MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

COVID-19: Con số khủng khiếp của Mỹ khiến nhà dịch tễ học hàng đầu TQ chỉ có thể thốt lên 1 từ "sốc"

28-05-2020 - 09:21 AM | Tài chính quốc tế

"17 năm trước, Mỹ đã xử lý đại dịch SARS rất tốt, tình hình khi đó hoàn toàn khác biệt so với bây giờ", chuyên gia về bệnh phổi và dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc nhận định.

Trong cuộc phỏng vấn với báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), ông Chung Nam Sơn, chuyên gia về bệnh phổi và dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc cho biết ông cảm thấy rất "sốc" khi chứng khiến số ca tử vong cao chót vót của Mỹ, đồng thời bình luận rằng "thất bại" của Mỹ là hậu quả của việc giới chức nước này không nghe theo lời khuyên của các nhà khoa học.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn tiếp tục đứng đầu bảng về cả số ca nhiễm và ca tử vong do COVID-19 . Cụ thể, đã có hơn 1,7 triệu ca nhiễm và hơn 100 ngàn ca tử vong do dịch bệnh được nước này xác nhận - chiếm gần 1/3 trên tổng số ca nhiễm/tử vong do COVID-19 được ghi nhận trên toàn thế giới, theo trang thống kê worldometers.info.

"17 năm trước, Mỹ đã xử lý đại dịch SARS rất tốt, tình hình khi đó hoàn toàn khác biệt so với bây giờ", ông Chung Nam Sơn, 83 tuổi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng Quốc gia về các Bệnh Hô hấp, đồng thời là người đứng đầu nhóm cố vấn của chính phủ Trung Quốc về dịch bệnh, bình luận.

"Phải thừa nhận rằng Mỹ đã tiến hành xét nghiệm trên quy mô rất lớn, với số lượng lớn hơn nhiều so với các quốc gia khác... Nhưng số ca tử vong cao chót vót tại Mỹ vẫn khiến tôi cảm thấy rất sốc", chuyên gia này cho biết.

Chia sẻ với SCMP, ông Chung tiết lộ rằng những đồng nghiệp của ông ở Mỹ đã thừa nhận hệ thống của họ không sẵn sàng để ứng phó với đại dịch COVID-19, dù các cơ sở y tế của Mỹ đã được trang bị cơ sở vật chất, thiết bị cùng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc nhận định rằng vấn đề chính yếu đẩy Mỹ vào tình trạng hiện nay là do giới chức nước này không nghe theo lời khuyên của các chuyên gia y tế. Đơn cử là Tổng thống Donald Trump đã "coi nhẹ khả năng lây lan của dịch bệnh và độc tính của virus. Ông ấy đã nghĩ [COVID-19] chỉ giống như bệnh cúm mùa", ông Chung nói.

Bên cạnh đó, các quan chức Mỹ cũng không lắng nghe ý kiến của các chuyên gia y tế về việc tái mở cửa nền kinh tế. Theo ông Chung, "việc tái mở cửa nền kinh tế nhanh chóng có thể đi cùng với rất nhiều rủi ro. Tôi cho rằng họ nên làm theo khoa học và tái mở cửa nền kinh tế từng bước một".

Ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm quốc gia Mỹ đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ 2, và nói rằng chính quyền Mỹ nên cân nhắc việc tái mở cửa nền kinh tế quá sớm.

Là chuyên gia y tế hàng đầu của chính quyền Mỹ, ông Fauci đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc tái mở cửa đất nước sớm hay muộn "đều do virus quyết định". Tuy nhiên, một số người ủng hộ ông Trump đã công kích ông Fauci về những lời cảnh báo này, thậm chí còn yêu cầu chính phủ Mỹ cần loại bỏ ông này khỏi lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Nhà Trắng.

"Tất nhiên, kinh tế là lĩnh vực rất quan trọng đối với mọi quốc gia trên thế giới, nhưng vấn đề [cân đối giữa việc chống dịch và tái mở cửa nền kinh tế] đã không được xử lý tốt, đây cũng là một trong những yếu tố 'tiếp sức' cho đại dịch tác động nặng nề lên nước Mỹ", ông Chung nhận định.

