MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty phá sản, tôi mất tất cả, nợ nần chồng chất, cuộc sống bế tắc hoàn toàn, tôi đã tìm lại sự nghiệp thế nào?

17-05-2023 - 12:06 PM | Sống

Tôi có nhiều người bạn thành công và tài giỏi, kiếm được nhiều tiền, mua nhà và mua xe. Trong khi đó công ty phá sản tôi mất sự nghiệp và nợ nhiều tiền. Tôi không biết nên làm gì tiếp theo cho cuộc sống của mình. Tối nào tôi cũng mất ngủ vì khoản nợ chưa trả, cuộc sống bế tắc...

Công ty phá sản, tôi mất tất cả, nợ nần chồng chất, cuộc sống bế tắc hoàn toàn, tôi đã tìm lại sự nghiệp thế nào? - Ảnh 1.

1. Mất tinh thần. Mất tự tin. Mất định hướng

Sau khi công ty chính thức phá sản, tôi chọn quay lại Hà Nội để làm việc. Dù tôi từng là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội nhưng công tác miền Nam lâu năm khi quay lại thủ đô bản thân lại rất lạ lẫm với vùng đất này.

Thời gian đầu, tôi cố gắng duy trì lối sống tích cực mặc dù tinh thần tôi không tốt lắm. Tôi lên kế hoạch hẹn gặp lại các bạn đại học cũ để hỏi thăm họ cũng như tìm kiếm một người trò chuyện về cuộc sống. Khi gặp bạn, tôi lại không dám kể cho bạn về sự thất bại của mình, tôi nói họ công việc vẫn tốt và sắp tới mở chi nhánh Hà Nội. Những người bạn gặp tôi đều thành công, người làm trưởng phòng, người làm giám đốc, họ đều có nhà, có xe, cuộc sống ổn định khiến cho cá nhân tôi cảm thấy mất tự tin.

Một năm trước tôi còn là một giám đốc của công ty hàng chục nhân sự nhưng giờ lại không có gì. Tôi không cam chịu với điều đó. Tôi muốn bắt đầu kinh doanh lại thật nhanh để trở lại ánh hào quang của mình. Tôi lập ngay một kế hoạch kinh doanh sản phẩm đèn trang trí, khi trình bày với một người bạn có kinh nghiệm trong triển khai thì bị dội ngay gáo nước lạnh vì kế hoạch còn nhiều sơ hở và chưa khả thi.

Tôi không biết nên làm gì tiếp theo cho cuộc sống của mình. Tối nào tôi cũng mất ngủ vì khoản nợ chưa trả, cuộc sống bế tắc và cầu mong ông Trời cho tôi một phép màu, một con đường chỉ lối để tôi sớm thoát qua khoảng thời gian tối tăm này.

2. Chấp nhận sự thật

Sau một thời gian chán nản, tôi thấy cần làm một điều gì đó để cải thiện cuộc sống tốt hơn. Tôi lên YouTube tìm kiếm các video truyền động lực, chia sẻ của các vị doanh nhân thành công và phát hiện rằng trong cuộc đời họ cũng có những quãng thời gian khó khăn như tôi đang trải qua. Tôi tìm được sự đồng cảm từ những chia sẻ đó và phương pháp để đưa cuộc sống mình trở nên tốt hơn vì không ai giúp được mình ngoài trừ chính mình.

Tôi chấp nhận sự thật: mình đã thất bại và cần bắt đầu một cuộc sống mới. Một hành trình mới đang chờ đợi phía trước.

Những việc đầu tiên để thay đổi cuộc sống lại rất bình thường, tôi bắt đầu trang trí lại căn hộ cho đẹp hơn. Tôi tin rằng một không gian sống tiện nghi, sạch sẽ giúp cho tinh thần được sảng khoái. Tôi luyện tập sức khỏe để cải thiện thể lực, khi tập thể dục thì cơ thể sản sinh dopamine giúp tinh thần được vui vẻ hơn. Tôi điều chỉnh bữa ăn theo chế độ eat clean, không ăn quán vỉa hè hay đồ ăn nhanh nữa mà nấu những món ăn nhiều chất xơ. Tôi tìm đọc ba cuốn sách về cuộc đời doanh nhân gồm Tay không gây dựng cơ đồ (tác giả Vikrom Kromadit), Tỷ phú bán giày (tác giả Tony Hsieh) và Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách (tác giả Chung Ju Yung).

Một tháng sau, con người tôi tự nhiên thấy mới lạ thường. Mặc dù tôi vẫn chưa tìm việc nhưng tinh thần, tự tin và trí tuệ tôi còn mạnh mẽ hơn, vui vẻ hơn so với thời gian trước.

Đến lúc này, tôi bắt đầu đối diện với chính mình trước đây. Tôi xem lại các giấy tờ, số liệu để tìm kiếm nguyên nhân phá sản công ty, tôi dành hai tuần liên tục để làm việc này. Quá trình này diễn ra trong một tinh thần cầu thị và học tập, tôi tìm kiếm và học được nhiều từ thất bại của mình. Tôi cảm thấy đó là sự may mắn.

Công ty phá sản, tôi mất tất cả, nợ nần chồng chất, cuộc sống bế tắc hoàn toàn, tôi đã tìm lại sự nghiệp thế nào? - Ảnh 2.

3. Tìm kiếm công việc mới

Qua một thời gian khởi động, tôi bắt đầu quá trình tìm kiếm công việc mới của mình. Tôi dành thời gian đánh giá lại năng lực bản thân, kiến thức và hiểu biết của mình để tìm kiếm công việc phù hợp nhất.

Tôi đặt thử thách cho mình là coi hành trình tìm công việc như quá trình bán hàng và sản phẩm chính là thái độ, sức lao động, kiến thức và kinh nghiệm của mình. Tôi đặt mục tiêu tối đa 07 ngày có công việc yêu thích.

Ngày 01: Tôi đánh giá lại năng lực bản thân, kiến thức và hiểu biết của mình. Tìm ra điểm mạnh, điểm yếu và tự trả lời cho các câu hỏi: Tôi muốn làm việc gì? Tôi muốn không gian làm việc như thế nào? Tôi muốn thu nhập tôi bao nhiêu? Tôi muốn mọi người có ấn tượng với bản thân thế nào?

Ngày 02: Tôi sử dụng phần mềm Corel để thiết kế cho mình Thư giới thiệu bản thân (cover letter) thật gọn gàng, đầy đủ thông tin cơ bản và trình bày được năng lực của mình. Tôi đã từng ở vị trí giám đốc, hiểu một giám đốc hay phòng tuyển dụng cần thông tin gì để cung cấp đầy đủ.

Ngày 03, 04: Tôi tìm kiếm các công ty trong ngành nội thất, xây dựng trong bán kính tối đa 07 km từ căn hộ mình và thỏa mãn các tiêu chí mà tôi đã đề ra. Tôi lập danh sách 30 công ty với đầy đủ thông tin gồm tên công ty, giám đốc, ngành nghề, vị trí tuyển dụng, email người nhận, người nhận và các yêu cầu tuyển dụng nếu có. Tôi tìm thông tin trên các website tuyển dụng, Fanpages Facebook tuyển dụng mà công ty tôi quan tâm. Tôi tìm hiểu kỹ các công ty ứng tuyển đến khi tôi thực sự hiểu họ đang bán cái gì? hoạt động thế nào? khách hàng của họ là ai?

Tôi làm việc này như một sự đam mê trong việc tìm kiếm khách hàng.

Ngày 05: Tôi dành cả ngày để gửi email cho 30 công ty tôi đã lên danh sách. Tôi cá nhân hóa nội dung email từ các thông tin tìm kiếm được với trình bày súc tích nhất. Tôi muốn thông tin của tôi được tiếp cận đúng người và phù hợp nhất với công ty đang cần tuyển dụng nhân sự.

Ngày 06, 07: Tôi nghỉ ngơi và chờ thông tin email phản hồi. Đúng như dự kiến, với sự chuẩn bị tốt giúp tôi nhanh chóng được công ty gọi đi phỏng vấn và nhận công việc theo yêu cầu của mình.

