MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Covid-19: Ông Tập Cận Bình lần đầu lên tiếng trước thế giới, bảo vệ Trung Quốc và WHO trước "bão" chỉ trích

19-05-2020 - 09:55 AM | Tài chính quốc tế

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên lên tiếng bảo vệ cách thức nước này ứng phó đại dịch Covid-19, khẳng định Bắc Kinh đã minh bạch và "làm mọi điều có thể".

Ông Tập khẳng định Trung Quốc minh bạch về Covid-19

Phát biểu trong hội nghị trực tuyến của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) ngày 18/5, ông Tập kêu gọi sự ủng hộ toàn cầu đối với hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong bối cảnh tổ chức này đối mặt với sự cắt giảm tài trợ từ Mỹ.

"Công tác cần phải dựa trên nền tảng khoa học và chuyên nghiệp do WHO dẫn dắt, và thực hiện theo một cách khách quan và vô tư," Chủ tịch Trung Quốc nói. "Chúng ta phải tăng cường năng lực quản trị toàn cầu trong vấn đề y tế công cộng."

Ông Tập nói Trung Quốc sẽ ủng hộ một "đánh giá toàn diện" về phản ứng toàn cầu đối với Covid-19 sau khi đại dịch kết thúc. Dù vậy, Trung Quốc không ủng hộ nghị quyết do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất, kêu gọi điều tra độc lập về phản ứng của WHO trong đại dịch.

"Trước những điểm yếu và thiếu sót mà Covid-19 làm bộc lộ, chúng ta cần phải cải thiện cơ chế quản trị và an toàn y tế công cộng. Chúng ta cần phản ứng nhanh hơn đối với các tình huống y tế cộng đồng khẩn cấp."

Ông Tập cũng tuyên bố Trung Quốc sẽ phân bổ ngân sách 2 tỷ USD trong vòng 2 năm tới để hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển.

Đề cập các ý kiến xoay quanh cách thức Trung Quốc ứng phó với đại dịch - vốn bị chỉ trích bởi Mỹ và EU, ông Tập nói: "Từ trước đến nay, chúng tôi luôn hành động với thái độ công khai, minh bạch và trách nhiệm. Chúng tôi đã cung cấp thông tin cho WHO và các nước có liên quan một cách kịp thời nhất."

"Chúng tôi đã công bố bản đồ gen [của virus corona] trong thời gian sớm nhất có thể. Chúng tôi đã chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát và điều trị dịch bệnh với thế giới mà không bảo lưu gì."

Chủ tịch Trung Quốc khen WHO

Ông Tập Cận Bình còn thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ông nói, "Dưới sự lãnh đạo của tiến sĩ Tedros, WHO đã có đóng góp to lớn trong lãnh đạo và thúc đẩy phản ứng toàn cầu đối với Covid-19. Công tác tốt của WHO xứng đáng được cộng đồng quốc tế tán dương."

"Trong thời điểm quan trọng này, ủng hộ WHO chính là ủng hộ hợp tác quốc tế cũng như cuộc chiến cứu những sinh mạng.

Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng hỗ trợ về tài chính và chính trị cho WHO, nhằm vận động nguồn lực trên toàn thế giới để đánh bại virus."

Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định nước này sẽ hợp tác với Liên hợp quốc để thiết lập một trạm phản ứng nhân đạo toàn cầu ngay tại Trung Quốc, và chế tạo vắc xin do Trung Quốc phát triển để mang lợi ích cho tất cả.

"Việc phát triển và triển khai vắc xin phòng Covid-19 ở Trung Quốc, khi khả dụng, sẽ làm nên một sự nghiệp công ích toàn cầu," ông Tập nói. "Đây sẽ là cống hiến của Trung Quốc nhằm bảo đảm vắc xin có thể tiếp cận và phù hợp chi phí tại các nước đang phát triển."

Ông nhấn mạnh Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xây dựng trụ sở trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh tại châu Phi. Các bệnh viện ở Trung Quốc cũng "ghép đôi" với 30 bệnh viện của lục địa này.

"Các nước đang phát triển, đặc biệt ở châu Phi, có hệ thống y tế công cộng yếu. Giúp đỡ họ tăng cường tuyến phòng thủ trong cuộc chiến quốc tế chống virus là điều hết sức quan trọng."

Ông Tập cam kết sẽ làm việc với các nước trong nhóm G20 - bao gồm Mỹ, Nga và các nền kinh tế châu Âu - để thực hiện một sáng kiến về xóa nợ cho "các nước nghèo nhất".

Trong khi Mỹ và châu Âu lập kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế, ông Tập nói những nước "mà điều kiện cho phép có thể mở cửa hoạt động thương mại và trường học một cách có trật tự, và tuân thủ những kiến nghị chuyên nghiệp của WHO".

"Đồng thời, hợp tác chính sách kinh tế vĩ mô quốc tế cần phải được tăng cường," ông nói, bổ sung rằng chuỗi cung ứng toàn cầu không nên bị gián đoạn.

WHO sẽ khởi động điều tra độc lập về ứng phó Covid-19

Phát biểu trong cùng hội nghị, Tổng giám đốc WHO Tedros nói ông sẽ khởi động một cuộc đánh giá độc lập về hoạt động ứng phó đại dịch của tổ chức này "vào thời điểm thích hợp sớm nhất".

"Tất cả chúng ta đều có bài học cần rút ra từ đại dịch. Mọi nước và mọi tổ chức phải xem xét phản ứng của mình và rút ra kinh nghiệm từ đó. WHO cam kết minh bạch, trách nhiệm và không ngừng cải hiện," ông Tedros nói.

Thủ tướng Đức Angela Merkel trình bày tại phiên họp rằng đại dịch do virus corona sẽ được khắc phục nhanh chóng hơn nếu thế giới chung tay hành động. Bà nói thêm rằng cần phải nhìn vào và đánh giá liệu các quy trình của WHO có thể được cải thiện thêm hay không.

"WHO là tổ chức hợp pháp, toàn cầu mà tất cả các phương diện đều kết hợp với nhau. Bởi vậy, chúng ta cần phải tiếp tục đánh giá xem có thể cải thiện hơn nữa chức năng của tổ chức như thế nào," bà Merkel nói, bổ sung rằng sự cải thiện này bao gồm bảo đảm WHO có nguồn tài chính ổn định.

Theo Hải Võ

Tổ quốc

Trở lên trên