Cú "lội ngược dòng" ngoạn mục của đồng rúp sau khi bị Tổng thống Mỹ Biden chế giễu là "đống đổ nát", EU sẽ phải tìm giải pháp khác nếu vẫn muốn "tấn công" đồng tiền của Nga
Những biện pháp trừng phạt từ các nước phương Tây đã khiến giá trị đồng rúp suy yếu trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng đồng tiền này đã "qua cơn nguy kịch".
- 05-04-2022Ông Putin tung thêm "đòn hiểm": Nga có thể trả tiền thuê máy bay nước ngoài bằng đồng rúp
- 04-04-2022Tránh "cơn ác mộng" bị khóa van, một nước EU vừa chấp nhận thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp
- 03-04-2022Điện Kremlin giải thích yêu cầu thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp: "Để phương Tây không cố cướp tiền của chúng tôi lần nữa"
Vươn mình trước nghịch cảnh
Trong thời gian vừa qua, những biện pháp trừng phạt từ các nước phương Tây đối với Điện Kremlin đã đẩy tỷ giá đồng tiền của nước này xuống mức thấp kỷ lục là 121,5 Rúp/USD. Điều này đã gợi lại những ký ức về cuộc khủng hoảng tài chính của Nga năm 1998. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng đồng rúp đã bị suy yếu đến mức thành "đống đổ nát".
Tuy nhiên, viễn cảnh đó hiện vẫn chưa xảy ra. Tỉ giá hối đoái của đồng rúp đã tăng trở lại mức trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đóng cửa ở mức 79,7 Rúp/USD tại Moscow vào hôm 6/3.
EU đã liên tục đưa ra các gói trừng phạt cực kỳ rộng đối với chính phủ và các nhà tài phiệt, thêm vào đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đồng loạt rút lui khỏi thị trường Nga. Nhưng các hành động này phần lớn là vô ích nếu các quốc gia khác vẫn tiếp tục mua dầu và khí đốt tự nhiên của Nga, tạo điều kiện cho đồng rúp phục hồi.
Ngay cả khi Nga hầu như bị "cô lập" khỏi nền kinh tế toàn cầu, Bloomberg Economics dự kiến nước này vẫn sẽ kiếm được gần 321 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng trong năm nay, tăng hơn 1/3 so với năm 2021.
"Đối với các chính trị gia, đó là một công cụ tốt để thể hiện rằng các lệnh trừng phạt không có bất kỳ tác động nào. Và nó sẽ giúp hạn chế ảnh hưởng của lạm phát", Guillaume Tresca, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi tại Generali Insurance Asset Management, cho biết.
Đồng tiền trải qua nhiều thăng trầm
Trong lịch sử của Nga, tỷ giá hối đoái đồng Rúp/USD được cho là chỉ số kinh tế mà người dân nước này quan tâm nhất. Tỷ giá này được thông báo từ các ki-ốt đổi tiền mọc lên ở khắp các thị trấn và thành phố, đánh dấu sự sụp đổ của tiền tệ khi siêu lạm phát bùng nổ vào đầu những năm 1990. Đồng rúp khi đó giảm sâu trong bối cảnh Nga vật lộn trong khủng hoảng nợ công vào năm 1998.
Sau khi sự hỗn loạn đó lắng xuống, chính phủ Nga đã bỏ đi ba số không trong mệnh giá và giới thiệu một loại tiền tệ mới. Sau đó, trong cuộc khủng hoảng năm 2008, các nhà chức trách đã "đốt" hàng tỷ USD với hy vọng làm chậm đà trượt giá của tiền tệ, một phần là để tránh làm ảnh hưởng đến người dân và gây ra tình trạng chạy đua cho các ngân hàng của quốc gia.
Vào năm 2014, khi các lệnh trừng phạt về việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và giá dầu sụt giảm liên tục gây áp lực cho nước này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina đã đưa ra một quyết định mạo hiểm. Bà đã không sử dụng tới các biện pháp kiểm soát vốn theo lời ông Putin mà để mặc cho đồng rúp mất giá tự do và lạm phát tăng vọt.
Nhưng sau đó, tình hình dần ổn định trở lại đã cho thấy những chiến lược của bà khi đó là chính xác. Nga trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới trong việc tích luỹ được dự trữ ngoại hối và vàng. Bên cạnh đó, xử lý mạnh tay đối với việc sử dụng vốn không phù hợp tại các ngân hàng thương mại, và đưa lạm phát ở Nga về mức thấp nhất kể từ khi Liên Xô tan rã.
Để đối phó với các lệnh trừng phạt năm nay, Nga đã ban hành các biện pháp kiểm soát vốn, động thái này dường như cũng hỗ trợ đồng rúp. Trong đó, điển hình là việc đóng băng tài sản, không để các khoản đầu tư nước ngoài rút ra khỏi nước này và yêu cầu các công ty Nga chuyển 80% ngoại tệ mà họ nắm giữ thành đồng rúp.
Thị trường khó đoán
Nhiều quốc gia vẫn đang "ném phao cứu sinh" cho Nga bằng cách mua dầu và khí đốt của nước này. Điều này đã giúp Nga nâng giá đồng tiền của quốc gia, đồng thời làm suy yếu các biện pháp trừng phạt. Brendan McKenna, chiến lược gia tại Wells Fargo Securities LLC, cho biết: "Nếu giá năng lượng vẫn ở mức cao trong khi các nhà nhập khẩu năng lượng và hàng hóa lớn của Nga tiếp tục mua, thì tài khoản vãng lai sẽ thặng dư". Ông nói rằng tỷ giá có thể chạm mức 78 Rúp/USD một phần là do các động thái đáp trả lệnh trừng phạt từ Điện Kremlin.
Nga đã ổn định được thị trường địa phương và thậm chí ngăn chặn tình trạng khủng hoảng nợ ở nước ngoài, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Điều này đồng nghĩa với việc nếu EU muốn "tấn công" đồng rúp một lần nữa, họ sẽ phải tìm cách khác. Chỉ trong tuần này, Bộ Tài chính Mỹ đã cấm tài khoản của Nga thanh toán các khoản nợ bằng đồng USD tại ngân hàng của Mỹ.
Elina Ribakova và Benjamin Hilgenstock, các nhà kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế cho biết: "Khi nền kinh tế và khu vực tài chính của Nga thích ứng với trạng thái cân bằng mới về kiểm soát vốn, quản lý được giá cả và tự chủ nền kinh tế, không có gì ngạc nhiên khi một số thị trường trong nước ổn định. Các biện pháp trừng phạt đã trở thành một mục tiêu di động và cần được điều chỉnh theo thời gian để duy trì hiệu quả".
Các nhà kinh tế dự đoán EU nhiều khả năng sẽ siết chặt hơn các biện pháp trừng phạt tài chính, thậm chí có thể loại bỏ các tổ chức tài chính và doanh nghiệp nhà nước của Nga khỏi SWIFT, một hệ thống mà các ngân hàng sử dụng để chuyển tiền trên khắp thế giới. Công ty nghiên cứu Tellimer Ltd. đã đưa ra cảnh báo các nhà đầu tư không nên tin tưởng vào sự phục hồi của thị trường trong bối cảnh các cuộc đàm phán về căng thẳng Nga-Ukraine đang diễn ra.
Paul Domjan, một nhà phân tích cấp cao tại Tellimer cho biết: "Các nhà đầu tư nên hết sức thận trọng về các đợt phục hồi của thị trường sau tin tức về các cuộc đàm phán hòa bình. Hướng đi của thị trường chưa chắc đã tích cực như bề ngoài khi thế giới đang tìm mọi cách để kết thúc cuộc chiến này".