MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con tôm Việt: Thách thức và cơ hội

12-02-2017 - 13:58 PM | Thị trường

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, cũng xuất hiện những cơ hội mới, là cơ hội cho người nông dân chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản.

Thủ tướng nêu khát vọng về một công xưởng sản... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát... Ngành tôm Việt Nam có lợi thế tuyệt đối Thủ tướng: 10 tỷ USD xuất khẩu tôm vào năm... Thủ tướng thăm cơ sở sản xuất tôm có 'giấc...

Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài 3.260 km và có hệ thống sông ngòi với mật độ cao. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản hiện nay là thế mạnh có thể mở rộng và thúc đẩy, nâng tầm chuỗi giá trị gia tăng.

Đặc biệt, nuôi tôm đang nắm lợi thế nhất, bởi đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 1 triệu ha (trong đó 700.000 ha nuôi tôm) và diện tích này có thể tăng thêm trong bối cảnh biến đổi khí hậu, có khả năng Việt Nam phải tính toán lại và chuyển một phần của 2 triệu ha đất lúa sang nuôi trồng thủy sản.

Cùng với thị trường xuất khẩu tôm rộng mở, nhu cầu tôm trên toàn thế giới đang gia tăng và chưa có giới hạn, góp phần tạo nên những triển vọng sáng sủa của ngành này.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm bình quân giai đoạn 1998-2015 là 11,6%/năm, và 8,8%/năm trong giai đoạn 2010-2015. Sự phát triển nhanh chóng này là do nhu cầu của thị trường tôm thế giới vẫn tăng lên nhanh và sản xuất tôm của Việt Nam đã có sự nhảy vọt, đặc biệt là từ năm 2000 khi Nhà nước cho phép sản xuất nông nghiệp dựa trên điều kiện tự nhiên và theo thị trường. Diện tích và sản lượng tôm các tỉnh vùng ĐBSCL đã có thay đổi nhanh chóng.

Giá trị xuất khẩu tôm giai đoạn 1998 - 2016 (Nguồn: Tổng hợp từ VASEP)
Giá trị xuất khẩu tôm giai đoạn 1998 - 2016 (Nguồn: Tổng hợp từ VASEP)

Trong giai đoạn 2010-2016, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang hơn 60 thị trường. Trong đó, 3 thị trường chủ lực là Mỹ, EU, Nhật đã chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh các thị trường lớn, thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc tăng trưởng đáng chú ý từ 12,93% thị phần năm 2010 lên khoảng 20% thị phần vào 2015.

Hiện nay, một số hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với một số quốc gia nhập khẩu thủy sản tiềm năng đã và đang được ký kết như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU... sẽ là cơ hội thuận lợi cho xuất khẩu tôm.

Thách thức lớn - cơ hội mới

Trong hội nghị về phát triển ngành tôm mới được tổ chức, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, một trong những thách thức lớn của ngành nông nghiệp chính là biến đổi khí hậu.

Gần giữa năm 2016, tình hình xâm ngập mặn đã tác động nặng nề ở vùng ĐBSCL gây thiệt hại cả trên cây trồng vật nuôi nước ngọt lẫn thủy sản mặn - lợ ở các tỉnh ven biển. Đặc biệt trên con tôm, mực nước đầm xuống thấp, môi trường không ổn định và độ mặn cao (15-30‰) làm cho con tôm giảm sức đề kháng, dễ sốc và chết.

Tại Kiên Giang, nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao làm phát sinh các dịch bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp khiến hơn 8.000 ha tôm thiệt hại nặng từ 30-100%. Tại Trà Vinh, hơn 700 hộ nuôi tôm sú bị thiệt hại khoảng 61 triệu con/800 ha và trên 600 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại khoảng 150 triệu con giống trên diện tích 341 ha.

Bên cạnh những thiệt hại do xâm ngập mặn gây ra thì cũng xuất hiện những cơ hội mới. Một số vùng ven biển ở ĐBSCL có nước biển dâng làm diện tích cây trồng khác như (lúa, hoa màu) mất dần, là cơ hội cho người nông dân chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản.

Đã có một số mô hình canh tác lúa-tôm xuất hiện ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: Giải pháp nâng cao tính bền vững của mô hình canh tác lúa-tôm vùng ĐBSCL được tổ chức vào ngày 22/7/2016 tại Bạc Liêu bởi Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, một lần nữa các nhà khoa học, diễn giả khẳng định, mô hình lúa-tôm rất có tiềm năng cho phát triển bền vững cho các tỉnh ven biển ĐBSCL trước thách thức của biến đổi khí hậu.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2, nuôi tôm mặn-lợ ở ĐBSCL có xu thế gia tăng nhanh về diện tích sản lượng trong giai đoạn từ 2000-2014.

Tuy nhiên, từ năm 2010 đã có xu hướng chuyển đổi một phần diện tích từ nuôi tôm sú bán thâm canh/thâm canh sang nuôi tôm thẻ chân trắng do giá bán tôm thẻ chân trắng cao, nhu cầu thị trường lớn và chu kỳ nuôi ngắn, khả năng xoay vốn sản xuất nhanh hơn.

Diện tích nuôi tôm gia tăng nhanh trong giai đoạn 1999-2014, nhưng tôm-lúa và tôm sú quảng canh cải tiến chuyên tôm vẫn là mô hình chiếm diện tích lớn so với các mô hình còn lại. Điều này có thể cho thấy nghề nuôi tôm nước lợ vẫn chủ yếu còn ở quy mô nhỏ, sức sản xuất thấp.

Đồng thời, kỹ thuật nuôi tôm còn nhiều hạn chế do người nuôi còn hạn chế về trình độ học vấn, vốn đầu tư, thiếu liên kết và thông tin thị trường.


Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Để ngành tôm đột phá

Để phát triển ngành tôm bền vững, chính sách quy hoạch cần tập trung thực hiện một số công việc như điều tra diện tích nuôi tôm sú và tôm chân trắng, mức độ đan xen trong nuôi của 2 đối tượng này; tách biệt giữa nuôi quảng canh/quảng canh cải tiến với nuôi công nghiệp; rà soát quy hoạch; nghiên cứu những phương thức nuôi mới đang thu được thắng lợi. Cùng với đó là huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là các nguồn lực của khu vực tư nhân, các cơ chế hợp tác công-tư trong thực hiện quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng trong các đề án quy hoạch.

Đối với tiêu chuẩn nuôi tôm, cần có sự cải tiến và đồng bộ hóa, tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước về các loại thuốc, chế phẩm sinh học. Cải tổ căn bản hoạt động kiểm soát giống, thuốc thú y, chế phẩm sinh học xử lý và cải tạo môi trường.

Cụ thể là, xem xét lại các văn bản pháp luật, cải tổ hệ thống kiểm soát, và cấp giấy phép sản xuất các loại thuốc, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường; thực hiện kiểm tra và kịp thời chấn chỉnh hoạt động buôn bán các sản phẩm này trên thị trường, nhằm giúp người nuôi mua được sản phẩm có công dụng phù hợp với nội dung của giấy chứng nhận, giảm được thiệt hại do các sản phẩm không có tính năng tác dụng như trên nhãn gây ra.

Thay đổi cơ chế quản lý kháng sinh, hóa chất và phụ gia như việc ban hành danh mục những chất được phép sử dụng thay vì danh mục chất cấm như hiện nay, bởi vì số lượng những chất được phép sử dụng ít thay đổi và đều được cả EU, Mỹ và nhiều thị trường khác chấp thuận. Nếu thay đổi cơ chế thì việc bổ sung thêm các chất mới vào danh sách chất được phép sử dụng sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn nhiều so với việc kéo dài triền miên danh mục các chất bị cấm.

Khắc phục tình trạng quản lý kháng sinh, hóa chất chồng chéo và kém hiệu quả của các bộ, ngành hiện nay bằng việc thành lập một tổ chức tách riêng chuyên quản lý và chịu trách nhiệm về dược phẩm và thực phẩm xuất khẩu, nhập khẩu và lưu thông trong toàn quốc.

Chính sách tín dụng và đầu tư cũng cần được cải tiến nhằm cho phép thế chấp vay vốn đối với tài sản hình thành như nhà điều hành, nhà kho. Các cơ sở tín dụng được thuê tổ chức tư vấn độc lập để giám sát việc nuôi tôm của người vay, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, nguồn gốc sản phẩm đầu vào, đầu ra bảo đảm chất lượng nhằm tạo cơ sở thực tế để các tổ chức tín dụng cho vay vốn và thu hồi vốn tốt.

Xây dựng cơ chế thông tin về thị trường, tổng hợp số liệu về thị trường, định kỳ thông báo về dự đoán thị trường. Mặt khác, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương khẩn trương hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất tôm, quản lý giá chặt chẽ hơn giá cả nguồn nguyên liệu đầu vào nhằm giúp tăng thêm sức cạnh tranh và nâng giá trị của sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Để hỗ trợ phát triển ngành tôm phát triển đồng bộ và bền vững thì việc thành lập một hội đồng hoặc ban điều phối cho cụm-ngành dịch vụ hỗ trợ phát triển ngành hàng tôm là cần thiết. Thành phần tham gia bao gồm các doanh nghiệp chế biến, nông dân, các nhà cung ứng đầu vào (giống, thức ăn, hóa chất), tổ chức tín dụng, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ và chính quyền... nhằm đưa ra một lộ trình phát triển và quản lý giám sát đồng bộ cho chuỗi giá trị tôm hướng tới thị trường. Hơn nữa, hội đồng này sẽ tổ chức các dịch vụ hỗ trợ cho ngành như khơi thông vốn đầu tư, quản lý chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất, lưu thông...

Theo Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Trung tâm Tư vấn CS&CL PTNT Miền Nam

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên