Cơn mưa lớn nhất sau nhiều thập kỷ lộ ra góc khuất của 'Thung lũng Silicon' nức tiếng tại Ấn Độ
Thành phố phát triển của Ấn Độ đã bị lộ ra nhiều nhược điểm chỉ sau một trận mưa lớn.
- 18-02-2022Gần 100 người mất mạng vì mưa lớn đến "rung chuyển trời đất": Bi kịch tiếp nối bi kịch tại Brazil
- 02-09-2021Đường phố New York "chìm" trong nước, thị trưởng ban bố tình trạng khẩn cấp sau những trận mưa lớn kỷ lục
- 14-08-2021Mưa lũ lớn khủng khiếp "chưa từng thấy", nước cuốn trôi cả xe tải: Nhật Bản phát cảnh báo mức cao nhất có thể
Bangalore (còn được gọi là Bengaluru) nổi lên là một trong những thành phố sáng tạo nhất thế giới theo công bố của tờ Bussiness Insider. Bengaluru được biết đến với tên gọi 'Thung lũng Silicon' của Ấn Độ.
Nơi đây thu hút hàng triệu người lao động và là trụ sở của một số công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, chỉ sau một trận mưa lịch sử gần đây, người ta mới biết được rằng ở Bangalore có nhiều điều khiến dân chúng không hài lòng và cần lên tiếng nhằm thay đổi tình hình trước khi để lại hậu quả muộn màng.
Bengaluru là trung tâm công nghệ nức tiếng của Ấn Độ.
Trận mưa lớn khiến cả thành phố chật vật
Vào tuần trước, "thủ đô công nghệ" của Ấn Độ đã chìm trong biển nước sau khi một trận mưa lớn nhất trong nhiều thập kỷ trút xuống nơi đây. Mưa lụt khiến nhiều gốc cây bị bật rễ, giao thông ở một số nơi bị tê liệt và nhiều công ty đã buộc phải ra thông báo cho nhân viên làm việc tại nhà.
Khi đó, Bengaluru đón trận mưa nhiều hơn 368% so với mức trung bình, theo dữ liệu của Cục khí tượng Ấn Độ. Trận mưa lịch sử đã khiến người dân phải rời bỏ các tầng hầm và bãi đậu xe vì ngập nước. Họ cũng phải đối mặt với tình trạng mất điện ở nhiều nơi.
Trong ký ức của người dân sống lâu năm, thành phố công nghệ này trước đây không phải như vậy. Vào những năm 1990, Bengaluru từng là một thành phố yên bình với khí hậu mát mẻ, nhiều cây xanh và hồ nước bao quanh. Tuy nhiên dần dần, mọi thứ đã thay đổi.
Một góc thành phố biến thành sông.
Sự phát triển nhanh chóng của Bengaluru đã thu hút hàng triệu người lao động cùng biết bao công ty công nghệ. Nhiều người đã chọn nơi đây để khởi nghiệp, khiến thành phố Bengaluru hoàn toàn "lột xác" trở nên nhộn nhịp và năng động hơn.
Nhưng điều này đang khiến Bengaluru phải trả một cái giá rất đắt.
Thành phố phát triển đang bị 'bê tông hóa'?
Bê tông đã thay thế cho các cây xanh và việc xây dựng các tòa nhà quanh bờ hồ đã chặn những dòng chảy thoát nước.
Cơn mưa vào tuần trước đã "giáng một đòn mạnh" vào danh tiếng bấy lâu của thung lũng công nghệ này. Cư dân cho hay họ đã chán ngán với việc giao thông tắc nghẽn và thiếu nước trong mùa khô. Cơ sở hạ tầng nơi đây cũng đang xuống cấp trầm trọng.
Trận mưa bất thường đã khiến nhiều người đặt ra dấu hỏi rằng đến khi nào thành phố này mới chú tâm đến việc phát triển bền vững khi mà tình hình biến đổi khí hậu đang ngày càng trầm trọng hơn?
Ông Pullanoor, người sinh ra ở gần Yemalur, cho biết từ nhiều năm nay, trung tâm đô thị nức tiếng của Ấn Độ đã gặp vô số các vấn đề: "Những cây xanh dần không còn, các công viên gần như biến mất và giao thông lúc nào cũng ùn tắc".
Những cây xanh đang biến mất dần.
Các doanh nghiệp lớn cũng đang lên tiếng phàn nàn về tình trạng ngập lụt và ùn tắc ngày càng trầm trọng, có thể khiến họ mất chục triệu USD chỉ trong một ngày. Bengaluru có hơn 3.500 công ty và khoảng 79 "khu công nghệ", nơi đặt các văn phòng và khu vực vui chơi giải trí cho các nhân viên công nghệ.
Họ buộc phải lội qua những con đường ngập nước để đến được các khu phức hợp hiện đại, nơi các công ty đa quốc gia như JP Morgan và Deloitte hoạt động cùng với một số công ty khởi nghiệp lớn ở Ấn Độ.
Các doanh nhân triệu phú cũng nằm trong số những người phải vật lộn với dòng nước ngập lụt. Các công ty bảo hiểm cho biết, thiệt hại tài sản lên tới hàng triệu rupee Ấn Độ và dự kiến sẽ còn tăng lên trong vài ngày tới.
Vào đầu những năm 1970, hơn 68% diện tích của Bengaluru được bao phủ bởi thảm thực vật. Vào cuối những năm 1990, độ phủ xanh của thành phố đã giảm xuống còn khoảng 45% và đến năm 2021 chỉ còn dưới 3% trên tổng diện tích, theo một phân tích của ông Ramachandra thuộc Viện Khoa học Ấn Độ của Bengaluru.
Ông Ramachandra, làm việc ở Trung tâm Khoa học Sinh thái, cho biết thêm: "Nếu xu hướng này tiếp tục, đến năm 2025, 98,5% diện tích toàn thành phố sẽ bị bê tông hóa".
Làm thế nào để thay đổi?
Ấn Độ là trung tâm công nghệ cho các doanh nghiệp toàn cầu, vì vậy bất kỳ sự gián đoạn nào cũng sẽ gây ra tác động lớn. Bangalore là trung tâm của công nghệ thông tin, nên điều này càng được chú trọng hơn.
Ông Viswanathan, một người điều hành dự án ở Bengaluru, cho biết thành phố này đang dần đánh mất đi vị trí của mình đối với các nhà đầu tư. Không ai muốn xây dựng tâm huyết ở một nơi thiếu cơ sở hạ tầng. Thậm chí một số hiệp hội đưa ra cảnh báo rằng nếu Bengaluru không đáp ứng cơ sở hạ tầng đầy đủ sẽ khiến các công ty lần lượt rời đi.
Theo các chuyên gia, việc mở rộng đô thị nhanh chóng ồ ạt, thường có cả những công trình xây dựng chưa được cấp phép, đã ảnh hưởng đến gần 200 hồ nước và mạng lưới kênh đào tại thung lũng công nghệ.
Bengaluru cần thay đổi trước khi quá muộn.
Do đó, những trận mưa lớn ập xuống khiến hệ thống thoát nước bị quá tải. Chính quyền địa phương mới đây cho hay, họ sẽ chi 3 tỷ rupee Ấn Độ để giúp quản lý tình hình lũ lụt, bao gồm việc dỡ bỏ các công trình trái phép, cải thiện hệ thống thoát nước và kiểm soát mực nước trong các hồ.
Các nhà chức trách xác định khoảng 50 khu vực ở Bengaluru đã phát triển bất hợp pháp, bao gồm cả những biệt thự cao cấp. Tuy nhiên nhiều người cho rằng mọi thứ đã quá muộn để thay đổi, một người dân cho hay: "Bengaluru đang suy tàn. Nó sẽ chết dần chết mòn mà thôi".
Nguồn: Bussiness Insider, Reuters
Trí thức trẻ