Con trai ông Trần Bắc Hà bị cáo buộc "rửa" 10 triệu USD
Cơ quan tố tụng xác định Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà cùng đồng phạm có dấu hiệu của tội vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới hoặc rửa tiền.
- 26-10-2020Nguyên phó tổng BIDV: Bị cáo thấy dự án rủi ro nhưng ông Trần Bắc Hà đe dọa cách chức
- 26-10-2020Triệu tập hơn 100 người đến phiên tòa xử đại án thất thoát hơn 1.600 tỷ tại BIDV liên quan ông Trần Bắc Hà
- 25-10-20202 nguyên phó tổng BIDV cùng đồng phạm hầu toà ngày 26-10
Ngày 27-10, phiên tòa xét xử sơ thẩm đại án Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) gây thiệt hại khoảng 1.664 tỉ đồng tiếp tục diễn ra.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định ông Trần Bắc Hà - nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV - là chủ mưu, cầm đầu nhưng ông Hà đã tử vong trong trại giam vì bệnh hiểm nghèo nên cơ quan công an đình chỉ bị can này.
Con trai ông Hà là Trần Duy Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phú, có dấu hiệu "vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới", "rửa tiền" nhưng bị can Tùng đang bỏ trốn nên cơ quan điều tra ra quyết định truy nã quốc tế và tách vụ án hình sự, tạm đình chỉ điều tra đối với bị can này, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Ông Trần Bắc Hà (phải) cùng con trai Trần Duy Tùng (trái) khi cùng tham gia một sự kiện trước đây - Ảnh: Nhadautu
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV - Chi nhánh Hà Tĩnh, Chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà là công ty "sân sau" của Trần Bắc Hà và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền đặc biệt lớn là 1.664 tỉ đồng.
Cũng theo cáo trạng, Trần Duy Tùng nhờ Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh đứng tên tham gia góp vốn vào Tập đoàn An Phú, Trần Anh Quang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT giúp Tùng. Tập đoàn An Phú được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài để thành lập liên doanh Công ty SHH Viêng Chăn với số vốn gần 300 tỉ đồng.
Từ 2013 đến 2015, Tùng và Vinh đã nộp 10,4 triệu USD tiền mặt vào tài khoản của Vinh mở tại Ngân hàng liên doanh Lào - Việt (LaoVietBank). Sau đó, Tùng dùng 10 triệu USD từ tài khoản của Vinh chuyển sang Công ty Outhid Houng Heang.
Để qua mặt cơ quan chức năng, ngày 23-12-2015, Tập đoàn An Phú chuyển sang Lào 4 triệu USD. Công ty Outhid Houng Heung thay mặt Công ty SHH Viêng Chăn chuyển 10 triệu USD góp vốn vào tài khoản của LaoVietBank để góp 10% vốn điều lệ.
Công ty SHH Viêng Chăn là một trong ba cổ đông góp vốn vào LaoVietBank và nắm giữ 10% cổ phần. Tuy nhiên, công ty này không trực tiếp nộp tiền mà thông qua Công ty Outhid Houng Heung.
Theo cáo trạng, việc Tập đoàn An Phú xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài thành lập liên doanh là Công ty SHH Viêng Chăn, thực hiện góp vốn vào LaoVietBank là để hợp thức hóa và che giấu hành vi đầu tư ra nước ngoài trái phép của Trần Duy Tùng, Thái Thành Vinh và Trần Anh Quang.
Bên cạnh đó, toàn bộ cổ tức hơn 2,3 triệu USD (hơn 53 tỉ đồng) LaoVietBank trả cho Công ty SHH Viêng Chăn, Trần Duy Tùng đã quản lý và sử dụng cá nhân, không chuyển về nước theo quy định tại Điều 65 Luật đầu tư năm 2014.
Hành vi nộp trái phép 10,4 triệu USD của Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh có dấu hiệu của tội "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" hoặc "rửa tiền". Tuy nhiên, do Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh đang bỏ trốn, chưa thể ghi lời khai để làm rõ nguồn tiền 10,4 triệu USD.
Người lao động