm 2016 cho thấy, thị trường suy yếu trong nửa cuối năm do nước ngoài rút ròng rất mạnh, lên đến 6.765 tỷ đồng, thì chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2017, khối ngoại mua ròng lên đến 9.048 tỷ đồng đã giúp VN Index tăng mạnh.

Theo ông Hoàng Thạch Lân, kịch bản về dòng vốn ngoại lệ thuộc vào việc đang có bao nhiêu tiền nóng đang đổ vào thị trường qua các quỹ đầu cơ như các quỹ chỉ số ETF và các quỹ đầu cơ. Dòng tiền của nhóm này có thể rút ra bất cứ lúc nào nếu có diễn biến bất lợi về tỷ giá.

Ngược lại, dòng vốn từ các DN nước ngoài tham gia hoạt động M&A tại Việt Nam, các quỹ đầu tư rót tiền mua cổ phiếu Cổ phần hóa niêm yết đang rất tích cực. Hiện Việt Nam đang khuyến khích nước ngoài tham gia đầu tư thông qua hàng loạt thương vụ cổ phần hóa và đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết. Ông Lân kỳ vọng rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay.

“Trước mắt, rất có thể thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh, có thể diễn biến khá giống với kịch bản của đợt điều chỉnh vào tháng 7/2016. “ ông Lân dự báo.

“Ngược lại với tín dụng vào sản xuất, khi tín dụng đổ mạnh vào BĐS sẽ dẫn đến vòng xoay tiền chậm, tạo việc làm thấp và tốc độ tăng trưởng do đó cũng chậm lại. Do đó, thị trường nhiều khả năng sẽ có một đợt suy giảm trong quý III này để đi sát với bản chất nền kinh tế và thực trạng doanh nghiệp.” TS. Hiển dự báo.

Dù đưa ra dự báo thị trường sẽ điều chỉnh trong quý III, nhưng trước các chuyển biến về cải cách thể chế, cơ hội hợp tác quốc tế, các chuyên gia cũng dự báo thị trường vẫn tích cực trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, để bảo toàn lợi nhuận trong giai đoạn tăng trưởng 6 tháng đầu năm, theo chia sẻ một nhà môi giới kinh nghiệm thì đây là thời điểm mà các nhà đầu tư cần nâng cao tiêu chuẩn lựa chọn cổ phiếu để đón cơ hội khi thị trường điều chỉnh.

“Một số nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh so với định giá sẽ đối mặt với rủi ro dòng tiền bị rút ra gây áp lực giảm giá. Ngược lại, nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt kết hợp với tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cao hơn tốc độ tăng giá cổ phiếu sẽ có cơ hội tiếp tục tăng trưởng.”, nhà môi giới chia sẻ.

Huy Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên