MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Covid-19 - chủ đề nóng tại "lưỡng hội" Trung Quốc

22-05-2020 - 09:03 AM | Tài chính quốc tế

Ngoài mục tiêu vực dậy kinh tế, theo giới chuyên gia, các nhà lập pháp Trung Quốc cũng sẽ thảo luận những biện pháp ngăn chặn làn sóng Covid-19 thứ hai

Sau hơn 2 tháng trì hoãn vì đại dịch Covid-19, hai kỳ họp thường niên quan trọng nhất của Trung Quốc, gồm Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (tức Chính hiệp, CPPCC) và Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội, NPC), khai mạc tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, lần lượt vào các ngày 21 và 22-5.

Khoảng 3.000 đại biểu sẽ tham dự các cuộc họp của NPC để bàn về chính sách chính trị và kinh tế giữa lúc Bắc Kinh đối mặt với thách thức lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Theo Reuters, mọi sự chú ý sẽ hướng về mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay sau khi GDP quý I/2020 lần đầu tiên giảm kể từ năm 1976 vì tác động của dịch Covid-19. Theo báo The Straits Times, một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ không đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP cụ thể trong năm nay vì kinh tế còn nhiều bất ổn và nỗi lo về làn sóng Covid-19 thứ hai. Trong bối cảnh các nước trên toàn thế giới đang đối mặt với những thách thức tương tự, Trung Quốc khó có thể dự đoán chính xác mức tăng trưởng GDP của mình.

Covid-19 - chủ đề nóng tại lưỡng hội Trung Quốc - Ảnh 1.

Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc khai mạc ở thủ đô Bắc Kinh hôm 21-5 Ảnh: REUTERS

"Để làm được điều này, sẽ cần những dự đoán chính xác về sự hiệu quả chính sách của mọi nền kinh tế lớn. Vì thế, sẽ phi thực tế để chính phủ Trung Quốc đề ra mục tiêu tăng trưởng cụ thể. Họ cũng khó đặt ra mục tiêu tỉ lệ thất nghiệp như năm ngoái…" - chuyên gia kinh tế Iris Pang của Ngân hàng ING (Hà Lan) nhận định.

Ngoài mục tiêu vực dậy kinh tế, theo giới chuyên gia, các nhà lập pháp Trung Quốc cũng sẽ thảo luận các biện pháp ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai và vai trò trên thế giới của Bắc Kinh thời hậu Covid-19. Theo báo South China Morning Post, giới chức Trung Quốc đang tranh luận gay gắt về giải pháp chống lại sức ép ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế liên quan đến Covid-19. Một số nhà ngoại giao theo đường lối cứng rắn ủng hộ việc công kích lại những người chỉ trích Bắc Kinh. Dù vậy, có nhiều ý kiến cho rằng phản ứng như thế không đủ để thay đổi lập trường chống Trung Quốc từ bên ngoài. Ông Shi Yinhong, chuyên gia tại Trường ĐH Nhân dân Trung Quốc, nhận định nhu cầu về sự cân bằng kinh tế trong nước và sức ép gia tăng của cộng đồng quốc tế có thể buộc Bắc Kinh thay đổi các mục tiêu chiến lược.

Theo Reuters, Bắc Kinh cũng sẽ công bố ngân sách quốc phòng trong ngày khai mạc phiên họp của NPC. Trong những ngày qua, các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc đã yêu cầu gia tăng chi tiêu quân sự lên ít nhất 7,5% để đối phó với những thách thức trong và ngoài nước, đặc biệt là khi căng thẳng Bắc Kinh - Washington leo thang vì nhiều vấn đề. Dù vậy, một quan chức giấu tên thông tin ngân sách dành cho quân đội Trung Quốc chỉ được "tăng nhẹ" bởi "khôi phục kinh tế đang là ưu tiên hàng đầu". Năm ngoái, Trung Quốc gia tăng chi tiêu quân sự thêm 7,5% lên 167,5 tỉ USD, giảm nhẹ so với mức tăng 8,1% của năm 2018.

Bác bỏ chỉ trích

Trước thềm kỳ họp quốc hội, giới chức Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ chỉ trích về cách thức nước này xử lý đại dịch Covid-19. Ông Quách Vệ Dân, phát ngôn viên CPPCC, cho rằng những cáo buộc Bắc Kinh che giấu thông tin về Covid-19 và khiến nó lây lan sang các nước khác là hoàn toàn vô lý. Ông Quách cũng bác bỏ nhận định Bắc Kinh đang cạnh tranh vai trò lãnh đạo toàn cầu thông qua hỗ trợ các nước khác đối phó dịch Covid-19.

Trung Quốc đang đối mặt chỉ trích họ che giấu thông tin trong giai đoạn đầu của dịch bệnh khởi phát tại nước này trước khi nó lây lan nhanh khắp thế giới. Theo thống kê của Reuters, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt qua cột mốc 5 triệu hôm 20-5. Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới cho biết nhận được báo cáo về 106.000 ca Covid-19 mới trong 24 giờ trước đó. Đây là số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào cuối năm ngoái, theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Ông Tedros cho biết thêm gần 2/3 số ca mới nói trên xuất hiện tại 4 nước nhưng không tiết lộ chi tiết. Theo WHO, 4 nước hiện có số ca Covid-19 nhiều nhất là Mỹ, Nga, Brazil và Anh. Riêng ở Trung Quốc có 33 ca nhiễm mới được công bố hôm 21-5, trong đó phần lớn ở TP Vũ Hán, tâm điểm của dịch bệnh. Ngoài ra, theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, có 2 ca nhiễm mới ở tỉnh Quảng Đông và 1 ca lây nhiễm cộng đồng ở TP Thượng Hải. Bất chấp số ca Covid-19 không ngừng gia tăng, nhiều nước đang cho mở cửa lại trường học và nơi làm việc theo sau nhiều tuần phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh.

Hoàng Phương

Theo Cao Lực

Người Lao động

Trở lên trên