MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa - sẵn sàng thay đổi, vững vàng tăng trưởng

10-02-2020 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Ngày 3/2/2020, HĐQT CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar, HOSE: SBT) chính thức thông qua quyết định bổ nhiệm bà Đoàn Vũ Uyên Duyên giữ chức vụ Quyền Phó Tổng Giám đốc thường trực và bà Nguyễn Thị Phương Thảo giữ chức vụ Quyền Giám đốc Tài chính, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư chiến lược.

Bà Đoàn Vũ Uyên Duyên tốt nghiệp cử nhân Kinh tế & Kế toán, Đại học Greenwich, Anh và Thạc sĩ về Kinh doanh quốc tế và Quản lý công nghệ tại Viện Công nghệ châu Á, Thái Lan. Với nền tảng kiến thức chuyên sâu về tài chính quốc tế cùng nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các tổ chức lớn trong và ngoài nước, bà đã hoàn tất xây dựng quy trình và tinh gọn bộ máy vận hành của SBT sau sáp nhập với Công ty Đường Biên Hòa và hoàn thiện xây dựng, chuẩn hoá hệ thống báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế (IFRS), đồng thời đưa vào vận hành trên nền tảng ứng dụng trong niên độ 2018 - 2019 song song với việc đào tạo nguồn nhân lực tinh nhuệ, năng động, sẵn sàng cho việc hội nhập quốc tế.

Năm 2019, bà Duyên cũng đã tham gia trong việc lựa chọn, thương thảo với nhà đầu tư chiến lược DEG - Quỹ Đầu tư của Chính phủ Đức và đạt được những thành tựu nhất định khi đã thành công huy động được gần 650 tỷ đồng từ tổ chức này, nhờ vậy, niên độ 2018 - 2019 vừa qua, cơ cấu nguồn vốn của SBT đã được cải thiện đáng kể theo phong cách mới. Với kinh nghiệm của mình, trên cương vị mới Quyền Phó Tổng Giám đốc thường trực, bà Duyên được tin tưởng sẽ tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của SBT theo hướng bền vững và hội nhập.

Gia nhập Tập đoàn TTC từ 2009 đến nay, Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Quyền Giám đốc Tài chính đã có nhiều năm kinh nghiệm về quản lý tài chính tại nhiều lĩnh vực từ xây dựng, bất động sản, đầu tư đến nông nghiệp qua nhiều lần gọi vốn thành công từ các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư trong nước và ngoài nước để bổ sung nguồn vốn phục vụ cho hoạt động của Công ty. Với những am hiểu sâu sắc về thị trường vốn, và kinh nghiệm trong việc quản lý dòng tiền, công nợ, cũng như quản lý ngân sách và kiểm soát chi phí của mình bà Thảo được kỳ vọng sẽ giúp Công ty xây dựng được một cấu trúc tài chính khỏe mạnh, từ đó sẵn sàng hợp tác với các đối tác đầu tư chiến lược phù hợp nhằm tối ưu hóa các kênh huy động cũng như tái cấu trúc lại danh mục nguồn vốn theo hướng cân bằng, linh hoạt và ổn định hơn.

Định hướng chiến lược của SBT là trở thành Công ty Nông nghiệp hàng đầu Việt Nam và khu vực, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, thông qua hệ thống sản xuất và phân phối bền vững. Theo đó, bên cạnh sự nỗ lực đến từ phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị phần thì việc tái cơ cấu, cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn bộ máy, tối ưu hóa chi phí sau M&A cũng là những mục tiêu quan trọng SBT đang hướng tới và đã đạt được những thành tựu đáng kể.

Tại thời điểm hiện tại, Việt Nam đang trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư mới tại Đông Nam Á. Trong năm 2019, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là con số cao nhất trong vòng 10 năm gần đây của Việt Nam (theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT). Trên thực tế, một trong những vấn đề mà nhà đầu tư khối ngoại quan tâm nhiều nhất trước khi đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam là sự minh bạch trong quản trị công ty. Vì vậy, SBT đã sớm có những sự chuẩn bị kỹ càng khi đang từng bước tuân thủ các quy chuẩn quốc tế khắt khe nhằm sẵn sàng đón chào các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa - sẵn sàng thay đổi, vững vàng tăng trưởng - Ảnh 1.

SBT đã có những sự chuẩn bị kỹ càng sẵn sàng đón chào các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài

Để việc tái cấu trúc được thực hiện một cách chuyên nghiệp và hiệu quả, từ tháng 1/2018, Deloitte Đông Nam Á cũng đã trở thành nhà tư vấn chiến lược của SBT thông qua dự án "Strategy Review" nhằm tái cơ cấu mô hình hoạt động, gia tăng sức cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng trong tương lai của Công ty.

Chỉ trong vòng 6 tháng sau đó tức tháng 6/2018, dự án đã hoàn thành toàn bộ các bước và đã được đi vào triển khai thực hiện, từ niên độ 2020 - 2021, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp dự kiến sẽ được tiết giảm từ 15 - 20% so với niên độ trước. Điều này sẽ giúp SBT gia tăng năng lực cạnh tranh, nắm bắt cơ hội tăng trưởng trong giai đoạn hội nhập.

Bên cạnh đó, đồng hành cùng SBT trong năm qua còn có IFC - Đơn vị tư vấn chuyên nghiệp nhằm hỗ trợ cải thiện, nâng cao chất lượng, năng lực, tính giải trình và công bố thông tin hướng đến các chuẩn mực quốc tế về chứng khoán. Đáng chú ý là việc tích hợp hệ thống kế toán từ chuẩn mực kế toán Việt Nam - VAS và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế - IFRS đã được thực hiện và đang ở bước cuối cùng nhằm hoàn thành việc phát hành báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS cho niên độ 2018 - 2019. Đây là bước đệm vững chắc giúp cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có thêm cơ sở để đồng hành và gắn bó lâu dài với sự phát triển của Công ty. Hiện nay, SBT được biết đến là một trong những số ít các doanh nghiệp tại Việt Nam đã đi đầu trong việc chuyển đổi hệ thống kế toán theo tiêu chuẩn quốc tế này.

Bên cạnh việc tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, việc quản trị công ty tại SBT đang được HĐQT từng bước tích hợp và áp dụng linh hoạt các chuẩn mực cao hơn yêu cầu tối thiểu, các thông lệ tốt trên thị trường được đúc kết từ các bộ nguyên tắc quản trị công ty đang áp dụng trên thế giới; sao cho phù hợp với bối cảnh hoạt động tại Việt Nam cũng như lĩnh vực kinh doanh mía đường trong giai đoạn nhiều khó khăn vừa qua.

Bên cạnh đó, để hiệu quả mang lại cho cổ đông ngày càng thiết thực, SBT cũng đã áp dụng chuẩn mực công bố thông tin theo ASEAN Scorecard với 2 ngôn ngữ Việt - Anh với nỗ lực đảm bảo quyền lợi không chỉ cho cổ đông trong nước mà cả cổ đông nước ngoài. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra nhiều nhất có thể những cơ hội để Công ty tiếp cận và tối ưu hóa được thị trường vốn đặc biệt là phát triển mạnh nguồn vốn quốc tế.

Việc tuân theo hàng loạt các quy chuẩn khắt khe quốc tế đã phần nào giúp SBT tiếp cận gần hơn với các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tiêu biểu trong niên độ vừa qua là việc huy động thành công gần 650 tỷ đồng từ DEG vào tháng 9/2019.

Trên thực tế, đầu tư vào SBT là thương vụ đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp của DEG tại thị trường Việt Nam, vì vậy, để thương vụ được thành công, bên cạnh các cam kết chặt chẽ về chỉ số tài chính như cấu trúc vốn, hệ số thanh khoản, chi trả cổ tức, khả năng sinh lời… SBT còn phải đáp ứng và tuân thủ các tiêu chuẩn phi tài chính khác. Trong quá trình đàm phán, DEG thực hiện thẩm định toàn bộ những thông tin phi tài chính liên quan đến quản trị, chuẩn mực công bố thông tin, môi trường, xã hội, cũng như sự đánh giá độc lập từ một bên thứ ba về mặt môi trường xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu của DEG… Định kỳ, Công ty phải có kế hoạch xây dựng, thực hiện và hoạt động theo những tiêu chuẩn về môi trường và xã hội của địa phương; Bộ tiêu chuẩn hoạt động môi trường và xã hội của IFC; Tiêu chuẩn lao động cơ bản của Tổ chức Lao động thế giới… Đây vừa là một thách thức không nhỏ, nhưng đồng thời cũng chính là cơ hội để Công ty hướng tới và đáp ứng những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc đến năm 2030.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên