MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cụ bà 86 tuổi vẫn chinh chiến công ty nghìn tỷ: Giá cổ phiếu luôn 3 con số, cổ tức đều đặn 50%/năm nhưng DN vừa đánh mất chuỗi lãi trăm tỷ/quý

01-02-2024 - 16:32 PM | Doanh nghiệp

Cụ bà 86 tuổi vẫn chinh chiến công ty nghìn tỷ: Giá cổ phiếu luôn 3 con số, cổ tức đều đặn 50%/năm nhưng DN vừa đánh mất chuỗi lãi trăm tỷ/quý

Bà Thái sinh năm 1939, bà là một doanh nhân tuổi Mão, năm nay bước sang tuổi 86 - người lớn tuổi nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

“Gừng càng già càng cay”, ca dao tục ngữ dân gian dùng tính chất của củ gừng để nói đến những người lão luyện luôn tinh tường và sắc sảo, trong cả đời sống lẫn kinh doanh. Và trên thị trường chứng khoán, cũng có một vài doanh nghiệp đúng bản chất “gừng càng già càng cay”, có thể kể đến bà Trần Thị Thái - một nữ doanh nhân lão làng trong ngành mía đường và là lãnh đạo tại Mía đường Sơn La (SLS).

Được biết, bà Thái sinh năm 1939, bà là một doanh nhân tuổi Mão, năm nay bước sang tuổi 86 - người lớn tuổi nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Bà Thái hiện nay vẫn có tên trong ban quản trị của một loạt doanh nghiệp mía đường như CTCP Đường Kon Tum – KTS (bà Thái hiện là mẹ ruột của Chủ tịch Đặng Việt Anh và là Chị ruột của Thành viên HĐQT Trần Ngọc Hiếu), CTCP Mía đường Sơn La (SLS), Mía đường Cần Thơ (bà Thái là chị ruột của Chủ tịch HĐQT Trần Ngọc Hiếu)…

Với tư cách cá nhân, bà Thái đang nắm giữ 27,4% cổ phần của Mía đường Sơn La, 3% Mía đường Kon Tum và sở hữu tại Mía đường Cần Thơ… Trong đó Mía đường Sơn La là được chú ý nhất khi còn có cả những người trong gia đình bà Thái nắm quyền lớn.

Bà Thái hiện là cổ đông lớn nhất của Mía đường Sơn la với gần 2,7 triệu cổ phiếu SLS đang nắm giữ. Công ty TNHH Thái Liên do bà Trần Thị Liên, em gái bà Thái, làm đại diện theo pháp luật là cổ đông lớn thứ 2, theo sau là ông Đặng Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Mía đường Sơn La. Tổng nhóm này nắm 52,27% cổ phần của SLS.

Còn Mía đường Sơn La (SLS), cũng là một trong những doanh nghiệp “lão làng” của ngành đường khi sớm thành lập từ năm 1995. Trong suốt hành trình của mình, SLS đã đi qua những thăng trầm, đáng chú ý giai đoạn 1997 - 2006 tình hình hoạt động sản xuất của Công ty kém hiệu quả có chiều hướng đi xuống và có nhiều khả năng phải phá sản. Song, đến nay SLS được biết đến là một trong những đơn vị kinh doanh ổn định, chi trả cổ tức đều đặn hàng năm cho cổ đông.

SLS vừa công bố KQKD quý 2 niên vụ 2023-2024 với doanh thu thuần chỉ đạt 187,9 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ niên vụ trước. Trong kỳ, nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến gấp 3,4 lần, nhờ đó lãi ròng Công ty thu về 70 tỷ - giảm 35% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Đây là quý có lợi nhuận thấp nhất trong 6 quý trở lại đây của SLS, chính thức mất chuỗi “lãi trên trăm tỷ” kéo dài liên tục từ quý 2 niên độ 2022-2023.

Dù vậy, lũy kế 2 quý đầu niên độ, SLS vẫn vượt 38% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Cần nhấn mạnh, lãi giảm song vẫn sớm vượt chỉ tiêu do SLS đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng (giảm 74% so với mức nền cao kỷ lục của niên độ 2022-2023). Không chỉ lo ngại EI Nino, trong niên vụ này doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục đầu tư để phát triển vùng nguyên liệu.

Cụ bà 86 tuổi vẫn chinh chiến công ty nghìn tỷ: Giá cổ phiếu luôn 3 con số, cổ tức đều đặn 50%/năm nhưng DN vừa đánh mất chuỗi lãi trăm tỷ/quý - Ảnh 1.

Nhìn giai đoạn dài hơn, lợi nhuận của SLS những năm qua tương đối ổn định theo chu kỳ của giá đường (mía đường là ngành có tính chu kỳ) và trong xu hướng tăng dần. Đặc biệt những quý gần đây, Công ty “bỏ túi” đều đặn hàng trăm tỷ lợi nhuận. Riêng quý 4 niên độ 2022-2023 đột biến lên 523 tỷ đồng nhờ giá đường tăng mạnh.

Ghi nhận, giá đường thô thế giới ghi nhận nhịp tăng "thẳng đứng" kể từ đầu tháng 4/2023, chạm 23,94 US cent/lb vào ngày 14/4 và cũng là mức cao nhất kể từ quý 1/2012. Tại thị trường trong nước, hưởng lợi từ giá đường thế giới tăng cao, giá nguyên liệu mía đường cũng đang tiếp nối đà tăng của thế giới.

Kinh doanh ổn định, doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi bà Trần Thị Thái còn được biết đến là doanh nghiệp có truyền thống chi trả cổ tức đều đặn và ở mức cao. Kể từ khi lên sàn năm 2012, chưa năm nào SLS quên chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Những năm gần đây, tỷ lệ chi trả thường lên đến trên 50%.

Bên cạnh truyền thống chi trả cổ tức, SLS còn được nhà đầu tư chú ý khi thường xuyên duy trì EPS cao trên 10.000 đồng. Một trong những lợi thế giúp SLS đạt được kết quả này đến từ việc được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp do hoạt động trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Không chỉ lãi đều trăm tỷ/năm, EPS ở mức cao, trên thị trường chứng khoán, bất chấp thị trường biến động mạnh, mã chứng khoán SLS trong cả năm qua giao dịch ở mức giá trên 100.000 đồng/cp, trụ vững trong nhóm cổ phiếu "giá 3 chữ số".

Như vậy, niêm yết từ năm 2012, mã SLS lại có thể xem là cổ phiếu thâm niên trên sàn và luôn nằm trong Top cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất toàn thị trường.

Cụ bà 86 tuổi vẫn chinh chiến công ty nghìn tỷ: Giá cổ phiếu luôn 3 con số, cổ tức đều đặn 50%/năm nhưng DN vừa đánh mất chuỗi lãi trăm tỷ/quý - Ảnh 2.

Tri Túc

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên