Công ty tiếp thị dừng thuê người ngoài thiết kế và viết nội dung, dùng AI thay thế
Biểu tượng OpenAI và ChatGPT. Ảnh: AFP/TTXVN
Bluefocus – một trong những công ty tiếp thị hàng đầu tại Trung Quốc có giá trị 3 tỷ USD – dự định ngừng thuê hoàn toàn những người viết nội dung và thiết kế đồ họa bên ngoài. Thay vào đó, họ sẽ dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện các công việc đó.
- 15-04-2023Quảng Ngãi không dùng tiền mặt trong giải quyết thủ tục hành chính
- 15-04-2023Người dùng đang đánh giá Taxi Xanh SM trên App Store ra sao: Có 1 tính năng khách hàng muốn bổ sung gấp!
- 15-04-2023Nội Bài thí điểm xác thực khuôn mặt, vân tay khách đi máy bay từ 17/4
Theo trang tin Bloomberg, công ty này đã liên lạc với hai “ông lớn” công nghệ Alibaba và Baidu để xin được cấp phép sử dụng công nghệ.
Cụ thể, trong một thông báo bất ngờ đối với thị trường vào ngày 13/4, BlueFocus tuyên bố sẽ chấm dứt vô thời hạn việc thuê những người thiết kế đồ họa, viết quảng cáo, lập kế hoạch và lập trình từ một bên thứ 3.
Thông tin được chia sẻ qua email nội bộ. Đây là một phần trong quyết định quản lý nhằm khai thác nội dung do trí tuệ nhân tạo tạo ra (AIGC).
BlueFocus đã quyết định thay thế các nhà thiết kế và viết quảng cáo bên ngoài hai ngày sau khi được cấp giấy phép dịch vụ Azure OpenAI của Microsoft vào ngày 11/4, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thất nghiệp và cắt giảm việc làm trong ngành sáng tạo tiếp thị. Thông tin này không chỉ gây sốc cho các nhà đầu tư mà còn trở thành chủ đề “nóng” trên mạng xã hội Weibo Trung Quốc.
Ngày 13/4, giá cổ phiếu của BlueFocus được niêm yết tại Thâm Quyến đã tăng 9,77%.
Hồi tháng 2, BlueFocus Media chính thức công bố hợp tác với Baidu về ứng dụng công nghệ chatbot ERNIE Bot nhằm xây dựng một hệ thống dịch vụ tiếp thị trí tuệ nhân tạo quy mô đầy đủ.
Đến tháng 3, BlueFocus xác nhận hợp tác chiến lược với Microsoft khi trở thành đại lý chính thức của Microsoft Advertising để hợp tác phát triển các sản phẩm công nghệ tương tự như ChatGPT.
Hiện BlueFocus đang phải đối mặt với nhiều sức ép tài chính. Được thành lập vào năm 1996, BlueFocus bắt đầu con đường mở rộng nhanh chóng vào năm 2013-2014, mua lại các thương hiệu toàn cầu, như We Are Social, Cossette, Metta và FuseProject. Sau đó, công ty này đã bán phần lớn cổ phần của các thương hiệu này cho một cặp công ty đầu tư vào năm 2021.
Đầu năm nay, BlueFocus dự kiến công bố lỗ 263 - 321 triệu USD trong năm tài chính 2022.
Vẫn chưa rõ liệu quyết định không thuê người viết quảng cáo, sáng tạo nội dung của BlueFocus là biện pháp kiểm soát chi phí hay một cam kết chiến lược đối với công nghệ.
Phần mềm trò chuyện AI tiếp tục đối mặt với những phản ứng trái chiều trên khắp thế giới. Một số chuyên gia trong ngành công nghiệp sáng tạo lo ngại sự xuất hiện của ứng dụng này có thể lấy đi công việc của họ. Trong ngành sản xuất trò chơi điện tử của Trung Quốc, các công cụ tạo hình ảnh AI như Stable Diffusion và DALL-E 2 ngày càng được sử dụng nhiều hơn để thay thế con người. Trong ngành quảng cáo, công ty mẹ Omnicom Group cũng sử dụng công nghệ AI để viết nội dung.
Một số công ty còn sử dụng các chương trình tạo hình ảnh để tạo các khái niệm trực quan cho khách hàng. Ví dụ trong một dự án Tết Nguyên đán gần đây, công ty sáng tạo Distillery đã tạo một cuốn sách kỹ thuật số dành cho trẻ em bằng cách sử dụng ChatGPT để viết câu chuyện, sử dụng MidJourney AI để tạo hình ảnh, Murbert AI để sản xuất âm nhạc.
"AI chỉ là công nghệ mà thôi. Bản chất công nghệ là tối ưu hóa các quy trình. Nó chắc chắn sẽ đẩy nhanh tiến độ một số nhiệm vụ, nhưng nó không thể thay thế con người. Chúng tôi cần chú ý nhiều đến bất kỳ sản phẩm đầu ra nào do AI tạo ra để đảm bảo tính chính xác", Rollen Gomes, Giám đốc công nghệ nhóm Singapore tại RGA trả lời phỏng vấn chuyên trang Chiến dịch châu Á-Thái Bình Dương.
Các chính phủ cũng đã bắt đầu để mắt đến ứng dụng AI sáng tạo. Mới đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lấy ý kiến về quy định liên quan đến AI.
Báo tin tức