Covid-19 ngày 29/4: Gần 60.000 người chết ở Mỹ; Anh vượt Đức trở thành ổ dịch lớn thứ 5 thế giới
Tính đến ngày 29/4, thế giới có tổng cộng 3.135.324 ca nhiễm nCoV, trong đó có 217.709 trường hợp tử vong và 952.924 người đã hồi phục. Cho đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng và lây lan đến 210 quốc gia, vùng lãnh thổ.
- 28-04-2020Covid-19 ngày 28/4: Mỹ có hơn 1 triệu người nhiễm; hơn 700 người Iran chết do uống cồn vì tin rằng có thể giết chết virus corona
- 27-04-2020Covid-19 ngày 27/4: Thủ tướng Anh Boris Johnson quay lại làm việc; số ca nhiễm ở Singapore vượt Nhật Bản
Tại Mỹ, số ca nhiễm hiện là 1.035.240, tăng 24.884, có thêm 2.429 trường hợp tử vong, nâng tổng số lên 59.225. Theo phát ngôn viên của Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan này đang lên kế hoạch đưa ra hướng dẫn đối với người thân của những người đã qua đời do Covid-19 được nhận các khoản hỗ trợ, họ sẽ phải trả lại khoản tiền 1.200 USD cho chính phủ liên bang.
Tây Ban Nha có thêm 2.706 ca mới, ghi nhận 232.128 người nhiễm, thêm 301 trường hợp tử vong, tổng cộng 23.822 người chết. Thủ tướng Pedro Sanchez mới đây cho biết quốc gia này đặt mục tiêu dỡ bỏ hoàn toàn lệnh hạn chế, trở cuộc sống bình thường trong 8 tuần tới. Các trường học chưa mở cửa cho đến tháng 9, mỗi tỉnh sẽ dỡ bỏ lệnh hạn chế dần dần theo tình hình cụ thể ở địa phương đó.
Số lượng ca nhiễm mới của Italy tăng 2.091 và thêm 382 trường hợp tử vong, nâng tổng số lên lần lượt là 201.505 và 27.359. Sau hơn 1 tháng phong toả, chính phủ Italy đang lên kế hoạch về việc nới lỏng lệnh hạn chế. Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết trường học sẽ không mở cửa cho đến tháng 9.
Theo thông báo của chính phủ Anh, quốc gia này ghi nhận thêm 586 trường hợp tử vong tại bệnh viện trong 24 giờ qua, cao hơn so với con số 360 của ngày hôm trước, nhưng vẫn thấp hơn so với mức cuối tuần. Hiện tại, tổng số người nhiễm ở Anh là 161.145, vượt Đức trở thành vùng dịch lớn thứ 5 thế giới.
Pháp và Đức hiện có 165.911 và 159.735 trường hợp nhiễm, 23.660 và 6.280 ca tử vong. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết quyết định mở cửa lại các nhà hàng và quán cafe sẽ được cân nhắc vào cuối tháng 5 và học sinh có thể bắt đầu quay lại trường học vào ngày 11/5 nhưng phải thực hiện các quy định nghiêm ngặt. Các sự kiện có hơn 5.000 người tham gia đều bị cấm cho đến tháng 9 và làm việc tại nhà được khuyến khích thực hiện ít nhất 3 tuần nữa. Trong khi đó, chính phủ Đức có kế hoạch hạn chế các khoản đầu tư nước ngoài vào ngành y tế nước này.
Tại châu Á, Iran vẫn là ổ dịch lớn thứ 2 khu vực với 92.584 ca nhiễm và 5.877 ca tử vong. Hiện tại, chính phủ nước này vẫn chưa cho phép trường học mở cửa trở lại, các hoạt động có sự tham gia của nhiều người vẫn bị cấm.
Trong khi đó, vùng dịch lớn thứ 3 châu Á - Ấn Độ, ghi nhận 31.360 người nhiễm và 854 ca tử vong. Dù số người chết ở quốc gia này thấp hơn nhiều so với các ổ dịch lớn ở phương Tây nhưng hệ thống chăm sóc sức khoẻ rất hạn chế. Do đó, số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng, với trung bình hơn 1.500 ca mỗi ngày trong tuần vừa qua, có thể đối mặt với tình trạng bệnh viện quá tải.
Singapore hiện là ổ dịch lớn thứ 3 châu Á và lớn nhất Đông Nam Á, có thêm 528 ca nhiễm trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 14.951, số ca tử vong vẫn là 14 người. Hầu hết số ca nhiễm ở đợt bùng phát thứ 2 này là lao động nhập cư sống tại các ký túc xá.