Covid-19 và những nuối tiếc của Bill Gates
Đại dịch Covid-19 đã phơi bày sự thực là bất kỳ ai – kể cả đó là người giàu thứ hai thế giới như Gates – cũng không thể một mình ngăn chặn đại dịch. Gates gọi đây là "thứ kịch tính nhất trong cuộc đời".
- 24-04-2020Bill Gates chỉ ra những điều cần làm để ngăn chặn đại dịch và mở cửa trở lại nền kinh tế
- 23-04-2020Gần 25.000 email, mật khẩu và dữ liệu của WHO, quỹ Bill & Melinda Gates, Viện virus học Vũ Hán bị hack, sự thật sắp được phơi bày?
- 17-04-2020Vợ chồng Bill Gates đã tích trữ thực phẩm trong tầng hầm từ nhiều năm trước, vì đoán biết đại dịch như Covid-19 kiểu gì cũng xảy ra
5 năm trước, Bill Gates đã cảnh báo rằng mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới hiện nay không phải là chiến tranh mà là đại dịch. Không chỉ nói, tỷ phú hàng đầu thế giới cũng đã hành động: ông chi hàng trăm triệu USD hòng tìm ra những cách nhanh hơn để phát triển vaccine và tạo ra các hệ thống theo dõi bệnh tật. Ông cũng hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới xây dựng khả năng phòng thủ trước các bệnh truyền nhiễm mới cho đất nước của họ.
Nhìn lại quá khứ, Gates cho biết ông "ước gì mình đã làm nhiều hơn để thu hút sự chú ý đến mối đe dọa này". Nhà đồng sáng lập tập đoàn Microsoft hiện đang nỗ lực chống lại kịch bản mà ông cố gắng ngăn chặn.
"Tôi cảm thấy khá tệ", ông chia sẻ với Wall Street Journal. "Cuối cùng thì mục tiêu duy nhất của việc nói lên chuyện đó là chúng ta có thể hành động và giảm thiểu tối đa mức thiệt hại".
Với vai trò là đồng chủ tịch của một trong những quỹ từ thiện giàu có nhất thế giới cam kết cải thiện nền y tế toàn cầu và nền giáo dục Mỹ, Bill Gates tự đặt mình vào trung tâm của nỗ lực chiến đấu với Covid-19, đại dịch đã khiến hơn 283.000 người thiệt mạng và "nghiền nát" kinh tế thế giới.
Quỹ Bill&Melinda Gates hiện đang hỗ trợ tài chính cho các nhà nghiên cứu tìm kiếm những liệu pháp chữa trị, đồng thời phối hợp với lãnh đạo các công ty dược và các chính phủ để theo đuổi mục tiêu sản xuất hàng tỷ liều vaccine có thể ngăn chặn Covid-19 càng sớm càng tốt.
Trên blog cá nhân của Bill Gates thường xuyên cập nhật những bài viết chia sẻ quan điểm của ông về dịch bệnh, ví dụ như giải thích những logic đằng sau các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn virus lây lan và vì sao các nước phải mở cửa nền kinh tế cũng như trường học một cách rất thận trọng. "Covid-19 ngày càng giống với mầm bệnh "trăm năm có một" mà chúng tôi từng lo lắng sẽ xuất hiện", Gates viết trong 1 bài báo xuất bản trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine hồi tháng 2.
Tuy nhiên, chính sự nổi bật của ông trong đại dịch lại khiến Gates trở thành mục tiêu tấn công của các thuyết âm mưu và những nhóm chống vaccine.
Một số chuyên gia về y tế cộng đồng phê phán Gates và quỹ của ông nhiều lần tự phong cho mình vai trò tiên phong. Với nguồn tài chính dồi dào, có nhiều trường hợp quỹ Bill&Melinda Gates đang tự quyết định căn bệnh nào nên được ưu tiên và cả cách thế giới đối phó với bệnh tật.
Đáp lại, Gates nói: "Tất cả những gì chúng tôi đang làm là chi tiền và chia sẻ ý kiến của mình. Chúng tôi không đưa ra quyết định".
Đại dịch Covid-19 đã phơi bày sự thực là bất kỳ ai – kể cả đó là người giàu thứ hai thế giới như Gates – cũng không thể một mình ngăn chặn đại dịch. Gates gọi đây là "thứ kịch tính nhất trong cuộc đời". Dịch bệnh đã làm gián đoạn nỗ lực diệt trừ bệnh bại liệt, tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ em ở các nước thu nhập thấp và những ưu tiên dài hạn của quỹ Bill&Melinda Gates, mặc dù vấn đề không phải là thiếu tiền.
Cho đến nay quỹ từ thiện của Bill Gates đã cam kết chi 305 triệu USD cho việc tìm kiếm vaccine và thuốc điều trị Covid-19, ngoài ra còn tài trợ để các nước có thu nhập thấp có thể tiếp cận thuốc men và vật tư y tế. Gates cho rằng cho đến khi đại dịch kết thúc thì số tiền sẽ lớn hơn gấp nhiều lần.
Năm 2000, Gates cùng vợ, Melinda Gates, lập ra quỹ từ thiện với mục tiêu hàng đầu là tìm ra và thúc đẩy những sáng kiến về y sinh để chống lại các bệnh truyền nhiễm. Năm 2014, sau khi dịch Ebola khiến ít nhất 11.300 người thiệt mạng trên toàn thế giới, mục tiêu của quỹ càng tập trung nhiều hơn vào dịch bệnh.
"Toàn thế giới không hề chuẩn bị cho đại dịch", Gates từng nhận địn trong 1 bài phỏng vấn tháng 11/2014 với Wall Street Journal. "Chúng ta phải làm gì để đối phó với 1 dịch bệnh như SARS, dịch SARS phiên bản II", ông đặt câu hỏi, nhắc đến dịch bệnh xảy ra năm 2002-2003 cũng do 1 loại virus corona gây ra.
Đến tháng 3/2015, trong 1 bài chia sẻ Ted Talk được chia sẻ rộng rãi, ông cũng cảnh báo 1 đại dịch còn đe dọa thế giới nhiều hơn cả 1 cuộc chiến tranh hạt nhân vì các quốc gia có quá ít biện pháp phòng vệ. Ông kêu gọi phát triển 1 hệ thống cảnh báo và phản ứng tầm cỡ quốc tế với các "đơn vị di động" gồm nhân sự y tế, thiết bị chẩn đoán nhanh, thuốc men dự trữ và cả công nghệ để có thể sản xuất vaccine chỉ trong vài tháng.
"Đại dịch là một trong số rất ít các tai họa có thể kéo lùi thế giới đáng kể trong vài thập kỷ tới", ông viết trên tạp chí y khoa.
Gates cũng đồng quan điểm với các chuyên gia y tế toàn cầu rằng các nước cần có hệ thống y tế công tốt hơn. Ông đã giải thích nguy cơ này với các ứng viên Tổng thống trong bầu cử Mỹ 2016, kêu gọi họ đặt mục tiêu chuẩn bị cho đại dịch là ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Ông cũng nhắc lại điều này với Tổng thống Trump tại cuộc gặp ở Trump Tower hồi tháng 12/2016.
Tại Hội nghị an ninh Munich năm 2017, ông nói "sẵn sàng ứng phó với đại dịch toàn cầu cũng quan trọng như phi hạt nhân hóa và chống biến đổi khí hậu".
Ở thời điểm đó quỹ Bill&Melinda Gates đã cam kết cùng với các chính phủ và một số quỹ từ thiện khác đầu tư 100 triệu USD vào nghiên cứu và phát triển vaccine chống bệnh truyền nhiễm mới. Những vaccine này rất đắt đỏ và sẽ không mang lại lợi nhuận.
Gates thường xuyên nói về vấn đề này với lãnh đạo các nước, sử dụng những chiến dịch từ thiện của mình làm chất xúc tác. Nhiều nhà lãnh đạo đồng tình với ông, nhưng vì đây không phải là 1 mối nguy hiển hiện rõ ràng, hầu hết các nước do dự không muốn bỏ ra số tiền lớn. "Tôi ước rằng những cảnh báo mà tôi và những người khác đưa ra đã tạo nên làn sóng phối hợp hành động mạnh mẽ hơn trên toàn cầu", Gates nói.
Nản chí với sự chậm trễ ở nước ngoài, Gates quay về với 1 dự án ở gần quê nhà. Ông muốn biết đâu là cách tốt nhất để làm chậm quá trình lây truyền bệnh của những loại virus gây bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp và có thể tạo ra đại dịch.
"Bất cứ khi nào tôi hỏi về virus đường hô hấp, ví dụ như trường học quan trọng đến đâu, liệu có thể đóng cửa trường học, liệu có thể ngăn mức độ lây nhiễm đến đâu, và thậm chí khẩu trang thực sự hữu ích hay không... tôi đều nhận được những câu trả lời không rõ ràng", ông chia sẻ.
Năm 2018, Gates đã đầu tư hơn 20 triệu USD cho 1 nghiên cứu nhằm tìm ra những cách tốt hơn để xét nghiệm cúm, sử dụng bộ gen để theo dấu mầm bệnh và ngăn chặn sự lây lan. Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu xét nghiệm các mẫu bệnh cúm từ bệnh nhân ở khu vực Seattle.
Hồi giữa tháng 1, khi Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán, Gates đã bắt đầu "truy nã" các nhà khoa học trong quỹ từ thiện của mình bằng những câu hỏi: Loại thuốc nào mang nhiều triển vọng nhất? Bao giờ mới có vaccine? Liệu quỹ có thể giúp tăng tốc quá trình thử nghiệm vaccine?
Giữa tháng 2, ông tổ chức 1 cuộc họp với các chuyên gia dịch tễ và chuyên gia y tế. Sau khi nghe chia sẻ từ các chuyên gia, ông nói với các nhân viên rằng có lẽ khả năng Covid-19 được kiềm chế và chỉ tồn tại ở Trung Quốc là chưa đến 25%. Khi Gates nhìn thấy dịch bệnh lan sang các nước khác, ông đã hỏi các nhà khoa học cũng như các công ty dược về năng lực xét nghiệm của Mỹ, kế hoạch phát triển vaccine và quỹ của ông có thể giúp ích bằng cách nào.
Đến cuối tháng 2, những nhà nghiên cứu về cúm ở Seattle (lúc này dự án đã bước sang năm thứ 2) phát hiện ra virus Covid-19 trong mẫu bệnh của 1 cậu bé tuổi teen. Các phân tích về gene cho thấy ca bệnh này có thể lây nhiễm từ cộng đồng. Và cũng trong tuần đó, cơ quan y tế Mỹ phát hiện Covid-19 bùng phát ở nhà dưỡng lão Kirkland, cách nhà Bill Gates 11 dặm.
Lời cảnh báo từ nhiều năm nay của Gates đã trở thành hiện thực.
Vài tuần gần đây, cả trên báo chí và từ một số nhà bình luận xuất hiện quan điểm cho rằng Gates làm từ thiện là để đánh bóng tên tuổi, chôn vùi tai tiếng là 1 nhà tư bản thô lỗ, và ông đang bảo vệ Trung Quốc khi nói rằng lời kêu gọi điều tra phản ứng của Bắc Kinh với dịch bệnh là "nỗ lực chệch hướng".
Ngày 15/4, dòng tweet bảo vệ WHO của ông bị chỉ trích nặng nề. Sau khi Tổng thống Trump thông báo cắt viện trợ cho WHO, Gates viết: "Chúng ta cần WHO, chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch mà WHO đóng vai trò quan trọng, chúng ta cần nhiều tài nguyên hơn". Quỹ của ông là nhà tài trợ lớn thứ hai của WHO.
Thậm chí trên Facebook xuất hiện những thuyết âm mưu điên rồ hơn, rằng ông muốn cấy chip vào người dân để theo dõi những người đã được xét nghiệm Covid-19. Facebook đã khẳng định đây là thông tin sai lệch. Nhưng lập luận chung của những câu chuyện này là ông đang tìm cách hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng Covid-19.
Gates Foundation ra đời với sứ mệnh giảm thiểu chênh lệch giàu nghèo trên toàn thế giới bằng cách cải thiện hệ thống y tế và giáo dục. Quỹ tập trung vào các bệnh truyền nhiễm một phần là bởi các công ty dược không có động lực đầu tư vào mảng này vì mang lại quá ít lợi nhuận so với thuốc chữa ung thư và các bệnh mãn tính khác.
Ngoài khoản chi 305 triệu USD cho Covid-19, từ tháng 8/2014, quỹ đã chi 235 triệu USD cho công tác chuẩn bị ứng phó đại dịch và phản ứng trực tiếp với một số dịch bệnh.