Tôi cảm ơn phía công ty đã lựa chọn. Tôi vui vì lại bắt đầu cho hành trình mới của mình.

4. Tìm kiếm cơ hội và nguồn lực hỗ trợ

Tôi tiếp tục làm việc trong một thời gian và kiểm chứng nhiều thông tin mà tôi nhận được trước đây. Khi tôi quay về Hà Nội, nhiều người nói công việc kinh doanh ở Hà Nội là khó khăn và không dễ dàng như ở miền Nam. Tôi lại thấy ngược lại, người Hà Nội cũng có phong cách tiêu dùng như miền Nam, họ cũng thoải mái và tiếp cận thông tin đa chiều trước khi quyết định mua hàng chứ không chỉ dựa vào lời giới thiệu.

Trước đây khi kinh doanh sản xuất đồ gỗ nội thất ở miền Nam, tôi tiếp xúc với rất nhiều đối tác cung cấp dịch vụ thiết kế và thi công nội thất. Tôi hiểu thị trường và cách vận hành công ty. Tôi nhận thấy cách làm kinh doanh của các công ty miền Nam và miền Bắc không khác biệt, sản phẩm kinh doanh rất phổ thông, rào cản gia nhập ngành thấp và cạnh tranh chủ yếu về giảm giá bán lẻ. Tôi đề xuất kế hoạch bán hàng mới, với cách tiếp cận chủ động đến khách hàng cho phía công ty đang làm nhưng chưa nhận được ủng hộ.

Sau quá trình làm việc, tích lũy được vốn và hiểu thị trường, tôi lại nung nấu ý định mở công ty kinh doanh dịch vụ thiết kế - thi công nội thất tại Hà Nội. Lần khởi nghiệp này với kiến thức - kinh nghiệm - trải nghiệm tôi tự tin lớn về sự thành công.

Tôi viết kế hoạch kinh doanh và gửi cho các đối tác thân thiết ở miền Nam, các đối tác có năng lực và ngành nghề thỏa mãn điều kiện hợp tác. Tôi đề nghị họ mở chi nhánh ở Hà Nội và cùng chia sẻ lợi nhuận. May mắn một đối tác đã thấy tiềm năng thị trường chấp nhận lời đề nghị và chúng tôi nhanh chóng triển khai được kế hoạch phát triển thị trường.

5. Xây dựng sự nghiệp mới

Nhận được sự ủng hộ phía đối tác miền Nam, tôi nhanh chóng thực hiện theo kế hoạch. Tôi tìm kiếm địa điểm và triển khai văn phòng nhanh chóng để đi vào hoạt động. Thời gian đầu bộ phận Marketing miền Nam vẫn chưa triển khai tốt ở miền Bắc nên tôi vẫn dựa vào kỹ năng bán hàng trực tiếp của mình để tìm kiếm khách hàng. Tôi vẫn chưa tuyển dụng nhân sự ngay vì muốn tự mình kiểm tra thêm tính khả thi kế hoạch và quy trình bán hàng đã viết.

Sau 2 tháng tôi đã có khách hàng đầu tiên để minh chứng cho tính khả thi của kế hoạch, từ khách hàng đầu tiên tôi hiểu rằng đây là khởi đầu mới cho sự nghiệp của mình. Tôi dấn thân và làm tốt nhất dự án thiết kế - thi công nội thất cho khách hàng. Rồi khách hàng thứ 2 xuất hiện, thứ 3 xuất hiện,…

Và hành trình mới của tôi bắt đầu!

- Uy tín là tài sản lớn nhất của mỗi người làm kinh doanh nên ở hoàn cảnh khó khăn không được để mất uy tín. Vì chỉ cần có uy tín là chúng ta xây dựng lại được sự nghiệp mình.

- Đầu tư vào bản thân là đầu tư có lợi nhất và lâu dài nhất. Nghịch cảnh tạo ra khó khăn và nỗi sợ, nhưng sự hiểu biết và nội lực bản thân giúp chúng ta vượt qua điều đó.

- Xin lấy tiêu đề sách tác giả Chung Ju Yung để tóm gọn: Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách.

Theo Nguyễn Bá Mạnh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên