MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công nghệ đang thay đổi thị trường ngân hàng số như thế nào?

23-12-2022 - 15:50 PM | Tài chính - ngân hàng

Công nghệ đang thay đổi thị trường ngân hàng số như thế nào?

Dù đã có những kết quả tích cực, ngành ngân hàng vẫn luôn phải vận động không ngừng để phát triển ngân hàng số lên tầm cao mới, khi đứng trước sự thay đổi liên tục về công nghệ, về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Gần đây, công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, thực tế tăng cường AR được xem là “vũ khĩ” mới cho các ngân hàng và VIB đang là ngân hàng tiên phong triển khai tại thị trường Việt Nam.

Theo Chương trình "Chuyển đổi số quốc gia định hướng đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tài chính - ngân hàng được xác định là một trong 08 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số. Tháng 6/2022, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, đưa ra các giải pháp khá cụ thể trong việc số hóa của ngành.

Kế hoạch này đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025 như: 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động; …

Trên thực tế, cuộc đua chuyển đối số ở các ngân hàng đã diễn ra trong nhiều năm gần đây. Trong đó, sự ra đời của các ngân hàng số với những công nghệ hiện đại đã thay đổi hoàn toàn bức tranh dịch vụ tài chính – ngân hàng, giúp người dùng có thể thực hiện hầu hết các nhu cầu trên kênh số. Đến hiện tại, nhiều ngân hàng như VIB, TPBank … đã ghi nhận trên 90% được giao dịch trên kênh số, tức nhanh hơn kế hoạch toàn ngành đến năm 2025.

Cách đây 5-7 năm, sự bùng nổ của công nghệ thanh toán, trên nền tảng ngân hàng điện tử Internet Banking, Mobile Banking đã giúp giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí theo cấp số nhân qua từng năm.

Tiếp theo đó, các nhà băng tiến đến bước phát triển cao hơn khi xây dựng ngân hàng số, là hình thức số hóa mọi hoạt động và dịch vụ của ngân hàng truyền thống thông qua Internet. Có thể hình dung, ngân hàng số có phạm vi rộng và toàn diện hơn ngân hàng điện tử. Từ đây, hàng loạt công nghệ hiện đại đã được các ngân hàng áp dụng, giúp trải nghiệm của người dùng ngày một nhanh chóng, tiện lợi và bảo mật hơn. Đó là eKYC giúp việc đăng ký tài khoản ngân hàng được thực hiện hoàn toàn trực tuyến, hay công nghệ thẻ chip có mức độ bảo mật thông tin cao, công nghệ điện toán đám mây, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, sinh trắc học, Big data…

Theo ước tính, ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho chuyển đổi số. Thành công của các ngân hàng Việt ở lĩnh vực này cũng được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế đánh giá cao. Hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey cho biết, ngành ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với tỷ lệ tăng trưởng lên đến 41% chỉ trong giai đoạn từ 2015 - 2021.

Dù đã có những kết quả tích cực, ngành ngân hàng vẫn phải luôn vận động không ngừng để phát triển ngân hàng số lên tầm cao mới, khi đứng trước sự thay đổi liên tục về công nghệ, về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Bởi vậy, những ngân hàng tiên phong khi ứng dụng công nghệ mới sẽ có nhiều lợi thế trên cuộc đua trường kỳ này.

Công nghệ đang thay đổi thị trường ngân hàng số như thế nào? - Ảnh 1.

Gần đây, công nghệ AI được xem là “vũ khí” mới cho các ngân hàng trong hành trình chuyển đối số. Đáng chú ý, tại Việt Nam, công nghệ AI Voice đã bắt đầu được ứng dụng, hỗ trợ khách hàng thực hiện giao dịch trên ngân hàng số bằng giọng nói một cách dễ dàng. Trong đó, VIB là ngân hàng tiên phong ở công nghệ này khi giới thiệu phiên bản Ngân hàng số MyVIB 2.0 với tính năng giao dịch bằng giọng nói hồi giữa năm nay. Theo đó, người dùng có thể chuyển tiền, nạp tiền hay báo khóa thẻ, mở thẻ bằng câu lệnh thay vì nhập thông tin bằng phím bấm.

VIB cũng ghi dấu ấn trong việc tiên phong ở nhiều công nghệ khác trên ngân hàng số, chẳng hạn như là đi đầu trong việc tích hợp công nghệ thực tế tăng cường (AR). Khi thực hiện các giao dịch tài chính thông thường như quản lý và thanh toán thẻ/ tài khoản, tìm kiếm ưu đãi xung quanh vị trí hiện tại, định vị và hướng dẫn vị trí chi nhánh/ATM, người dùng sẽ có góc nhìn phong phú hơn bởi quang cảnh thực được phủ lên một số vật thể ảo do smartphone tạo ra, biến các giao dịch tài chính khô cứng trở nên thú vị và độc đáo hơn.

Khi lượng giao dịch ngày một lớn và yêu cầu về bảo mật cao hơn, các ngân hàng cũng cần một nền tảng tốt hơn để đảm bảo trải nghiệm khách hàng mượt mà, hệ thống ổn định, an toàn và hiệu năng cao. Theo đó, nhiều ngân hàng đã triển khai nền tảng điện toán đám mây để tăng tốc quá trình chuyển đổi số những năm gần đây. Trong đó, VIB và Techcombank là những ngân hàng tiên phong đầu tư cho công nghệ này. Cả 2 đều lựa chọn các “ông lớn” công nghệ như Microsoft và Amazone Web Service trong năm 2021 làm đối tác cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. Trong năm 2022, nhiều ngân hàng khác cũng đã gia nhập cuộc đua này mạnh mẽ hơn.

Kim Ngân

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên