Công ty có nam ca sĩ vừa bị phạt giao dịch ‘chui’ cổ phiếu tham gia hội đồng quản trị kinh doanh ra sao?
Nam ca sĩ Khánh Phương là cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Phạm Khánh Phương (hay ca sĩ Khánh Phương).
Theo đó, ông Phương bị phạt 150 triệu đồng do không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật. Trong khoảng thời gian từ 23/6/2022 đến ngày 28/10/2022, ông Phương đã mua hơn 3 triệu cổ phiếu của CTCP Sông Đà 1.01 (UPCoM: SJC), tăng tỷ lệ nắm giữ từ 0% lên 45,5%. Đến ngày 23/12/2022, ông Phương đã thực hiện giao dịch mua 100 nghìn cổ phiếu SJC và bán 21,8 nghìn cổ phiếu SJC làm tăng tỷ lệ nắm giữ lên gần 1,8 triệu cổ phiếu SJC (tương ứng tỷ lệ 25,81%) nhưng không thực hiện đăng ký chào mua công khai.
Ông Phạm Khánh Phương bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm và buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.
Ông Phương chịu thêm mức phạt 60 triệu đồng do không báo cáo khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng. Ngày 14/10/2022, ông Phương đã mua gần 97 nghìn cổ phiếu SJC dẫn đến khối lượng sở hữu tăng từ 289.200 cổ phiếu SJC (4,17%) lên 385.800 cổ phiếu SJC (5,56%), trở thành cổ đông lớn của SJC nhưng không báo cáo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Ông Phạm Khánh Phương là thành viên HĐQT SJC
Tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra cuối năm ngoái, ban lãnh đạo SJC đã trình và được thông qua việc miễn nhiệm toàn bộ ba thành viên HĐQT cũ. Số lượng thành viên HĐQT của SJC nhiệm kỳ 2022 - 2027 được điều chỉnh tăng từ 3 lên 5 thành viên, gồm bà Vũ Thị Thúy (sinh năm 1983), ông Phạm Khánh Phương (1981), ông Trịnh Văn Tôn (1984), ông Nguyễn Văn Đức (1982) và ông Tạ Văn Trung (1956).
HĐQT đã bầu bà Thúy làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật SJC, đồng thời là người thực hiện công bố thông tin.
Năm 2022, doanh nghiệp này báo lỗ hơn 5 tỷ đồng, gấp hơn 20 lần cùng kỳ, do chi phí tài chính tăng đột biến. SJC cho biết khoản chi phí này do ghi nhận tiền lãi chậm trả tính trên nợ gốc của quỹ Kinh phí bảo trì dự án nhà chung cư cao tầng Hemiso (Phúc La, Hà Đông).
CTCP Sông Đà 1.01 được thành lập trên cơ sở Xí nghiệp Sông Đà 1.01 (tiền thân là Đội xây dựng số 1) thuộc Công ty cổ phần Xây dựng Sông Đà 1. Giai đoạn 2007 – 2012 được coi là những năm vàng son của doanh nghiệp nhờ việc trúng hàng loạt gói thầu thi công lớn của Tập đoàn Sông Đà và nhiều dự án khác.
Ban lãnh đạo mới liệt kê sai phạm của ban lãnh đạo cũ
Từ năm 2013, Sông Đà 1.01 chuyển hẳn sang đầu tư vào mảng bất động sản sau khi thử sức với hai dự án nhỏ là chung cư Hemisco và CT1 Văn Khê. Sau đó, doanh nghiệp “lấn sân” sang phân khúc cao cấp bằng Tòa cao ốc Tokyo Tower (trước đây là chung cư Vinafor hay Hanoi Landmark 51), tọa lạc tại số 55 Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), được đánh giá là tòa nhà cao thứ 3 Thủ đô chỉ sau Keangnam Landmark 71 và Lotte Tower tại thời điểm đó.
Ngoài ra, Sông Đà 1.01 còn là chủ đầu tư dự án “Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở Viễn Đông Star (Tên trước là Eco Green Tower) tại số 1 Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Hôm 7/6, Sông Đà 1.01 có tờ trình xem xét trách nhiệm của HĐQT và ban giám đốc trước thời điểm 31/12/2022. Tờ trình này nêu ra hàng loạt các “sai phạm” của đội ngũ lãnh đạo trước đó.
Đáng chú ý có khoản: “ban lãnh đạo cũ đã không quan tâm đến tình hình công nợ của công ty, gây ra công nợ quá hạn đối với các ngân hàng, cơ quan thuế, nhà thuế, đối tác tại các dự án của công ty theo báo cáo tài chính năm 2022”. Ngoài ra, tờ trình còn đề nghị ĐHĐCĐ “xem xét trách nhiệm của ban lãnh đạo cũ trong việc bán một căn hộ chung cư cho nhiều khách hàng tại dự án Eco Green Tower - số 1 Giáp Nhị”.
Tờ trình cũng cho rằng trong quá trình tiếp nhận hồ sơ từ lãnh đạo cũ, nhóm lãnh đạo mới của SJC phát hiện còn thiếu hồ sơ, giấy tờ liên quan đến pháp lý dự án, công nợ, tài chính và nhân sự. Điều này được cho là “gây khó khăn cho công tác tiếp quản” và điều hành.
Phương án xử lý và khắc phục hậu quả được đề xuất là “xử lý ban lãnh đạo nhiệm kỳ trước theo đúng quy chế hoạt động của công ty”. Và đề nghị cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh.
Nhịp Sống Thị Trường