MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty 'thu mua nợ xấu' lớn nhất Trung Quốc báo lỗ 16 tỷ USD, khi đòn bẩy cán mốc 1.333 lần trong năm 2020

30-08-2021 - 13:29 PM | Tài chính quốc tế

Công ty 'thu mua nợ xấu' lớn nhất Trung Quốc báo lỗ 16 tỷ USD, khi đòn bẩy cán mốc 1.333 lần trong năm 2020

Sau nhiều lần trì hoãn, China Huarong Asset Management Co. đã chính thức công bố báo cáo tài chính năm 2020 với khoản lỗ chưa từng có, đòn bẩy tăng lên mức 1.333 lần và vốn dự phòng thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu được quy định.

Theo hồ sơ công bố hôm 29/8, Huarong đã báo lỗ 102,9 tỷ CNY (15,9 tỷ USD) trong năm 2020 . Ngoài ra, khoản lỗ do suy giảm giá trị là 107,8 tỷ CNY và 12,5 tỷ CNY đối với các khoản đầu tư tài chính. Dù nửa đầu năm nay Huarong đã báo lãi 158 triệu CNY, nhưng mức vốn tự có vẫn thấp hơn nhiều so với quy định tính đến tháng 6.

Sau 5 tháng chật vật kể từ khi hoãn thời gian công bố báo cáo tài chính vào tháng 3, công ty quản lý nợ xấu đã nhận một gói hỗ trợ từ một số công ty tài chính lớn nhất nước này. Tình trạng của Huarong đã trở thành "bài kiểm tra" lớn nhất trong nhiều thập kỷ về việc liệu Bắc Kinh có còn bảo vệ các công ty nhà nước trước những rủi ro lớn hay không. Chính phủ nước này đang thúc đẩy kế hoạch kiểm soát đà tăng của đòn bẩy khi số vụ vỡ nợ liên tục đạt mức kỷ lục.

Chủ tịch Huarong - Wang Zhanfeng, cho biết, việc xem xét các loại tài sản và rủi ro vào năm ngoái đã có tác động đáng kể đến kết quả kinh doanh và là một bài học lớn đối với công ty. Huarong có kế hoạch bán bớt một số công ty con thuộc các lĩnh vực kinh doanh không chủ chốt trong "tương lai gần" để tăng dòng vốn vào và bổ sung lượng vốn. Nhờ bán bớt tài sản và tăng vốn, công ty có thể đảm bảo hoạt động trong 12 tháng tới.

Hôm 18/8, các nhà đầu tư nhà nước bao gồm Citic Group, China Insurance Investment Co. và China Life Asset Management Co. đã đồng ý rót vốn vào Huarong. Công ty này sẽ nhận được 7,7 tỷ USD theo một phần của kế hoạch cải tổ, với quyền kiểm soát được chuyển từ Bộ Tài chính sang Citic. Tuy nhiên, nguồn tin thân cận tiết lộ, kế hoạch vẫn đang trong quá trình thực hiện và có thể thay đổi.

Huarong đang có khoản nợ 238 tỷ USD, trong đó gồm hơn 20 tỷ USD trái phiếu nước ngoài, và trở thành thực thể được các nhà đầu tư khắp thế giới chú ý. Các khoản vay của công ty này đã lên tới 782 tỷ CNY tính đến ngày 30/6, trong đó 578 tỷ CNY sẽ đến hạn trong vòng 1 năm tới.

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của Huarong giảm xuống 4,16% vào cuối năm ngoái và ở mức 6,32% tính đến ngày 30/6. Các cơ quan quản lý Trung Quốc yêu cầu CAR tối thiểu là 12,5% và 9% vốn cấp 1 đối với các nhà quản lý tài sản nợ xấu. Tỷ lệ đòn bẩy của Huarong đã giảm từ 1.333 xuống 37,1 tính đến cuối quý II/2021, nhưng vẫn cao hơn 4 lần so với năm 2019.

Tuần trước, Moody’s Investors Service đã hạ xếp hạng tín dụng của Huarong xuống Baa2, cao hơn 2 bậc so với mức "rác" và nhận định xếp hạng có khả năng xuống mức thấp hơn nữa do vốn và khả năng sinh lời đã bị suy giảm.

Hiện tại, cổ phiếu của công ty này đã bị đình chỉ giao dịch. Ngoài ra, Huarong còn bị "đóng băng" trên thị trường trái phiếu kể từ quý II, dù đã thanh toán nợ đúng hạn và đạt được thoả thuận với các ngân hàng quốc doanh để đảm bảo đáp ứng các nghĩa vụ nợ ít nhất vào cuối tháng 8.

Dù các vụ vỡ nợ của các công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã trở thành điều phổ biến trong những năm gần đây, nhưng không doanh nghiệp nào lại không thể giải quyết những khoản nợ quan trọng như Huarong.

Ngoài mối liên kết chặt chẽ với chính phủ và sự kết nối với các định chế tài chính khác, Huarong còn là một trong những nhà phát hành trái phiếu ra nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc, nằm trong danh mục của các nhà đầu tư từ Hồng Kông, London đến New York. Theo Bank of America, nếu trái phiếu USD của Huarong không còn được xếp hạng "điểm đầu tư", 56% các nhà quản lý quỹ cho biết họ sẽ bán ra.

Huarong, Cinda, China Great Wall Asset Management Co. và China Orient Asset Management Co. được thành lập để mua các khoản nợ xấu từ các ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Sau đó, các công ty này đã "lấn sân" sang những lĩnh vực khác và đi vay hàng tỷ USD từ thị trường trái phiếu. Huarong là công ty có hoạt động phức tạp nhất dưới thời cựu chủ tịch Lai Xiaomin - đã lãnh án tử hình hồi tháng 1 với một loạt tội danh. 

Vu Lam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên