MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cú tăng tốc ngoạn mục, ghi dấu kỷ lục hàng chục năm qua

Tốc độ tăng trưởng GDP 3 quý năm 2017 bứt phá để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm - mục tiêu mà nhiều năm trước không thể đạt được. Mức tăng trưởng trong quý 3, dù nằm ngoài dự đoán của nhiều tổ chức, nhưng chứng tỏ rằng: quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng, không điều chỉnh mục tiêu GDP của Chính phủ đang được hiện thực hóa.

Tăng trưởng ngoạn mục nhờ đâu?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm nay, GDP của nước ta tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28%, đặc biệt quý III ước tính tăng tới 7,46%.

Như vậy, mức tăng trưởng quý II tăng cao hơn quý I là 1,13 điểm phần trăm, quý III tăng cao hơn quý II là 1,18 điểm phần trăm. Đây là mức gia tăng tăng trưởng đặc biệt ấn tượng, trong hàng chục năm nay.


Tăng trưởng GDP quý III có công lớn của Samsung.

Tăng trưởng GDP quý III có công lớn của Samsung.

Tổng cục Thống kê tính toán, để đạt mức tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay như mục tiêu Chính phủ đề ra, quý IV tốc độ GDP phải đạt mức tăng 7,31%.

Nếu đạt được điều này thì năm 2017 là dấu mốc về sự chuyển mình mạnh mẽ của số liệu tăng trưởng GDP sau nhiều năm. Mức tăng trưởng 7,31% trong quý IV, nếu đạt được, cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong quý IV những năm trở lại đây, bởi từ 2011 đến nay chưa năm nào tăng trưởng GDP quý IV đạt ngưỡng này.

Tổng cục Thống kê ghi nhận một trong những động lực kích tăng trưởng GDP 9 tháng, trong đó, không thể phủ nhận mức đóng góp vào tăng trưởng từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), điển hình là Samsung.

Cụ thể, lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong 9 tháng ước tính tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 7,1% của năm 2016. Đáng lưu ý là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,8%, mức tăng cao nhất của lĩnh vực này trong nhiều năm.

Đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng này chủ yếu do Tập đoàn Samsung mở rộng sản xuất tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Chỉ tính riêng việc Samsung ra mắt sản phẩm Galaxy Note 8 đã góp phần làm cho ngành công nghiệp điện tử trong quý III đạt tốc độ tăng trưởng tới 45%.

Hơn nữa, việc Formosa khắc phục xong sự cố môi trường, đi vào sản xuất từ đầu quý III cũng mang lại những động lực tăng trưởng khả quan cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, Formosa sẽ sản xuất 1,5 triệu tấn thép. Đây là thép có giá trị cao, ước tính 1 triệu tấn sẽ đóng góp từ 0,07-0,08% GDP cả nước.


Tăng trưởng GDP năm 2017 đang hướng đến cột mốc mới.

Tăng trưởng GDP năm 2017 đang hướng đến cột mốc mới.

Mức 6,7% có thể đạt được

Có thể thấy, mức tăng trưởng dự kiến mà lãnh đạo Tổng cục Thống kê đưa ra lạc quan hơn rất nhiều báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dành cho Việt Nam.

Cách đây ít ngày, ADB đã hạ mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay xuống 6,3%, và trong năm 2018 xuống 6,5%. Mức dự báo tăng trưởng này giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo được tổ chức này đưa ra hồi đầu năm nay. Nguyên nhân sụt giảm tăng trưởng, theo ADB, là do cú sốc ngoài dự kiến, sản lượng khai khoáng và dầu thô trong nửa đầu năm nay đã giảm 8% sản lượng.

Hồi giữa năm, Ngân hàng Thế giới cũng dự báo GDP Việt Nam năm 2017 chỉ đạt khoảng 6,3%.

Dù vậy, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, vẫn dành nhiều lời "có cánh" cho triển vọng kinh tế Việt Nam.

Ông Eric Sidgwick cho rằng: “Bất chấp sự sụt giảm sản lượng khai khoáng và dầu thô, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả khả quan, được thúc đẩy bởi hai động lực là sản xuất định hướng xuất khẩu và tăng tiêu dùng nội địa. Công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng trưởng 10,5% trong nửa đầu năm do các nhà máy FDI đẩy mạnh sản xuất, trong khi khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự gia tăng hoạt động bán lẻ, mở rộng cho vay của ngân hàng, cũng như mức tăng 30% số du khách tới Việt Nam”.

Mặc dù đánh giá nền kinh tế Việt Nam vận hành tương đối tốt trong bối cảnh có nhiều thách thức, song chuyên gia của ADB cho rằng vẫn còn một số vấn đề cần được giải quyết để bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Đơn cử, những nỗ lực gần đây để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng, vốn đã khá cao, bằng việc hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục, có thể làm gia tăng rủi ro trong lĩnh vực tài chính, nhất là khi tính tới khối lượng lớn các khoản nợ xấu còn tồn đọng. Để quản lý tốt những rủi ro này, điều then chốt là phải tăng cường các quy định và giám sát chất lượng khoản vay.

“Mặc dù hiệu quả thương mại được dự kiến tiếp tục duy trì, Việt Nam có thể phải đối mặt với rủi ro gia tăng nếu có sự suy giảm của các nền kinh tế công nghiệp chủ chốt, hoặc tốc độ tăng trưởng thấp ngoài dự kiến của Trung Quốc, một đối tác thương mại ngày càng quan trọng của Việt Nam”, ông Sidgwick bổ sung.

Ông Nguyễn Bích Lâm cũng thừa nhận, mục tiêu tăng 6,7% GDP hồi đầu năm đặt ra là khá cao với nền kinh tế, gây áp lực với điều hành kinh tế, nhưng đây cũng là động lực tăng trưởng đặc biệt cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Mục tiêu tăng GDP 6,7% có cả áp lực và động lực. Chính áp lực chỉ tiêu tạo động lực trong điều hành.

Nhận định về mục tiêu tăng trưởng đề ra, vị Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tự tin, mức tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay là có thể đạt được.

Theo Hoài Nam

Vietnamnet

Trở lên trên