"Cửa thoát hiểm" nào cho ngân hàng "lỡ nhịp" Basel II?
Những ngân hàng thương mại chưa đáp ứng chuẩn Basel II theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, sẽ phải làm gì sau thời hạn 1/1/2020?.
Điểm mặt các "ông vốn bé"
Hiện còn khá nhiều ngân hàng thương mại có vốn điều lệ chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn một chút so với mức vốn pháp định (3.000 tỷ đồng), trong đó có 2 ngân hàng được NHNN mua lại "0 đồng" là CBBank (3.000 tỷ đồng) và GPBank (3.018 tỷ đồng). Ngoài ra, một số ngân hàng khác có vốn điều lệ xoay quanh mức 3.000 tỷ đồng gồm PGBank, Saigonbank, BaoVietBank, Kienlongbank...
Sự phân hóa về quy mô vốn trong hệ thống ngân hàng thể hiện rõ khi tổng số vốn điều lệ của 11 ngân hàng nhỏ nhất cộng lại cũng chưa bằng Vietcombank hay VietinBank. Và điều đáng lo ngại hơn là những ngân hàng nhỏ ngày càng có ít cơ hội tăng vốn hơn cả khi hoạt động kinh doanh không có sự đột phá, không có sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Ngày 1/1/2020 là thời hạn cuối mà các ngân hàng phải đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Ngoài BIDV có kế hoạch phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài, các ngân hàng khác đều có kế hoạch tăng vốn chủ yếu từ chia cổ tức bằng cổ phiếu và huy động trái phiếu, nhưng gặp không ít khó khăn.
Với những ngân hàng lớn, hay một số ngân hàng có tình hình tài chính khả quan, mức tăng trưởng tốt thì cổ đông sẵn sàng đồng thuận với kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu. Đặc biệt, với các ngân hàng trả cổ tức sòng phẳng, thì cổ đông sẵn sàng bỏ tiền đầu tư mua thêm cổ phần. Tuy nhiên, những ngân hàng nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc tăng vốn.
M&A có phải là phương án cuối cùng?
Ông Nguyễn Tiến Đông- Nhà đầu tư trên sàn MBS cho biết, khi không còn nhìn thấy lợi ích ở ngân hàng, cổ đông cũng không mặn mà bỏ vốn đầu tư, nhất là khi thị trường đang có nhiều kênh sinh lời hấp dẫn hơn là đầu tư vào các ngân hàng nhỏ. Hơn nữa, Thông tư 41/2016/TT- NHNN có những quy định chặt chẽ hơn về dòng vốn, sẽ không còn hiện tượng "vốn ảo", mà đòi hỏi phải có "cần tiền tươi thóc thật" sẽ đẩy các ngân hàng nhỏ vào thế khó.
Trước mắt, nếu các nhà băng chưa có khả năng áp dụng Basel II được tiếp tục thực hiện theo các quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN. Tuy nhiên, quy định về an toàn vốn tối thiểu được nâng cao hơn rất nhiều so với trước đây.
Các chuyên gia cho rằng, đó chỉ là "lối thoát" tạm thời, bởi việc thực hiện theo chuẩn Basel II là yêu cầu bắt buộc để tiến tới áp dụng chuẩn Basel III. Do đó, các ngân hàng nhỏ buộc phải tìm cách đáp ứng chuẩn Basel II.
Nếu những ngân hàng nhỏ không đáp ứng được các tiêu chí để đáp ứng chuẩn Basel II, sẽ phải "bán mình cứu lấy ngân hàng" bằng phương án sáp nhập như PGBank đã ký thỏa thuận sáp nhập vào HDBank. Tuy nhiên, phương án này cũng không dễ thực hiện với PGBank khi ngân hàng này đã "lận đận" trong thương vụ M&A với Vietinbank, rồi đến HDBank, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Diễn đàn doanh nghiệp