MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cơn sốt” xe đạp khắp thế giới sẽ kéo dài

21-06-2021 - 06:57 AM | Thị trường

"Cơn sốt” xe đạp khắp thế giới sẽ kéo dài

Nhiều cửa hàng trên khắp thế giới đã bán hết sạch ngay sau khi xe đạp mới được giao, thậm chí các thương hiệu xe cao cấp thì khách hàng phải chờ đợi hàng tháng trời mới có hàng. Các nhà sản xuất xe đạp ở các thị trường phương Tây và hai nhà sản xuất lớn nhất châu Á, Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc), đã phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu tăng cao do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ngành sản xuất xe đạp gặp khó trăm bề

COVID-19 đã phá vỡ chuỗi cung ứng xe đạp toàn cầu, khiến cho việc sản xuất mỗi chiếc xe đạp mất nhiều thời gian hơn, người mua xe cũng phải chờ đợi lâu hơn, trong khi nhu cầu xe đạp ở khắp nơi trên thế giới tăng mạnh cũng do COVID-19.

Tình trạng thiếu xe đạp xảy ra ở mọi nơi trên thế giới trong bối cảnh các hãng sản xuất xe đạp, kể cả một số hãng lớn nhất thế giới, cũng đang phải cân nhắc việc cắt đứt những chuỗi cung ứng phụ tùng truyền thống của mình do sự chậm trễ trong việc giao hàng - tình trạng mà một số nhà sản xuất xe đạp mô tả là lâu nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.

Trên thực tế, tình trạng thiếu xe đạp đã xảy ra từ năm ngoái, năm nay càng trầm trọng hơn do những vấn đề về nguồn cung. Tình trạng hiện tại đã làm bộc lộ sự bất cập của việc các hãng xe đạp phải phụ thuộc vào phụ tùng của một số nhà cung cấp, chẳng hạn như tập đoàn Shimano của Nhật Bản – hãng kiểm soát khoảng 65% thị trường bánh răng và phanh cao cấp trên toàn cầu.

Eric Bjorling, giám đốc thương hiệu xe Trek của Mỹ, một trong những nhà sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới, cho biết: "Điều đó đã thúc đẩy chúng tôi phải tìm kiếm những nhà cung cấp khác để đảm bảo sự an toàn".

Các nhà sản xuất xe đạp châu Âu và Mỹ cho biết thời gian từ khi đặt hàng đến khi giao hàng đối với các linh kiện cao cấp do Shimano sản xuất đã lên tới 400 ngày, khiến cho ngành sản xuất xe đạp vốn đang chật vật cố gắng đáp ứng nhu cầu xe đạp tăng đột biến do đại dịch Covid-19 nay lại càng khó khăn gấp bội.

Một số nhà cung cấp thông báo thời gian đặt mua một số phụ tùng như phanh thủy lực hoặc bánh xe thậm chí còn lâu hơn thế.

Chuỗi cung ứng phụ tùng thắt chặt cũng ảnh hưởng đến các nhà sản xuất xe đạp hàng đầu khác như Giant và Merida của Đài Loan.

Shimano, có trụ sở tại Osaka, sản xuất các bộ phận câu cá và thiết bị chèo thuyền cũng như phụ tùng xe đạp. Công ty này đã rất chật vật để đáp ứng nhu cầu do đại dịch Covid-19 thúc đẩy hàng triệu người trên thế giới bắt đầu đi xe đạp. Dự báo tình trạng thiếu hụt phụ tùng sẽ vẫn còn tiếp diễn, kể cả khi các nhà máy Shimano tiếp tục hoạt động hết công suất.

Cơn sốt” xe đạp khắp thế giới sẽ kéo dài  - Ảnh 1.

Hãng xe đạp Trek cho biết đã đến lúc ‘phải ra khỏi vùng an toàn (cung cấp phụ tùng) của chúng ta’ - Ảnh: Bloomberg

Đối với những nhà sản xuất xe đạp quy mô nhỏ hơn, những khó khăn trong cung ứng phụ tùng còn nghiêm trọng hơn thế. Đặc biệt, với những công ty mới gia nhập thị trường sản xuất xe đạp thì nguy cơ thất bại là rất cao.

Công ty khởi nghiệp LeMond, được thành lập bởi Greg LeMond, nhà vô địch Tour de France ba lần, đã bị trì hoãn 4 tháng vì sự chậm trễ về nguồn cung, bao gồm việc Shimano cắt giảm 80% lượng giao hàng trong nửa đầu năm.

"Chúng tôi được thông báo từ mùa Hè (năm ngoái) là chờ đến tháng 12, sau đó là tháng 1. Đến tháng 3, chúng tôi đã có đủ mọi phụ tùng, trừ hai bộ phận này (do Shimano sản xuất). Thật không may là nếu chúng tôi không có đủ mọi bộ phận thì không thể sản xuất được một chiếc xe đạp nào," Dean Hendrickson, giám đốc điều hành của LeMont cho biết.

Một tỷ lệ rất lớn xe đạp và các linh kiện trên thế giới được sản xuất tại Đài Loan, nhưng đại dịch đã hạn chế khả năng di chuyển của những người lao động mà các nhà sản xuất xe đạp cần.

BRAIN (Bicycle Retailer and Industry News – tạp chí ngành bán lẻ xe đạp Mỹ) cho biết: "Các nhà máy của Đài Loan phụ thuộc vào nguồn nhân lực là công nhân đến từ Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines. Nhưng các hạn chế đi lại do Covid-19 đã cản trở việc xuất nhập khẩu lao động, dẫn tới hạn chế khả năng tăng sản lượng của các nhà máy Đài Loan".

Chi phí nguyên vật liệu cũng tăng (giá nhôm tăng 15%, giá thép tăng 20%, giá cao su tăng 50%). Việc vận chuyển chậm hơn và đắt đỏ hơn.

Song đó là những khó khăn chung của ngành xe đạp toàn thế giới, còn với riêng Mỹ thì tình hình còn phức tạp hơn bởi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, theo đó ông Trump áp thuế 25% đối với nhiều sản phẩm, trong đó có phụ tùng xe đạp. Do đó, trước khi đại dịch xảy ra, một số nhà phân phối Mỹ đã ngừng thực hiện các đơn đặt hàng với hy vọng ông Trump sẽ thay đổi quyết định đánh thuế hoặc loại bỏ phụ tùng xe đạp ra khỏi danh sách thuế. Điều đó có nghĩa là thị trường Mỹ đã thiếu xe đạp từ trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.

Sự thiếu hụt đã khiến mọi người phải lôi những khung xe han gỉ từ các nhà kho để đưa đi sửa chữa, tạo ra một sự bùng nổ nhỏ khác trong lĩnh vực cơ khí.

Cơn sốt” xe đạp khắp thế giới sẽ kéo dài  - Ảnh 2.

Nhiều người đã mang xe đạp cũ đến các hiệu sửa xe

Nhu cầu xe đạp tăng mạnh ở khắp nơi trên thế giới

Mọi quốc gia trên thế giới đều đã hoặc sắp thiếu hụt xe đạp do nhu cầu tăng một cách đáng kinh ngạc trong mùa đại dịch Covid-19. Ở các thị trường lớn thì doanh số bán xe đạp đều áp đảo nguồn cung.

Ở London, những con đường dành cho xe đạp đã chật cứng người đi xe đạp. Người dân Vương quốc Anh đã chuyển sang sử dụng xe hai bánh để duy trì lối sống năng động trong đại dịch. Hiệp hội Kinh doanh Xe đạp cho biết khoảng 20.000 xe đang chờ sản xuất và giao hàng đã được bán hoặc có người đặt trước. Khách mua thuộc nhiều thành phần, có những người trước nay luôn đạp xe đi làm, có những người chưa từng đạp xe…Xe đạp và xe tay ga đã từng là lựa chọn thay thế cho xe buýt nhỏ. Người dân cũng đang mua xe máy điện và xe đạp điện. Hành vi của người tiêu dùng cũng liên quan đến mong muốn tránh xa phương tiện giao thông chạy bằng động cơ diesel gây ô nhiễm không khí trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Halfords, chuỗi cung ứng thiết bị du lịch và thể thao lớn của Anh, cho biết, kể từ tháng 4/2020 đến nay, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này đã tăng 184% lên 64,5 triệu bảng Anh (89,99 triệu USD), với tổng doanh số bán hàng của Halfords tăng gần 14% lên 1,3 tỷ bảng Anh (1,8 tỷ USD).

Tại nước Pháp, nơi người dân vốn yêu thích xe đạp, doanh số bán xe đạp trực tuyến đã tăng 350% ngay trong 5 tháng đầu năm 2020, khi virus Covid-19 mới xâm nhập vào Châu Âu.

Tại Mỹ, một số thành phố đã thay đổi cơ sở hạ tầng giao thông để tạo thuận lợi cho người đi xe đạp và người đi bộ trong thời kỳ đại dịch. Các nhà chức trách ở thành phố San Francisco của Mỹ đã đóng cửa một đường cao tốc lớn giáp với bãi biển Thái Bình Dương dành cho ô tô, động thái được nhiều người dân đồng tình ủng hộ.

Theo công ty nghiên cứu NPD Group, doanh số bán xe đạp tại Mỹ tăng 77% trong năm nay, tính đến tháng 3 và đạt 6,7 tỷ USD. Trong khi đó, khoản tiền trung bình người tiêu dùng phải chi cho một chiếc xe đạp tăng 27%. Nguyên nhân một phần do giá tăng và một phần do nguồn cung khan hiếm, theo đó khách hàng phải lựa chọn những mẫu đắt tiền hơn.

Kể từ khi Mỹ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19, người dân đã ồ ạt mua xe đạp để tập thể dục, một phần để hạn chế sử dụng các phương tiện công cộng. Theo các hãng bán lẻ và công ty sản xuất xe đạp, hiện nay, khoản tiền tiết kiệm trong thời gian Mỹ phong tỏa khiến nhu cầu tăng cao.

Ngoài ra, họ cũng nhắc đến một số yếu tố khác. Từng đạp xe cùng bạn trong thời kỳ đại dịch, giờ đây một số khách hàng muốn mua chiếc xe cho riêng mình. Nhiều nơi trước đó phong tỏa khu phố và tạo thêm làn đường cho xe đạp trong thời kỳ đại dịch đã tiếp tục thực hiện sự thay đổi đó. Theo đó, nhu cầu đang bùng nổ ở khắp nơi, từ các nhà bán lẻ lớn như Walmart – nơi bán nhiều loại xe đạp, cho đến những cửa hàng chuyên biệt.

Tương tự, tại Ấn Độ, nhu cầu xe đạp trong tài khóa hiện tại dự báo sẽ tăng 20%, với doanh số dự kiến đạt 14,6 triệu chiếc, so với 12 triệu chiếc của tài khóa trước.

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn tới việc hạn chế đi lại, không tập trung nơi đông người và các phòng tập thể thao đóng cửa khiến nhu cầu sử dụng xe đạp tăng đột biến, với lượng xe đạp bán ra tại nhiều cửa hàng tăng mạnh, thậm chí luôn trong tình trạng cháy hàng vì quá tải, kể cả trong mùa Hè – trước đây là mùa tiêu thụ chậm. Nhu cầu tăng cao khiến giá xe đạp tăng khoảng 10-20%, song nhiều người vẫn sẵn sàng chi từ vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng để sở hữu một chiếc xe đạp.

Hiện thị trường xe đạp Việt Nam ước tính đạt doanh số 2-3 triệu chiếc/năm, trong đó xe đạp Thống Nhất chiếm khoảng 10% thị trường, tức khoảng 200.000-300.000 chiếc/năm. Tính từ đầu năm đến nay, công ty đã bán được hơn 100.000 chiếc xe đạp, tăng gấp khoảng 1,5 lần so với cùng thời điểm đầu năm 2020, với tổng gần 400 cửa hàng và điểm phân phối các đại lý trên toàn quốc.

Khi nào cán cân cung – cầu sẽ cân bằng trở lại

Antonio Dus, giám đốc điều hành của Cicli Pinarello, một nhà sản xuất xe đạp cao cấp của Italy, cho biết vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp xe đạp là liệu nhu cầu xe đạp có tiếp tục cao trong dài hạn hay không.

Giám đốc Công ty Davide Campagnolo, đơn vị đã tăng cường công suất sản xuất ở châu Âu để đáp ứng nhu cầu về bộ bánh răng mà Shimano đang gặp khó khăn trong việc cung cấp, ông Davide Campagnolo cảnh báo: "Nhu cầu xe đạp mạnh như hiện nay sẽ không thể tồn tại mãi mãi". Ông Campangolo dự báo giá xe đạp sẽ giảm vào mùa Hè năm 2023, khi các môn thể thao trong nhà được khôi phục đầy đủ, và sau khi thị trường đã tiêu thụ một lượng lớn xe đạp.

Theo BRAIN, nguồn cung xe đạp trên thế giới đã tăng đáng kể từ tháng 3 vừa qua, nhưng ít người cho rằng sản lượng tăng sẽ sớm đáp ứng đủ nhu cầu. BRAIN dự báo tình trạng thiếu hụt xe đạp sẽ còn tiếp diễn tới năm 2022.

Tham khảo: Ft, Theguardian

Vân Chi

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên