MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công trình 'để đời cho con cháu', có nên giao Chủ tịch tỉnh, thành phố quyết chỉ định thầu?

Công trình 'để đời cho con cháu', có nên giao Chủ tịch tỉnh, thành phố quyết chỉ định thầu?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xem xét, quyết định chỉ định thầu, song đại biểu khác lại cho rằng, dễ dẫn tới tình trạng “xôi đỗ” và không đồng nhất.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng nay (10/6), Quốc hội thảo luận về Chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TP HCM. Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đồng tình với việc triển khai thực hiện các dự án, tạo không gian phát triển mới, kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị các tỉnh, thành phố trong vùng.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TPHCM khẳng định, đường vành đai 3 sẽ tạo ra một hiệu ứng đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn nhiều năm qua cho hồi phục kinh tế và phát triển kinh tế của khu vực miền Đông Nam Bộ, trong đó có TPHCM.

Đáng lưu ý, đại biểu Nghĩa đề xuất cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành liên quan xem xét, quyết định chỉ định thầu. "Trong thời gian thực hiện dự án, nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu hay nếu phát sinh những vấn đề liên quan cần xin ý kiến thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng", đại biểu đoàn TP HCM nêu.

Tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng, dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TP HCM là 2 công trình "để đời cho con cháu", nên cần giao Thủ tướng Chính phủ "cầm trịch", bởi theo ông, nếu giao cho các địa phương sẽ dễ dẫn tới tình trạng "xôi đỗ" và không đồng nhất; đồng thời cũng nên dành nguồn vốn thích đáng cho hai dự án này, trong đó phải tìm đơn vị thiết kế có uy tín trên thế giới để thiết kế và tư vấn.

Đại biểu cũng cho rằng không cần quá vội vàng triển khai và hoàn thành dự án, có thể kéo dài nếu cần.

Tiếp tục tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, việc cho phép Thủ tướng quyết định chỉ định thầu, về mặt pháp lý, quyền này vẫn thuộc về Thủ tướng, Thủ tướng có thể ủy quyền theo nhu cầu cụ thể. "Nếu có vấn đề phát sinh thì Chủ tịch các tỉnh, thành cũng phải có chế độ báo cáo về việc thực hiện như thế nào", ông Nghĩa nhắc lại.

Công trình để đời cho con cháu, có nên giao Chủ tịch tỉnh, thành phố quyết chỉ định thầu? - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình). (Ảnh: Như Ý)

Có cần sự tham gia của công an, thanh tra, kiểm toán?

Đại biểu Lê Hoài Trung (Thừa Thiên- Huế) lưu ý, qua kinh nghiệm quốc tế, khi xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng đều nảy sinh các vấn đề. Do đó, ông kiến nghị nên có cơ chế về chuyên môn, ví dụ, có thể thành lập các nhóm đặc trách để giải quyết, hỗ trợ thêm về các vấn đề pháp lý, hành chính và kỹ thuật, các địa phương và các nơi khi có vấn đề giống như những "nhóm lưu động".

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cần có một khoá đào tạo về những vấn đề pháp lý, quy trình, kỹ thuật cho các đơn vị và các địa phương, kể cả các cơ quan, nhà đầu tư… từ đó giúp giảm bớt những sai sót không cần thiết và giúp thúc đẩy dự án. Mặt khác, đại biểu cho rằng nên có cơ chế giám sát, kiểm tra để giúp giảm bớt các sai sót. Qua đó, cần có sự tham gia của các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, thanh tra, kiểm toán, vào quá trình xây dựng và triển khai.

Tranh luận với đại biểu Lê Hoài Trung, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, Nhà nước được tổ chức trên nguyên tắc có phân công kiểm soát quyền lực trên cơ sở phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại cơ quan.

"Việc tổ chức xây dựng các dự án đó là cơ quan hành chính nhà nước trong đó có phân ra các cơ quan kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đó là thanh tra, điều tra. Nếu như mỗi lần làm dự án lại đưa cả các cơ quan công an, thanh tra, kiểm toán vào sẽ trái với nguyên lý tổ chức vận hành của bộ máy Nhà nước và chúng ta sẽ không khắc phục được tình trạng vi phạm pháp luật", ông Vân cho hay.

"Không có lý do gì để trì hoãn thêm nữa"

Khẳng định ý nghĩa của các tuyến đường này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng "không có lý do gì trì hoãn thêm nữa". Về nguồn lực, theo ông Cường, hai tuyến vành đai này sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối…

"Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng", đại biểu nêu, đồng thời thông tin, khi chỉ nghe Quốc hội xem xét, thảo luận tuyến đường này, giá đất khu vực này đã sôi động, giá tăng lên rất nhiều lần. Đại biểu cho rằng nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này sẽ bị lãng phí, vì thế nên có cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này.

"Để hai dự án trên có thể triển khai nhanh và sớm phát huy hiệu quả, cần rút kinh nghiệm từ các công trình đường bộ trước đây về công tác quy hoạch, bên cạnh việc quy hoạch, hướng tuyến hành lang công trình thì cần đặc biệt coi trọng và đồng bộ hóa công tác quy hoạch đối với các khu đô thị dân cư, khu tái định cư, quy hoạch cảnh quan, môi trường, công trình thoát nước, tránh tình trạng ô nhiễm, mất cảnh quan và ngập lụt thường xuyên xảy ra như hiện nay", đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) nêu quan điểm.

Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên