Coteccons (CTD) báo lãi quý 1/2022 giảm 47% so với cùng kỳ, bắt đầu vay nợ hàng trăm tỷ đồng
Coteccons báo lãi quý 1/2022 giảm sâu
Năm 2022, Coteccons lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 15.010 tỷ đồng, tăng 65% nhưng mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ 20 tỷ đồng, thấp hơn cả mức lãi đã chạm đáy lịch sử năm trước.
CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với doanh thu thuần giảm 26% so với cùng kỳ xuống mức 1.913 tỷ đồng. Biên lãi gộp tiếp tục bị thu hẹp từ 4,7% xuống còn 3,5% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 67 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 11% lên 76 tỷ đồng tuy nhiên chi phí tài chính cũng tăng thêm 11 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 26% xuống còn 89 tỷ đồng không đủ giúp Coteccons tăng trưởng dương. Kết quả, nhà thầu này lãi ròng 29 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn vượt đến gần 45% kế hoạch thấp chưa từng thấy năm 2022.
Nguồn: BCTC Coteccons
Năm 2022, Coteccons bất ngờ lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 15.010 tỷ đồng, tăng 65% so với năm trước. Tuy nhiên, nhà thầu này chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất 20 tỷ đồng, thấp hơn cả mức lãi đã chạm đáy lịch sử năm trước là 24 tỷ đồng.
Chia sẻ về chỉ tiêu thấp kỷ lục này, ông Bolat Duisenov – Chủ tịch HĐQT Coteccosn cho biết nguyên nhân chính do công ty trích lập dự phòng. Song song, dù đánh giá cao mảng đầu tư công với nhiều cơ hội mới, song 2022 mảng chủ lực của Coteccons vẫn tập trung vào xây dựng dân dụng, đồng thời tái cơ cấu theo hướng đa ngành thời gian tới.
Ông Võ Hoàng Lâm, Phó TGĐ Coteccons cho biết mảng BĐS bị kiểm soát và trái phiếu bị siết ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án khắp cả nước. Tuy nhiên các dự án mà Coteccons đã ký năm 2021 và các dự án trúng thầu năm 2022 không nằm trong danh mục các dự án đó và kế hoạch kinh doanh vừa qua chúng tôi đã tính toán kỹ các dự án này. Tổng giá trị trúng thầu trong quý 1 năm 2022 là hơn 10.000 tỷ đồng bao gồm nhiều dự án như nhà máy Pexa, Flamingo ở Vĩnh Phúc, Charm Group ở miền Nam...
Mục tiêu lợi nhuận thấp khó tin của Coteccons
Đáng chú ý, không chỉ lợi nhuận lao dốc, dòng tiền kinh doanh của Coteccons còn âm nặng hơn 325 tỷ đồng trong khi cùng kỳ cũng âm 184 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm 663 tỷ đồng. Điều này khiến "đại gia" ngành xây dựng bắt đầu phải đi vay để bù đắp.
Trong tháng 1, Coteccons đã phát hành thành công 500 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu nhằm thanh toán chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí thuê nhân công (300 tỷ đồng) và tăng quy mô vốn hoạt động (200 tỷ đồng). Các khoản trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm kể từ ngày phát hành và hưởng lãi suất cố định 9,5%/năm, trả lãi định kỳ mỗi 6 tháng. Trái phiếu thuộc loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, Coteccons còn phát sinh thêm 135 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn qua đó nâng tổng số dư nợ vay tài chính tại thời điểm 31/3 lên hơn 630 tỷ đồng. Mặt khác, công ty vẫn còn hơn 3.600 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn, tăng hơn 300 tỷ so với đầu năm.
Nhịp sống kinh tế