MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước Mỹ hậu Covid-19: Thủ phủ dầu mỏ bị tàn phá nặng nề chưa từng thấy, hơn một nửa số công ty phá sản

03-06-2020 - 09:05 AM | Tài chính quốc tế

Ở Louisiana - vùng đất được mệnh danh là mỏ dự trữ dầu của nước Mỹ, mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị đến văn hoá đều được quyết định bởi giá dầu. Khi Covid-19 vừa ập tới, tỷ lệ thất nghiệp tại đây đã tăng lên 14,5%. Các chuyên gia dự báo rằng ngành công nghiệp dầu khí sẽ phải mất ít nhất 3 năm để quay trở lại mức sản xuất như trước đây.

Ở tiểu bang Louisiana của Mỹ, khi một công ty dầu khí muốn xây dựng đường ống dẫn dầu trải dài, dưới những cánh đồng mía và rừng cây thông ngút ngát, họ không phụ thuộc vào yêu cầu của tòa án hay các cơ quan quản lý hành chính nào. Họ cũng không phải liên hệ với những người chủ sở hữu đất hoặc các ngân hàng. Thay vào đó, họ cử một thanh niên trẻ, ngoan ngoãn và hiền lành, đến gõ cửa từng nhà và đưa ra thỏa thuận hợp tác cũng như thương thảo hợp đồng.

Mới hai tháng trước, James Howell vẫn là nhà quản lý mảng đất đai độc lập dưới sự kiểm soát của các công ty năng lượng ở Louisiana. Tuy nhiên, mọi thứ đã sụp đổ từ khi Covid-19 bắt đầu. Khi đó, Howell đang phụ trách 10 dự án đường ống nối dài từ 200 đến 300 dặm ở Louisiana. Howell có nhiệm vụ xây dựng đề án, nộp hồ sơ giấy phép và đánh giá giá trị tài sản. Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của anh chính là chiếm được lòng tin của những người hoàn toàn xa lạ.

"Tôi muốn xây dựng một mối quan hệ cá nhân. Tôi không muốn những khách hàng của mình nhìn thấy hình ảnh một công ty dầu mỏ lớn đang cố gắng tiếp cận với họ, mà chỉ là một người đàn ông bình thường đến gõ cửa và tạo dựng mối quan hệ với họ", Howell chia sẻ lý do anh muốn gặp trực tiếp các chủ đất.

Nhiều chủ đất có thể hoài nghi khi một người đàn ông lạ mặt cầm theo tờ danh thiếp và một tập tài liệu dày đặc những giấy tờ đến gõ cửa nhà. Tuy nhiên, Howell chưa bao giờ được chào đón bởi những khẩu súng ngắn – thứ mà những người đồng nghiệp của anh đã từng gặp phải. Giống như một nhân viên pha chế hoặc phóng viên, Howell phát hiện ra rằng hầu hết mọi người đều muốn có ai đó lắng nghe vấn đề của họ. "Mọi người đều muốn nói chuyện. Nếu bạn trung thực về những thứ bạn muốn, bạn sẽ đạt được thứ bạn muốn", anh chia sẻ.

Howell từng gặp phải rất nhiều người biểu tình, đặc biệt trong quá trình xây dựng đường ống dẫn dầu qua Bayou Bridge – đường ống này sẽ vận chuyển dầu thô qua đầm lầy cây cổ thụ ở lưu vực Atchafalaya. Đây cũng là một trong những đầm lầy sinh thái giàu có nhất nước Mỹ, tiếp giáp dòng sông Mississippi và nằm dưới vịnh cung cấp nước uống lớn nhất cho cả quốc gia này. "Hãy đem những giếng dầu của anh ra khỏi nồi nước sôi của chúng tôi", những người biểu tình nói. Tuy nhiên, họ chỉ dừng lại ở đó!

Covid-19 đã làm được những điều mà những người biểu tình chưa bao giờ làm được

Ngay từ đầu tháng 3, toàn bộ các dự án xây dựng đường ống dẫn dầu của Howell đều phải tạm dừng. Suốt nửa tháng sau đó, Howell cùng với vợ mình ngồi trong văn phòng ở trung tâm thành phố Baton Rouge để "nhấn nút Dừng mọi thứ". Họ không biết sau bao lâu, có thể vài tháng hoặc vài năm nữa, họ mới có thể mở cửa văn phòng đầy bụi bặm và tiếp tục công việc như trước khi virus dịch bệnh ập tới.

Howell hiện 33 tuổi và anh đã gắn bó với công việc này suốt 13 năm. Suốt 13 năm gắn bó với giếng dầu, Howell luôn nghĩ rằng mình đã có lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn. Tuy nhiên, anh không biết liệu 3 đứa con của anh sau này có lựa chọn đúng đắn hay không trước một thế giới đầy biến động như hiện nay. Cha mẹ Howell luôn khuyên anh cố gắng tiết kiệm ít nhất 6 tháng thu nhập vì họ cho rằng ngành công nghiệp dầu khí "có thể sụp đổ bất cứ lúc nào".

Vào tháng hai vừa qua, Howell bắt đầu thêm một công việc tay trái khi thành lập công ty thương mại IHSE. "Công ty mới của tôi còn thiếu 5 ngày mới đủ điều kiện nhận gói trợ cấp tiền lương của Chính phủ. Tôi từng kì vọng sẽ thuê khoảng 50 nhân viên. Hiện tại toàn bộ hợp đồng của công ty đã bị hủy bỏ. Chỉ duy nhất một hợp đồng đang được duy trì và 8 nhân viên của tôi đang cùng thực thực hiện hợp đồng đó".

Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, Howell rất lo lắng cho sức khỏe của cha mình – ông mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Tuy vậy, Howell vẫn đang khá ổn so với tất cả những người anh biết cũng như hầu hết người dân ở Louisiana.

Ở Louisiana - vùng đất được mệnh danh là mỏ dự trữ dầu của nước Mỹ, mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị đến văn hóa đều được quyết định bởi giá dầu. Khi Covid-19 vừa ập tới, tỷ lệ thất nghiệp tại đây đã tăng lên 14,5%. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng ngành công nghiệp dầu khí đang đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu. Báo cáo từ Hiệp hội công nghiệp địa phương cho thấy khoảng 50.000 người sẽ mất việc làm trên khắp vùng vịnh và Louisiana có khoảng 11.000 người.

Trong khi đó, du lịch – ngành công nghiệp lớn nhất của thành phố New Orleans – đã hoàn toàn "gục ngã" bởi Covid-19. Sân bay tỷ đô nằm ngay trung tâm thành phố chỉ vận hành ở mức... 3% công suất. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Thủy hải sản Louisiana cho biết hiện tại chỉ có 5% thuyền tôm đang hoạt động tại khu vực trong khi nhu cầu cho ngành khai thác hàu biển giảm gần như 99%.

Trong tháng 4, các khoản thu thuế và lệ phí của tiểu bang giảm gần một nửa tỷ USD so với kỳ vọng. Tháng 5 dự đoán sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều.

Đối với ngành dầu khí ở tiểu bang Louisiana, cơn ác mộng bắt đầu vào ngày 8 tháng 3 – ba ngày trước khi Thủ hiến bang John Bel Edwards tuyên bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh cộng đồng và cuộc chiến giá dầu giữa Saudi và Nga đẩy giá dầu âm trong tháng tư.

"Giá dầu thô ở mức âm 37 USD/ thùng đồng nghĩa với việc các giếng khoan tại Louisiana không có lợi nhuận. Nhu cầu thấp đã khiến hơn 3/4 các nhà khai thác dầu khí thực hiện cắt giảm sản lượng trong tháng 5", Howell cho biết.

Trong khi đó, Hiệp hội dầu khí Louisiana (LOGA) đã gửi kiến nghị đề xuất Chính phủ cắt giảm thuế và bảo vệ khỏi các vụ kiện môi trường cho ngành dầu khí. Hiệp hội này cũng dự đoán rằng khoảng một nửa trong tổng số 33.714 giếng dầu và khí đốt tại tiểu bang sẽ phải ngừng hoạt động hoặc đóng cửa vĩnh viễn trong những tháng tới. Đồng thời, LOGA cũng dự báo rằng ngành công nghiệp dầu khí tại Louisiana sẽ phải mất ít nhất 3 năm để quay trở lại mức sản xuất như trước Covid-19. Tại một số giàn khoan lớn vẫn duy trì hoạt động, số lượng nhân sự cũng giảm khoảng 2/3.

Hơn một nửa số công ty sẽ phá sản

Theo kết quả khảo sát tại bang Louisiana, hơn một nửa số công ty cho biết họ sẽ phá sản. Gần 25% người lao động trong ngành đã mất việc và 25% khác dự kiến sẽ "ngồi nhà" vào giữa mùa hè. 88% số công ty được khảo sát bày tỏ quan ngại về tương lai của ngành công nghiệp đang thống lĩnh bang Louisiana hiện nay.

Người Louisiana lo lắng về ô nhiễm không khí và nguồn nước, xói mòn đất, mực nước biển dâng cao và khả năng sống còn của ngành công nghiệp mũi nhọn từ lâu. Ở Louisiana, năng lượng mặt trời rẻ hơn so với khí đốt tự nhiên, nhưng tiểu bang này chỉ xếp thứ 39 về mức độ sử dụng năng lượng mặt trời trên khắp nước Mỹ.

Cục quản lý năng lượng đại dương công bố kết quả nghiên cứu vào tháng 2 cho thấy năng lượng gió có tiềm năng kinh tế lớn và có thể tạo nên một ngành công nghiệp ngoài khơi mới. Đây có thể là một cơ hội giúp cứu vãn ngành công nghiệp dầu khí.

"Trong khoảng 20 đến 30 năm nữa, các trang trại gió sẽ xuất hiện ở khắp mọi nơi. Nhưng để thực hiện điều đó sớm hơn, trước khi sản xuất dầu và khí đốt đạt đỉnh vào năm 2031 theo ước tính, sẽ đòi hỏi một cuộc cách mạng trong chính quyền Louisiana hoặc sự can thiệp lớn hơn", Chủ tịch hiệp hội dầu khí Louisiana nhận định.

"Tôi luôn có niềm tin vào Chúa và Người làm điều gì cũng có lý do nhất định. Đây thực sự là một khoảng thời gian tồi tệ, nhưng rõ ràng tôi vẫn thấy những mặt tích cực của nó. Thị trấn nơi tôi ở trở lại yên bình như những năm 80, 90. Những đứa trẻ vui chơi bên ngoài với vòi phun nước trước sân. Mọi người đạp xe qua và tươi cười chào nhau", Howell nói.

"Tôi tin rằng sự sụp đổ của giá dầu không nằm trong kế hoạch của Chúa. Dầu khí quyết định mọi thứ trong cuộc sống. Ngành dầu khí sẽ quay trở lại như trước khi dịch bệnh ập đến. Chắc chắn là như vậy!", Howell khẳng định.

Hà My

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên