Con đường học vấn gây bất ngờ của Mr Pips trước khi bị bắt: IELTS 8.5, được học bổng toàn phần tại Singapore
Theo cơ quan chức năng cho biết, sau khi tốt nghiệp THPT, Phó Đức Nam là 1 trong 3 người trên thế giới được nhận học bổng toàn phần tại một trường đại học ở Singapore.
- 11-12-2024Cận cảnh dàn siêu xe bị tạm giữ trong vụ Phó Đức Nam - Mr Pips
- 11-12-2024Tiktoker Mr Pips - Phó Đức Nam và thủ đoạn khiến một sinh viên ở Hà Nội 'mất trắng' 8 tỷ đồng
- 11-12-2024Hành trình lần tìm manh mối, bắt giữ trùm lừa đảo Phó Đức Nam - Mr Pips
- 11-12-2024TikToker Mr Pips - từ du học sinh Singapore đến trùm đường dây lừa đảo tài chính
Liên quan đến vụ bắt giữ Phó Đức Nam (30 tuổi, tức Mr Pips) trong chuyên án triệt phá ổ nhóm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố 31 bị can, đồng thời xác định 2.661 bị hại trên toàn quốc.
Đến nay, Cơ quan điều tra thu giữ tài sản ước tính 5.200 tỷ đồng. Trong đó, 316 tỷ đồng trong tài khoản; 9 tỷ đồng trái phiếu; 200 tỷ đồng sổ tiết kiệm; 69 tỷ đồng tiền mặt; 890 miếng vàng SJC; 246 kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe; 7 mô tô hạng sang; 59 đồng hồ nhãn hiệu nổi tiếng trị giá khoảng 300 tỷ đồng; 84 trang sức vàng, khảm kim cương; phong toả 125 bất động sản.
Theo thông tin trên báo Dân Trí, một thành viên ban chuyên án cho hay Mr Pips có kiến thức rất tốt về tài chính, kinh tế.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Phó Đức Nam là một trong ba người trên thế giới được nhận học bổng toàn phần tại một trường đại học ở Singapore, chuyên ngành học về công nghệ thông tin.
Nam cũng có khả năng nói tiếng Anh lưu loát, có chứng chỉ IELTS 8.5. Khi thương thảo với người nước ngoài, Nam có thể giao tiếp trực tiếp, không cần phiên dịch viên.
Trao đổi với báo Tiền Phong về quá trình bắt giữ Phó Đức Nam, Thượng tá Cao Văn Thái - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, Phó Đức Nam là đối tượng cầm đầu và có thể nói là đường dây lừa đảo lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực ngoại hối chứng khoán. Đối tượng Phó Đức Nam thường xuyên ở bên Campuchia và thỉnh thoảng về Việt Nam.
"Sau khi đã xác định đối tượng, lực lượng phá án đã tiến hành bắt giữ Phó Đức Nam tại P1, Q.4, TP HCM" - Thượng tá Thái chia sẻ.
Trước đó, theo công an quận Cầu Giấy, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ đã câu kết với một đối tượng quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ có Văn phòng điều hành tại khu Morgan Tower, thành phố Phnom-penh, Campuchia và chỉ đạo 7 đối tượng tại Việt Nam thành lập nhiều Công ty “ma” đặt trụ sở tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác.
Trong đó, có Công ty TNHH ARTEX VINA (trụ sở: phòng 1206, Citilight Tower, số 45 Võ Thị Sáu, phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) có khoảng 44 văn phòng đại diện tại Việt Nam (có 24 văn phòng làm việc tại Hà Nội). Mặc dù Công ty không đăng ký hoạt động về chứng khoán, tài chính nhưng vẫn tuyển dụng khoảng 1.000 nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã tạo lập, quản lý 05 trang web (gồm: Alpha.com, Gtmx.com, Btfx.com, Enzofx.com, Gkfx.com) có giao diện tiếng Anh để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư đây là các sàn giao dịch quốc tế, có uy tín nhưng thực chất các trang web này đều được lập trình, gắn với các tài khoản ngân hàng do các đối tượng quản lý; mỗi sàn giao dịch này đều được kết nối với ứng dụng MetaTrader 4, MetaTrader 5 là nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến trên thế giới.
Đồng thời, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ cũng chỉ đạo các đối tượng khác tuyển dụng nhân viên vào làm việc tại Công ty và phân cấp quản lý thành nhiều bộ phận (như: Kế toán, Nhân sự, Bộ phận IT, Bộ phận kinh doanh và chăm sóc khách hàng...). Các bộ phận này chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động độc lập, hỗ trợ lẫn nhau để tiếp xúc với khách hàng thông qua một số nền tảng mạng xã hội như: Zoiper, Zalo, Telegram... cung cấp thông tin sai sự thật từ đó tạo sự tin tưởng cho khách hàng để chuyển tiền vào tài khoản, ví điện tử gắn với sàn giao dịch nhằm mục đích thực hiện giao dịch ngoại hối, chứng khoán phát sinh kiếm lợi nhuận.
Ban đầu, các đối tượng hướng dẫn khách hàng giao dịch nhiều lần với số tiền ít, “có lãi” và rút tiền được; sau đó, sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để dụ dỗ, thúc đẩy khách hàng nâng vốn giao dịch. Khi khách hàng giao dịch thua lỗ, thậm chí thua hết tiền trong tài khoản (tức “cháy” tài khoản) thì các đối tượng tiếp tục cung cấp thông tin sai sự thật để khách hàng có niềm tin tiếp tục chuyển thêm tiền để “gỡ vốn”, cứ như vậy cho đến khi khách hàng không còn khả năng về tài chính thì các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách hàng đã chuyển.
Đời sống và pháp luật