Cú hích mới cho thị trường bất động sản
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 164/NQ-CP ngày 5/11/2020 về việc tháo gỡ một số vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị. Liệu Nghị quyết này có mở được nút thắt cho thị trường BĐS vốn chồng chéo Luật.
Theo Nghị quyết, trong thời gian qua, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu đô thị đang gặp khó khăn vướng mắc về trình tự thủ tục đầu tư của dự án giữa Luật đầu tư năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Theo Nghị quyết mới này, có những "nút thắt" được tháo gỡ cho các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị. Cụ thể:
Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014; các dự án này không phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư theo quyết định của Nghị định số 11/2013.
Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật nhà ở năm 2014 đồng thời được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định 11, các dự án thực hiện theo quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014 và quyết định chấp thuận đầu tư của Nghị định số 11.
Đối với các dự án chưa hoặc đang thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014 và không phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định 11.
Trước khi có Nghị quyết 164/NQ-CP, để tiến hành thủ tục đầu tư trong lĩnh vực xây dựng đô thị, các doanh nghiệp sẽ buộc phải tuân thủ cả hai loại thủ tục: một là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư (hoặc dưới hình thức văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP hoặc dưới hình thức quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư 2014) và hai là thủ tục chấp thuận đầu tư theo Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.
Trả lời trên báo chí, TS. Lê Thành Vinh, Giám đốc Công ty Luật TNHH T&P cho rằng, Sự chồng chéo này vừa gây lãng phí và chậm trễ về thủ tục, vừa khiến ách tắc và suy giảm về nguồn cung, và là một trong những yếu tố chính khiến giá bất động sản đô thị leo thang trong thời gian qua.
Do đó, Nghị quyết 164/NQ-CP đã tháo được nút thắt pháp lý. Mặc dù ra đời khá muộn, nhưng Nghị quyết này đã đưa ra phương án tháo gỡ dứt khoát cho vấn đề chồng chéo trong các luật.
Theo Nghị quyết này, việc áp dụng thủ tục đầu tư dự án đầu tư khu đô thị kể từ ngày 01/7/2015 (ngày có hiệu lực của Luật Nhà ở 2014 và Luật Đầu tư 2014) cho đến ngày Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực (tức 01/01/2020) sẽ thực hiện theo hướng chỉ áp dụng theo thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở 2014 hoặc Luật Đầu tư 2014 chứ không áp dụng thêm thủ tục chấp thuận đầu tư dự án khu đô thị theo Nghị định 11.
Điều này không chỉ giúp cắt giảm một khối lượng lớn thủ tục hành chính không cần thiết cho chủ đầu tư mà còn tạo ra sự ổn định tâm lý cho thị trường. Sẽ không còn ai đặt vấn đề đối với những dự án chưa hoàn thành thủ tục chấp thuận đầu tư dự án theo Nghị định 11 nữa.
Như vậy, theo ông Vinh với hàng loạt văn bản như Nghị định số 25/2020/NĐ-CP về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được ban hành từ đầu năm, Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn Nghị định này, Nghị quyết 164 và Luật Đầu tư 2020, có thể thấy rằng một số điểm nghẽn pháp lý quan trọng của thị trường BĐS tồn tại trong nhiều năm qua đã bước đầu được khơi thông.
Tuy nhiên, thị trường còn cần Chính phủ và Quốc hội giải quyết nhanh chóng nhiều điểm nghẽn căn cơ khác trong các bộ luật liên quan tới đầu tư xây dựng BĐS, đặc biệt là Luật Đất đai thì mới mong giải quyết được triệt để bài toán phát triển thị trường BĐS.