Mỹ từng rất thành công trong đại dịch SARS năm 2003. Điều gì đã xảy ra?

Nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc bình luận rằng Mỹ đã phạm sai lầm trong cuộc khủng hoảng COVID-19, dù nước này 17 năm trước đã từng đạt được thành công lớn khi chặn đứng đại dịch SARS (2003) ngay từ khi nó chỉ mới là mầm họa.

Nhớ về cuộc khủng hoảng năm 2003, ông Chung cho biết ông đã liên hệ để cảnh báo các chuyên gia của Mỹ ngay từ sau khi dịch SARS bùng phát năm 2003, và phía Mỹ đã lập tức được đặt trong tình trạng báo động cao.

"Họ biết về tình hình tại Trung Quốc. Tôi đã nói với họ rằng một loại bệnh truyền nhiễm chưa rõ nguồn gốc [đang lây lan], và họ cần cẩn thận", ông Chung nói. "Nhờ những động thái phòng chống dịch quyết liệt, khi đó Mỹ chỉ có 27 ca nhiễm SARS... Tình hình [17 năm trước] khác biệt hoàn toàn so với những điều đang diễn ra trong thời điểm hiện tại".

Ngoài ra, ông Chung cũng nhắc tới một nguyên nhân từng giúp Mỹ thành công trong đại dịch SARS, đó là thời điểm dịch bệnh này bùng phát - 2 năm sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Sau thảm kịch đau thương năm 2001, nước Mỹ đã tăng cường hệ thống y tế cộng đồng và hệ thống báo động khẩn cấp.

"Theo tôi được biết, sau vụ 11/9, khoản đầu tư vào trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã tăng lên 10 lần", ông Chung nói.

Những thuyết âm mưu về dịch bệnh "không phải điều gì mới lạ"

Nói về những thuyết âm mưu về virus corona chủng mới được lan truyền trong dư luận, ông Chung cho biết đó "không phải điều gì mới lạ, [những thuyết âm mưu này] luôn ở đó, và chúng chỉ tái xuất hiện sau 17 năm".

Chuyên gia này đã kể về một chuyến đi tới Seattle năm 2003, khi ông bắt gặp một tờ tạp chí trên đường với dòng tiêu đề nổi bật: "SARS: Vũ khí hủy diệt hàng loạt của Trung Quốc".

Ông Chung nhấn mạnh, các nhà khoa học trên toàn thế giới cần hợp tác để đánh bại virus corona, nhưng các chính trị gia lại tạo ra trở ngại trên con đường hợp tác ấy.

Đầu tháng này, Tổng thống Trump đã úp mở rằng phía Mỹ đã có những bằng chứng cho thấy virus corona chủng mới bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, sau đó Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng nhắc lại tuyên bố này. Động thái của ông phía Washington đã khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận.

Bình luận về những cáo buộc nói trên, ông Chung cho biết: "Chúng ta cần tìm hiểu thêm về virus corona chủng mới. Việc các nhà khoa học hợp tác điều tra trong thời điểm hiện tại là điều rất quan trọng, và tôi hoàn toàn ủng hộ điều đó. Nhưng điều này đã trở nên vô cùng khó khăn do [một số chính trị gia] đã chính trị hóa vấn đề dịch bệnh".

Nhà dịch tễ học cũng đã khẳng định một lần nữa rằng Trung Quốc không giấu dịch, bởi dù các quan chức Vũ Hán báo cáo chậm trễ, nhưng sau khi thành phố này bị phong tỏa, chính quyền Bắc Kinh đã minh bạch trong việc công bố thông tin và trong các báo cáo gửi tới Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

"Mặc dù chúng tôi đã chậm trễ [trong việc công bố dịch bệnh], nhưng đến ngày 23/1, các nhóm chuyên gia của chúng tôi đã đưa ra những cảnh báo rõ ràng về khả năng lây nhiễm từ người sang người của virus, sau khi những trường hợp nhân viên y tế nhiễm bệnh được ghi nhận. Nhưng mãi đến ngày 13/3, Mỹ mới ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tôi không nghĩ rằng [động thái của Trung Quốc] là 'che giấu'", ông Chung kết luận.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Theo Hồng Anh

Tổ quốc

Trở lên trên