Công nghiệp hỗ trợ - phần quan trọng trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị
Để công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu cần hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tạo động lực phát triển công nghiệp bền vững - Ảnh minh họa
Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển dịch cơ cấu, tăng tỉ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; nâng cao giá trị gia tăng trong nước và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp.
- 13-06-2022Quảng Nam sẽ điều chỉnh diện tích khu công nghiệp Tam Anh - Hàn Quốc nếu chậm tiến độ
- 13-06-2022Top 10 tỉnh, thành có thu nhập bình quân cao nhất và thấp nhất cả nước
- 13-06-2022Tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc từ ngày 1/7/2022
Yếu điểm lớn nhất là phụ thuộc chuỗi cung ứng từ nước ngoài
Tác động của dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua tới các ngành sản xuất trong nước đã cho thấy rõ điểm yếu lớn nhất là phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng từ nước ngoài.
Theo phân tích của ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nguyên nhân của sự phụ thuộc này chủ yếu do công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển để có thể đáp ứng được nhu cầu của các ngành hạ nguồn về nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện.
Việc phụ thuộc lớn vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng tạo ra trong nước của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực. Theo đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đóng góp khoảng 16% GDP so với mức 26% của Thái Lan, 36% của Trung Quốc.
Công nghiệp hỗ trợ - mắt xích quan trọng
Từ đó, ông Hoàn khẳng định, công nghiệp hỗ trợ chính là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị.
"Nước nào có công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển mới có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển dịch nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, gia tăng tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP", ông Hoàn cho biết.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã nhấn mạnh rằng, Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2025, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 25% và đặt ra nhiệm vụ "Cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu".
"Có thể thấy rằng, mục tiêu đặt ra cho năm 2025 khá thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan, cũng như những đột phá về hệ thống chính sách hỗ trợ để có thể thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo một cách mạnh mẽ", Thứ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận.
Trước những thách thức đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển dịch cơ cấu, tăng tỉ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; nâng cao giá trị gia tăng trong nước và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp.
Theo lãnh đạo Cục Công nghiệp, để công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu cần hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tạo động lực phát triển công nghiệp bền vững, giải quyết những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển công nghiệp.
Bên cạnh đó, sử dụng hợp lý nguồn lực để phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, trên nguyên tắc dựa trên lợi thế của đất nước, hình thành chuỗi cung ứng trong nước; nâng cao năng lực và tính chủ động của các địa phương, tăng cường liên kết giữa các địa phương, các vùng; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
VGP