MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cứ mỗi lần sửa Luật hoặc tạm lắng vì dịch, thị trường BĐS lại mạnh mẽ “bật dậy”

12-10-2021 - 11:59 AM | Bất động sản

Cứ mỗi lần sửa Luật hoặc tạm lắng vì dịch, thị trường BĐS lại mạnh mẽ “bật dậy”

Theo các chuyên gia, thị trường địa ốc đang đứng trước cơ hội vàng để phục hồi, khi dịch bệnh được kiểm soát, quá trình tiêm vaccine trên diện rộng đang xúc tiến nhanh chóng, các hoạt động sản xuất kinh doanh mở cửa trở lại, nhiều giải pháp kích thích nền kinh tế được Chính phủ chuẩn bị triển khai, lãi suất vay mua nhà duy trì ở mức thấp, pháp lý dần được tháo gỡ và dòng tiền dồi dào vẫn đang chuẩn bị đổ vào thị trường.

Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) khẳng định, kinh nghiệm nhận thấy, trong những giai đoạn phát triển vừa qua, cứ sau khi sửa đổi luật thì thị trường BĐS chắc chắn sẽ bùng nổ.

Theo ông Khởi, 6 tháng đầu năm 2021 có tới 55 ngàn giao dịch bất động sản, trong khi đó cả năm 2020 chỉ có 43 ngàn giao dịch. Dù dịch Covid-19, nhưng thị trường bất động sản nhận được sự quan tâm rất lớn. Ba năm vừa rồi, giá bất động vẫn tăng, một số khu vực vừa rồi tăng "nóng" đó là đất nền. Tuy nhiên, việc tăng "nóng" này là do một số nhóm nhà môi giới, đầu cơ, kích cầu nên giá đã nhanh chóng tụt xuống.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, thị trường bất động sản cho thấy những tín hiệu lạc quan thời gian qua và khi dịch Covid-19 được kiểm soát, dự báo sẽ bùng lên. Khi Hà Nội, Tp.HCM và một số địa phương đang từng bước nới lỏng giãn cách khi dịch bệnh dần được khống chế thì thị trường cho thấy sự quan tâm đang trở lại, thậm chí sẽ xuất hiện tâm lý "mua sắm trả thù".

Theo ông Khởi, lĩnh vực này vẫn còn gặp một số bất cập trong pháp lý, cần phải cải thiện trong thời gian tới. Bộ Xây dựng hiện đang trong quá xây dựng, hoàn thiện một số Nghị định về lĩnh vực bất động sản để trình Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đang đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản nhằm hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đang chuẩn bị trình Quốc hội thông qua một luật và sửa 10 luật, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư và dự án. "Sau khi vấn đề pháp lý được hoàn thiện, dự báo thị trường sẽ phát triển khởi sắc hơn.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cứ sau mỗi đợt dịch tạm lắng thì bất động sản phục hồi lại rất nhanh, điều này cho thấy sức khỏe của thị trường.

Thống kê trong quý 3 từ 12 điểm cầu của Hiệp hội BĐS Việt Nam mang đến con số ngạc nhiên khi thị trường vẫn giao dịch khá sôi động ngay trong thời giãn cách. Dù lực tiêu dùng có giảm mạnh nhưng lực cầu của các nhà đầu tư thì không bởi luôn phải đi trước để đón đầu.

"BĐS có bị ảnh hưởng nhưng điều này không làm cho thị trường dừng lại mà vẫn luôn có sức sống", ông Đính khẳng định.

Cứ mỗi lần sửa Luật hoặc tạm lắng vì dịch, thị trường BĐS lại mạnh mẽ “bật dậy” - Ảnh 1.

Cũng trong buổi tọa đàm mới đây, Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Tp.HCM của Batdongsan.com.vn cho hay, từ ngày 15/9, sau khi những thông tin mở cửa trở lại, số lượng tìm mua và thuê BĐS đã tăng vọt trở lại. Điều này thể hiện mức độ quan tâm và nhu cầu của thị trường đối với nhóm ngành bất động sản vẫn đang rất lớn.

Song song với sự quan tâm của thị trường, các chủ đầu tư đang chuẩn bị cho sự trở lại với các dự án lớn nhỏ trên nền tảng online trong bối cảnh chưa thể tổ chức những buổi giới thiệu tập trung như trước đây. Việc áp dụng công nghệ số vào bán hàng bất động sản cũng giúp doanh nghiệp tìm kiếm tệp khách hàng có nhu cầu thực, sẵn sàng cho việc sắp xếp những cuộc hẹn trực tiếp trong tương lai. Có thể thấy, những doanh nghiệp lớn và có nguồn lực tài chính vững chãi vẫn tìm thấy "cơ trong nguy" và luôn trong tâm thế sẵn sàng bật dậy theo từng giai đoạn của quá trình mở cửa.

Theo hầu hết các chuyên gia cho rằng mức độ quan tâm của thị trường hiện tại không đồng nghĩa với việc nền kinh tế đang gặp khủng hoảng mà chỉ ảnh hưởng từ các lệnh giãn cách khi khách hàng và nhà đầu tư không thể đi xem trực tiếp sản phẩm để đưa ra quyết định.

Chưa kể, tình trạng thiếu hụt nguồn cung dự báo sẽ khiến thị trường dậy sóng khi xã hội quay trở lại cuộc sống bình thường mới vì nhu cầu của khách hàng đã bị nén chặt suốt thời gian vừa qua. Tiến độ thi công chậm cùng quá trình cấp phép xây dựng bị siết chặt khiến thị trường ngày càng hiếm các dự án chất lượng với đầy đủ pháp lý. Và theo đúng quy luật cung-cầu, khi cán cân cầu nặng hơn, việc mặt bằng giá bị đẩy lên là xu hướng tất yếu .

Theo ông Trần Khánh Quang, Chuyên gia BĐS, khác với trước đây, đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến tâm lý nhà đầu tư chuyên nghiệp trở nên vững vàng hơn, từ đó chuẩn bị phương án dự phòng thích hợp. Có thể thấy rõ điều này thông qua việc chưa xảy ra tình trạng bán tháo, bên cạnh rất ít giao dịch bán giảm lời trên thị trường thứ cấp và cao cấp. Tình trạng cắt lỗ chỉ xuất phát từ những nhà đầu tư vốn mỏng do không chịu được áp lực của lãi vay ngân hàng. Trong khi đó, nhà đầu tư vốn lớn vẫn có xu hướng mua nhiều hơn bán, để "dành" đất và tiếp tục chờ đợi cơ hội với quan điểm bất động sản là cuộc chơi của dài hạn và kiên trì.

Trong bối cảnh vừa cơ hội và thách thức đan xen, phân khúc được nhiều chuyên gia đánh giá có tiềm năng khôi phục mạnh mẽ nhất sau đại dịch là nhà ở. Bởi tâm lý của người Việt Nam vẫn mong muốn sở hữu nhà ở, đất ở, do đó nguồn cầu về phân khúc này vẫn còn rất lớn.

Đồng thời, dịch bệnh đã khiến trào lưu "bỏ phố" hay xu hướng sở hữu căn nhà thứ hai trở nên phổ biến hơn. Tệp khách hàng này thường tìm kiếm chốn an cư mới ở những vùng ven có khí hậu trong lành, kết nối giao thông thuận tiện đến các thành phố lớn, nằm trong những dự án được quy hoạch bài bản với một cộng đồng xã hội khép kín, có thể tự cung tự cấp các dịch vụ thiết yếu như siêu thị mini, phòng khám, trường học, bệnh viên, tiện ích giải trí nội khu …

Như vậy để thấy, thị trường địa ốc đang đứng trước cơ hội vàng để phục hồi, khi dịch bệnh được kiểm soát, quá trình tiêm vaccine trên diện rộng đang xúc tiến nhanh chóng, các hoạt động sản xuất kinh doanh mở cửa trở lại, nhiều giải pháp kích thích nền kinh tế được Chính phủ chuẩn bị triển khai, lãi suất vay mua nhà duy trì ở mức thấp và dòng tiền dồi dào vẫn đang chuẩn bị đổ vào thị trường. Đồng thời, một trong những trợ lực lớn cho sức bật của thị trường BĐS là nhiều thủ tục pháp lý đã được tháo gỡ mạnh mẽ.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên