Cổng TTĐT Chính phủ: Trọng tâm là truyền thông chính sách
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, những việc mà Cổng TTĐT Chính phủ đang làm là rất quan trọng, có ý nghĩa, vượt ra ngoài khuôn khổ vai trò, hoạt động của một cơ quan báo chí. Thời gian vừa qua, Cổng đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, đặc biệt là hoạt động truyền thông chính sách.
- 20-06-2023Triển khai các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
- 12-06-2023Tỉnh có chính sách đào tạo lao động tốt nhất Việt Nam
- 11-06-2023Ba thách thức trong cung ứng điện - Bài cuối: Chính sách giá điện tính đúng, tính đủ
Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), TS. Nguyễn Sĩ Dũng đã dành cho Báo Điện tử Chính phủ, Cổng TTĐT Chính phủ cuộc trò chuyện thú vị về nghề báo và những đóng góp trong công tác truyền thông của Cổng TTĐT Chính phủ.
Truyền thông chính sách phải là hoạt động trọng tâm
Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của Báo Điện tử Chính phủ, Cổng TTĐT Chính phủ trong công tác thông tin tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách phục vụ phát triển kinh tế-xã hội?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Với vị trí và chức năng, nhiệm vụ rất đặc thù, riêng có, Cổng TTĐT Chính phủ, Báo Điện tử Chính phủ đã khẳng định vai trò không chỉ như một cơ quan báo chí, truyền thông, thể hiện ở ít nhất hai điểm.
Thứ nhất, Cổng TTĐT Chính phủ triển khai thực hiện chiến lược, các chương trình truyền thông chính sách của Chính phủ. Thứ hai, Cổng TTĐT Chính phủ cung cấp thông tin chính thức về các hoạt động, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho công chúng.
Bên cạnh đó, Cổng TTĐT Chính phủ đang đảm nhận rất tốt mọi việc thuộc chức năng của báo chí, như đưa tin về các cuộc họp của Đảng, của Quốc hội… Ở nhiều nước trên thế giới, đây là phần việc không thật đặc trưng cho một cổng thông tin điện tử của Chính phủ, nhưng tôi nghĩ rằng lại phù hợp và cần thiết với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.
Truyền thông chính sách khác với hoạt động báo chí như thế nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Truyền thông chính sách và hoạt động báo chí có nhiều điểm tương đồng, nhưng là hai công việc khác nhau.
Truyền thông chính sách là một phần cấu thành của quy trình xây dựng, ban hành, thực thi chính sách. Truyền thông trước khi chính sách được ban hành là để bảo đảm sự minh bạch, để thu hút sự tham gia của các chủ thể và để hoàn thiện chính sách.
Truyền thông sau khi chính sách đã được ban hành là để chính sách được hiểu đúng và thực thi đúng, đồng thời, một mặt, vừa bảo đảm sự ủng hộ của công chúng và các đối tượng có liên quan với các chính sách đúng đắn, phù hợp và mặt khác, tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách.
Đây là những công việc rất quan trọng thuộc về quản trị bộ máy hành chính nhà nước.
Hoạt động báo chí là hoạt động thu thập và phổ biến tin tức. Đây là hoạt động mang tính chuyên môn, nghề nghiệp. Mặc dù, để phổ biến các thông điệp chính sách của mình, Chính phủ có thể tận dụng báo chí để làm kênh chuyển tải, nhưng Chính phủ còn có thể sử dụng rất nhiều công cụ khác để thực hiện việc này, như tổ chức hội nghị, hội thảo, tuyên truyền bằng pano, áp phích...
Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách.
Chúng ta sẽ thấy, truyền thông chính sách thuộc lĩnh vực điều chỉnh của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cung cấp thông tin chính thống cho công chúng thuộc lĩnh vực điều chỉnh của Luật Tiếp cận thông tin. Trong khi đó, hoạt động báo chí thuộc lĩnh vực điều chỉnh của Luật Báo chí.
Ta thấy hoạt động của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có sự giao thoa, tổng hợp của tất cả các hoạt động nói trên.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về các mục tiêu cụ thể của truyền thông chính sách không?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Mục tiêu của truyền thông chính sách có nhiều, trong đó có một số mục tiêu cụ thể.
Thứ nhất, bảo đảm sự minh bạch. Bằng cách chia sẻ thông tin với công chúng, Chính phủ xây dựng được lòng tin và xác lập được chế độ trách nhiệm. Qua đó giúp công chúng thấu hiểu tính hợp lý của các phản ứng chính sách đồng thời góp phần ngăn ngừa và loại bỏ tin giả, tin xuyên tạc, bịa đặt.
Thứ hai, truyền thông chính sách hiệu quả sẽ cung cấp cho công chúng thông tin về mục đích, lợi ích và những tác động của chính sách. Khi đó công chúng có thể tham gia bàn luận, phản hồi và đưa ra các lựa chọn chính sách phù hợp.
Thứ ba, truyền thông chính sách giúp Chính phủ tương tác với các bên có liên quan, bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các chuyên gia và công dân. Bằng cách này, Chính phủ có thể tiếp nhận được nhiều góc nhìn đa dạng, kiến thức và sự hiểu biết của những người trong cuộc. Sự tham gia này cũng sẽ thúc đẩy tinh thần hợp tác và giúp cân đối tốt hơn nhu cầu và mong muốn của các bên.
Thứ tư, truyền thông chính sách giúp Chính phủ bảo đảm chế độ trách nhiệm trước dân, phát huy dân chủ và củng cố lòng tin của công chúng dành cho bộ máy chính quyền.
Thứ năm, bằng cách lôi cuốn các bên tham gia đối thoại và cung cấp sự lý giải rõ ràng, truyền thông chính sách có thể giúp xử lý bất đồng, điều chỉnh cách hiểu sai lệch và thu hẹp sự khác biệt giữa các bên có liên quan.
Thứ sáu, truyền thông chính sách hiệu quả có thể tăng cường sự ủng hộ, bảo đảm sự tuân thủ của công chúng, đồng thời xử lý dễ dàng những hành vi vi phạm, nếu có. Truyền thông chính sách rõ ràng và nhất quán cũng giúp cho các đối tượng hưởng lợi nhận biết và tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn lực và dịch vụ được thiết kế cho họ.
Với những mục tiêu như trên, theo tôi, truyền thông chính sách phải là hoạt động trọng tâm của Cổng TTĐT Chính phủ.
Các thông điệp chính sách của Chính phủ đã được làm sáng tỏ
Ông đánh giá hoạt động truyền thông chính sách thời gian qua đã được Cổng TTĐT Chính phủ triển khai ra sao?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi thấy đây là mảng việc đã được Cổng TTĐT Chính phủ triển khai rất tích cực và đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Tôi chỉ nhấn mạnh một số điểm nổi bật.
Cổng TTĐT Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm chính sách về những vấn đề mà thực tiễn đời sống đặt ra, những trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như chính sách liên quan đến thị trường bất động sản, hay trái phiếu doanh nghiệp… Tại các cuộc tọa đàm này, ngoài các nhà quản lý, nhiều chuyên gia và đại diện các bên có liên quan được mời tham gia trao đổi và đóng góp ý kiến. Nhờ thế, các thông điệp chính sách của Chính phủ được làm sáng tỏ, đồng thời nhiều ý kiến đóng góp thiết thực đã được đưa ra.
Cổng TTĐT Chính phủ đã thành lập chuyên trang "Xây dựng chính sách, pháp luật". Kể từ 20/6/2022 đến nay, vừa tròn một năm, theo tôi được biết, chuyên trang đã thu hút được gần 30 triệu lượt truy nhập. Nhóm Xây dựng chính sách, pháp luật của chuyên trang trên Facebook cũng đã có hơn 100.000 thành viên; nội dung thông tin đăng trên "Nhóm Xây dựng chính sách" (dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách mới, thăm dò ý kiến nhân dân…) bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của công chúng trên mạng xã hội.
Đáng chú ý, thông tin thăm dò ý kiến nhân dân trên Facebook luôn đạt số lượng bình chọn lớn (trung bình 50.000 lượt bình chọn). Cá biệt, có những nội dung thăm dò ý kiến nhân dân đạt tới gần 600.000 lượt bình chọn, bày tỏ ý kiến ; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt hơn 120.000 lượt bình chọn… Có sự khác biệt lớn khi trước kia, góp ý xây dựng chính sách thường chỉ có 1 đến 10 ý kiến thì nay có những dự thảo đạt hơn 50.000 ý kiến góp ý.
Tôi được biết là nhiều người dân sử dụng mạng xã hội đã giới thiệu nhau về fanpage Thông tin Chính phủ trên Facebook, như một kệnh thông tin đáng tin cậy giữa rất nhiều luồng thông tin khác nhau.
Theo ông, trong thời gian tới, Cổng TTĐT Chính phủ nên định hướng và chú trọng công việc của mình như thế nào?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi được biết, thời gian qua, chỉ riêng Báo Điện tử Chính phủ đã xuất bản được trên 312.000 sản phẩm thông tin; fanpage Thông tin Chính phủ trên Facebook có gần 4 triệu thành viên; trên Zalo có cần 10 triệu thành viên… Hằng năm, Cổng TTĐT Chính phủ xuất bản khoảng hơn 30.000 tin, bài, album ảnh, video clip, hơn 400 báo cáo thông tin báo chí dư luận, cập nhật hơn 2.000 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xuất bản khoảng 1.200 số Công báo…
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Đây là lần đầu tiên, Thủ tướng ban hành Chỉ thị về công tác này. Như quan sát của tôi, hầu hết các nhiệm vụ, giải pháp này đều có ít nhiều liên quan tới hoạt động của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Đơn cử, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ chủ động cung cấp thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí để thực hiện tốt, hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện cơ chế, chính sách. Hoặc Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh truyền thông chính sách trên nền tảng số.
Theo tôi, trong thời gian tới, Cổng TTĐT Chính phủ nên đẩy mạnh và chuyên nghiệp hóa hơn nữa mảng truyền thông chính sách. Cần coi đây là hoạt động trọng tâm của Cổng. Nên chăng, cần xây dựng một đề án để nâng cao năng lực truyền thông chính sách của Cổng TTĐT Chính phủ trình Chính phủ. Khi đề án được Chính phủ phê duyệt, Cổng TTĐT Chính phủ sẽ có điều kiện để tuyển thêm các chuyên gia giỏi về truyền thông chính sách về làm việc. Đây phải là đội ngũ nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ, tinh thông về nghiệp vụ, không chỉ trong lĩnh vực truyền thông.
Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, xin chúc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và những người làm báo tại Cổng TTĐT Chính phủ sức khỏe, năng lượng tích cực và sức sáng tạo để hoàn thành tốt nhất công việc của mình.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phương Liên (thực hiện)
Chinhphu.vn