MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến cung, cầu và giá cao su thiên nhiên

25-05-2020 - 09:08 AM | Thị trường

Đại dịch Covid-19, nếu nhìn từ một số khía cạnh, đã có lợi cho ngành cao su tự nhiên khi doanh số bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như găng tay y tế, không ngừng tăng mạnh. Tuy nhiên, điều đó nhìn chung không thể bù đắp cho sự sụt giảm mạnh về nhu cầu đối với những ngành khác, nhất là ngành ô tô và lốp xe.

Hiệp hội các nước Sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC) từ đầu năm tới nay đã 3 lần điều chỉnh giảm dự báo về sản xuất và tiêu thụ cao su thiên nhiên, lý do vì bị tác động "hỗn loạn" của đại dịch Covid-19.

Tháng 1/2020, ANRPC dự đoán sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm nay tăng trưởng 3,8% lên 14,3 triệu tấn và nhu cầu tăng 2,7% lên 14 triệu tấn. Tuy nhiên, 3 tháng tiếp theo, các con số này liên tục bị điều chỉnh theo xu hướng giảm.

Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất công bố tháng 5/2020, Hiệp hội đã hạ dự báo về sản lượng cao su năm 2020 xuống 13,4 triệu tấn, thấp hơn 2,3% so với năm trước và thấp hơn 679.000 tấn so với con số đưa ra cách đây chỉ một tháng (là 14,1 triệu tấn, tức là tăng 2,2% so với năm 2019).

Sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu quý I/2020 đã giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 2,9 triệu tấn. Tác động của virus SARS-CoV-2 trong tháng 4/202 sẽ còn "nghiêm trọng hơn nữa", do đó ANRPC ước tính sản lượng của các nước thành viên sẽ giảm tổng cộng 6,4% trong 6 tháng đầu năm 2020.

ANRPC cũng hạ dự báo tiêu thụ thế giới trong năm nay xuống chỉ 13 triệu tấn, thấp hơn 5,1% so với năm ngoái và cũng thấp hơn 516.000 tấn so với dự báo đưa ra vào tháng 4/2020 (khi đó dự báo tiêu thụ sẽ đạt 13,5 triệu tấn trong năm 2020, thấp hơn 1,5% so với năm 2019).

Theo các số liệu sơ bộ, tiêu thụ cao su thiên nhiên trên toàn cầu quý I/2020 đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, và dự kiến giảm 15,5% trong 6 tháng đầu năm 2020.

Theo xu hướng chung, xuất khẩu cao su của Việt Nam từ đầu năm đến nay cũng sụt giảm nghiêm trọng. Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su Việt Nam trong tháng 4/2020 chỉ đạt 42.210 tấn, trị giá 53,64 triệu USD, giảm 30,3% về lượng và 38,4% về trị giá so với tháng 3/2020; đồng thời giảm 43,4% về lượng và 49,9% về trị giá so với cùng tháng năm 2019. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su ở mức 270.360 tấn, trị giá 385,56 triệu USD, giảm 34,7% về lượng và 30,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cao su xuất khẩu bình quân trong tháng 4/2020 là 1.271 USD/tấn, giảm 11,6% so với tháng 3/2020 và giảm 11,5% so với tháng 4/2019.

Đại dịch Covid-19 đã buộc cả thế giới phải gần như ngừng hoạt động để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tiêu thụ ô tô trên toàn cầu cũng vì thế giảm mạnh. Trong 3 tháng đầu năm 2019, doanh số bán ô tô trên toàn cầu giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 17,42 triệu chiếc, trong đó riêng tháng 3 giảm 39% chỉ đạt 5,55 triệu chiếc. Tình hình trong tháng 4 ở Trung Quốc khả quan lên chút ít, nhưng ở các nơi khác vẫn vô cùng ảm đạm.

Doanh số bán ô tô Trung Quốc trong tháng 4/2020 tăng lần đầu tiên trong vòng gần 2 năm, tăng 4,4% so với tháng 4/2019, đạt gần 2 triệu chiếc. Mặc dù vậy, trong 4 tháng đầu năm 2020 cũng chỉ có 5,8 triệu chiếc được tiêu thụ ở thị trường này, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái, và dự báo cả năm 2020 sẽ giảm 15-20%, sau khi đã giảm hơn 8% trong năm 2019 và gần 3% trong năm 2018.

Tại Ấn Độ, doanh số bán ô tô tháng 4/2020 gần như bằng 0 vì chính sách phong tỏa toàn quốc kéo dài từ 25/3 đến 17/5. Tình hình ở Anh cũng tương tự khi số ô tô bán ra trong tháng 4 giảm 97,3%, chỉ đạt 4.321 chiếc – mức thấp nhất kể từ 1946.

Trong bối cảnh tiêu thụ cao su trì trệ như vậy, giá cao su thế giới trong thời gian qua biến động mạnh. So với cùng thời điểm này năm ngoái, giá hiện đã mất gần 30% giá trị. Tuy nhiên, mặc dù phương Tây vẫn vẫn đang trong giai đoạn giãn cách xã hội, song giá cao su từ cuối tháng 3/2020 đến nay tương đối ổn định (dù ở mức thấp). Lý do bởi sản lượng cao su trong thời gian qua thấp vì cây cao su trong mùa rụng lá (mùa sản lượng thấp điểm).

Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến cung, cầu và giá cao su thiên nhiên - Ảnh 1.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, giá mặt hàng này có thể sẽ giảm nhanh, dự báo mất khoảng 10-15% trong quý II/2020 vì mùa thu hoạch cao su ở các nước Đông Nam Á thường rơi vào khoảng tháng 4-6, trong khi nhu cầu cao su tự nhiên ở các thị trường chủ chốt, nhất là Mỹ và Châu Âu, dự báo sẽ còn trì trệ thêm nhiều tháng nữa. Hiện một số nhà máy tại châu Mỹ, châu Âu và một số nhà máy sản xuất lốp xe tại châu Á- Thái Bình Dương vẫn đóng cửa hoặc chỉ sản xuất cầm chừng.

Chưa dừng lại ở đó, triển vọng ảm đạm của giá dầu thô cũng sẽ tác động tới thị trường cao su thiên nhiên, vì giá dầu rẻ thì cao su tổng hợp sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với cao su thiên nhiên. Chẳng hạn tại Ấn Độ, các nhà sản xuất lốp xe sử dụng 60% nguyên liệu cao su tự nhiên và 40% cao su tổng hợp. Tuy nhiên, tỷ lệ này hoàn toàn có thể hoán đổi khi giá cao su tổng hợp rẻ chỉ bằng 2/3 so với cao su thiên nhiên.

Các nhà phân tích của Tradingeconomics.com dự báo giá cao su tự nhiên trên sàn Tokyo (hàng giao ngay) sẽ giảm từ mức khoảng 136 JPY/kg hiện nay xuống trung bình 130,52 JPY/kg trong quý II/2020, 124,9 JPY trong quý III/2020, 119,51 JPY trong quý IV/2020 và 114,36 JPY/kg trong quý I/2021.

Vân Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên