MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con rể cựu ủy viên thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc bị "tài liệu Panama" điểm danh

04-05-2016 - 15:00 PM | Tài chính quốc tế

Lý Bá Đàm, con rể cựu ủy viên thường trực Bộ chính trị Trung Quốc Giả Khánh Lâm bị nêu tên trong danh sách các nhân vật cộm cán của Bắc Kinh dính đến bê bối trốn thuế do "tài liệu Panama" tiết lộ.

Theo báo South China Morning Post của Hong Kong, ông Lý bị cáo buộc là chủ Công ty TNHH đầu tư Fung Shing ở quần đảo Virgin của Anh.

"Tài liệu Panama" cho hay công ty Fung Shing ban đầu chỉ do Công ty TNHH Healey Enterprises làm chủ. Đây cũng chính là công ty do Lý làm đại diện khi Fung Shing mới thành lập năm 2000. Tuy nhiên, nó đã được chuyển nhượng cho Lý với giá tượng trưng 1 USD sau đó bốn năm.

Ông Giả Khánh Lâm là một trong những nhân vật quyền lực ở Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đã về hưu năm 2013. Tính đến nay đã có 9 người là con cái và người thân của các cựu ủy viên thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc bị "tài liệu Panama" tố có tài khoản và công ty bình phong ở nước ngoài.

Ngoài ra, Lý Bá Đàm còn là nhà sáng lập và là cựu chủ tịch hội đồng quản trị Công ty đầu tư Beijing Zhaode, chuyên đầu tư vào những lĩnh vực như khai thác khoán sản, bất động sản và quảng cáo. Ông Lý cũng thành lập hàng loạt công ty ở Hong Kong.

Tài liệu còn tiết lộ cựu giám đốc Công ty Fung Shing, Polly Pau Tsz-yim cũng chính là giám đốc của công ty thương mại Harvest Sun ở quần đảo Virgin. Song, chủ sở hữu của Harvest Sun lại là con gái của Lý Bá Đàm, Jasmine Lý hay còn gọi là Lý Tử Đan.

Ngoài ra Jasmine Lý còn lập một công ty cùng tên ở Bắc Kinh.

Cả giám đốc điều hành và giám sát cấp cao của Công ty Harvest Sun đều là những trợ lý thân cận với Lý Bá Đàm.

Theo South China Morning Post, sở hữu các tài khoản ở nước ngoài chưa bị xem là hành vi bất hợp pháp ở Trung Quốc.

Luật nước này chưa bao giờ đề cập trực tiếp rằng đó là hành vi sai trái. Chính vì thế, nhiều doanh nhân Trung Quốc thành lập công ty ở nước ngoài nhằm hưởng chính sách ưu đãi của nước sở tại đối với đầu tư nước ngoài trong một số ngành công nghiệp.

Trong khi đó, nhiều người Trung Quốc khác có công ty ở nước ngoài để đối phó với những qui định nghiêm ngặt đối với các công ty nước này muốn xin thủ tục niêm yết trên các thị trường tài chính quốc tế.

Theo Mỹ Loan

Tuổi trẻ

Trở lên trên