Quản lý 50ha đất vàng thủ đô, Công viên Thống Nhất kinh doanh èo uột, lãi chưa đầy 1 tỷ
Nằm ở trung tâm thủ đô với diện tích 50 ha, công viên Thống Nhất là một trong những công viên lớn nhất Hà Nội. Tuy nhiên trong suốt nhiều năm qua, doanh thu của Thống Nhất đã giảm mạnh. Nhiều hạng mục từ đường xá, hàng rào, cây cối, khu trò chơi đều xuống cấp trầm trọng và chỉ được cải tạo qua loa.
64 năm trước, hoà vào không khí cải tạo và phát triển kinh tế tại miền Bắc, người dân thủ đô đã cùng nhau góp công xây dựng nên một vườn hoa chung với một hồ nước lớn trên khu vực từng là vùng đầm hồ và bãi rác 3 làng Vân Hồ, Thể Giao, Thiền Quang. Gần hai năm sau, 30/05/1961, công trình chính thức khánh thành, mang tên Công viên Thống Nhất. Trong những năm sau đó, Thống Nhất dần trở thành “lá phổi xanh” quen thuộc của Hà Nội, với diện tích 50 ha, toạ lạc giữa 4 con phố lớn, bao gồm: Trần Nhân Tông, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Duẩn và Đại Cồ Việt.
Người dân Hà Nội xây dựng Công viên Thống Nhất
Tuy nhiên, vài năm gần đây, “lá phổi” thủ đô đang ngày một tiều tuỵ Theo báo cáo tài chính từ năm 2015 - 2020 doanh thu của công viên đã giảm một nửa, từ hơn 60 tỷ đồng vào 2015 xuống còn 33 tỷ năm 2020. Trước khi COVID-19 diễn ra, doanh thu của công viên Thống Nhất cũng nhiều năm đi ngang, xấp xỉ dưới mức 50 tỷ. Theo đó, mức lợi nhuận sau thuế của công viên cũng giảm gần 63%, còn 491 triệu đồng.
Nguồn thu của công viên Thống Nhất đến từ nguồn doanh thu duy trì và doanh thu kinh doanh. Trong đó, nguồn doanh thu duy trì đến từ ngân sách luôn chiếm tỷ trọng lớn. Trong tổng doanh thu 62,5 tỷ năm 2015, có đến 49,2 tỷ đến từ doanh thu duy trì, trong đó 42 tỷ (tương đương 80%) được dành vào hạng mục duy trì vườn hoa, 7,2 tỷ dành cho các hoạt động đền bù thiệt hại, duy trì vật kiến trúc hoặc trang trí lễ Tết. Tuy nhiên, 5 năm nay đây là hạng mục doanh thu bị giảm mạnh. Khoản doanh thu kinh doanh, đến từ hoạt động văn hoá, thu vé vui chơi, ăn uống, thuê địa điểm, có dấu hiệu tăng và chiếm tỉ trọng cao dần ở giai đoạn 2016- 2019 nhưng vẫn không đủ để đưa tổng doanh thu về lại mức 2015.
Hai năm 2018 - 2019 ghi nhận điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của công viên Thống Nhất. Năm 2018, doanh thu kinh doanh đạt mức 19 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước. Sang năm 2019, công viên thu về 18 tỷ đồng từ hoạt động này, giữ doanh thu hợp nhất ở mức 43,9 đồng, xấp xỉ 2017, dù 2019 nhận được ít ngân sách hơn. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát đã khiến số thu này giảm mạnh xuống còn 11 tỷ đồng vào năm 2020, xuống mức thấp nhất trong 5 năm. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2021, công viên ghi nhận 17 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ so với cùng kỳ với khoản lãi ròng 178 triệu.
Có nhiều ý kiến trái chiều về cách vận hành và tình trạng của Công viên Thống Nhất. Về cảnh quan công viên, nhiều hạng mục công trình, hàng rào, đường xá, khu vui chơi đã xuống cấp trầm trọng. Các dự án trùng tu cũ mới tiến hành dang dở, để lại nhiều khu vực quây tôn chắn lối đi công viên.
Hình ảnh một đoạn đường công viên Thống Nhất nứt nẻ Ảnh: Kinh tế đô thị
Bên cạnh đó, thảm cỏ, vườn cây của công viên cũng xuống cấp do thiếu sự chăm nom. “Tôi đã từng ngắm vườn cây xanh um tại một số công viên trên thế giới, so với đó thì Thống Nhất thảm thương vô cùng. Nhiều cây cối héo úa tàn tạ như thể bị ‘cưỡng bách’”” - chị Kiều Anh, người đến công viên cho hay.
Theo phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, trong giai đoạn 2021 - 2025, công viên Thống Nhất là 1 trong 3 công viên được cải tạo cấp độ 1. Đáng chú ý, Thành phố định hướng bỏ hàng rào vào công viên, chuyển Công viên Thống Nhất từ “công viên đóng” sang “công viên mở”. Song song với đó, TP dự kiến tạo lập không gian đi bộ dọc phố Trần Nhân Tông nhằm nâng tầm giá trị không gian cảnh quan, tăng thêm khai thác các giá trị của công viên. Hiện nay, khu vực vỉa hè Nguyễn Đình Chiểu bao quanh công viên đang bị sử dụng làm địa điểm đỗ xe ô tô, xe máy, hạn chế diện tích đi bộ của người dân.