Công an TP HCM khởi tố hàng loạt vụ "khủng bố" đòi nợ
Công an TP HCM trong năm 2023 đã nhận diện nhiều thủ đoạn của hoạt động tín dụng đen, qua đó triệt phá, xử lý nhiều vụ việc.
Ngày 17-1, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia).
Về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 2023, ông Lê Thanh Hải, Chánh văn phòng BCĐ 389 quốc gia, cho biết trong năm, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Theo đó, trên tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển, đối tượng lợi dụng tạm nhập tái xuất, hàng hóa nhập xuất kho ngoại quan, hàng quá cảnh, nhập khẩu nguyên liệu gia công, xuất khẩu… để đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu hàng vào nội địa.
Tại các địa bàn nội địa, ông Lê Thanh Hải cho biết đối tượng lợi dụng thành lập nhiều doanh nghiệp, lợi dụng mua bán trái phép, xuất khống hóa đơn nhằm chuyển tiền bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng.
Đối với ma túy, tiền chất ma túy, đối tượng lợi dụng một số cơ sở sản xuất hàng hóa thông thường để ngụy trang, cất giấu, tập kết số lượng lớn ma túy lên các phương tiện khai thác thủy sản trung chuyển ra nước ngoài tiêu thụ.
Theo Chánh Văn phòng BCĐ 389 quốc gia, đối với xăng dầu, các đối tượng mua bán, sang mạn trái phép xăng, dầu trên phương tiện khai thác thủy sản vận chuyển về vùng biển Việt Nam bán lại cho phương tiện khai thác thủy sản.
TP HCM chủ động trấn áp tội phạm
Tại điểm cầu TP HCM, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Dũng cho biết trong năm qua, Công an TP HCM đã chủ động nhận diện 5 loại tội phạm, trong đó nổi lên là tội phạm đường phố như cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng. Công an TP đã phát hiện, khởi tố 3.589 vụ trong năm 2023.
Bên cạnh đó, tội phạm tín dụng đen hoạt động với tính chất phức tạp hơn. Bên cạnh những "chiêu thức" truyền thống, các đối tượng còn thành lập công ty tài chính, công ty tư vấn pháp luật mua lại các khoản nợ xấu để thu hồi nợ, cưỡng đoạt tài sản thông qua thủ đoạn đe doạ, khủng bố đối với người vay.
Theo ông Dũng, trong năm 2023 cũng xuất hiện những băng nhóm tội phạm có yếu tố nước ngoài, sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng, núp bóng cho vay tiêu dùng, vay cầm đồ, với quy mô, tính chất, mức độ đặc biệt lớn.
Từ cuối năm 2022 đến nay, Công an TP HCM đã khởi tố 15 vụ án với 79 bị can về hành vi cưỡng đoạt tài sản núp bóng thu hồi nợ trái pháp luật tại hàng loạt công ty tài chính, công ty tư vấn pháp luật như Công ty cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng...
Đối với tội phạm về ma tuý, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết đây là nguồn phát sinh các tội phạm khác về trật tự xã hội. Công an TP HCM đã nhận diện, các đối tượng thuê lại căn hộ chung cư để cải tạo làm nơi cất giấu, tổ chức mua bán ma tuý.
Trên cơ sở đó, TP HCM đã quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, BCĐ 138/CP, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, TP HCM kiến nghị Chính phủ, BCĐ 138/CP tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt sự ủng hộ của nhân dân, coi trọng giải quyết vấn đề từ cơ sở. Bên cạnh đó, chú trọng thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong việc phòng, chống tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo, tín dụng đen...
TP HCM cũng kiến nghị quản lý chặt chẽ sim điện thoại, sim chính chủ để phòng ngừa vi phạm; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang, nhận diện các loại tội phạm để chủ động trấn áp. Ngoài ra, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để góp phần quản lý Nhà nước; Kiến nghị các ngân hàng cho người lao động tiếp cận vay vốn với lãi suất thấp.
Sau tham luận của TP HCM, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, đánh giá trong năm qua, công tác phòng chống, đấu tranh tội phạm đường phố, tội phạm bảo kê tại TP HCM có chuyển biến tích cực. Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị TP HCM tiếp tục phát huy công tác này trong thời gian tới.
Trong năm 2023, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 146.678 vụ vi phạm (tăng 4,95% so với cùng kỳ). Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 11.499 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 5.464 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; khởi tố hình sự 616 vụ, 724 đối tượng.
Người lao động