MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cục CSGT nói gì về phản ánh uống sirô, ngậm thuốc sâu răng bị 'dính' lỗi nồng độ cồn?

22-02-2023 - 13:52 PM | Xã hội

Trước những băn khoăn, phản ánh trên mạng xã hội về việc người dân uống nước sirô, hoa quả, ngậm thuốc sâu răng... bị 'dính' lỗi nồng độ cồn, Cục CSGT đã có những thông tin về việc này.

Cục CSGT nói gì về phản ánh uống sirô, ngậm thuốc sâu răng bị dính lỗi nồng độ cồn? - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị.

Sáng 22/2, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an, thông tin công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đầu năm 2023.

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến những băn khoăn của người dân trước một số thông tin trên mạng xã hội về việc trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng thấp hoặc người dân nói uống sirô, ngậm thuốc sâu răng… khi bị phát hiện có nồng độ cồn, trung tá Dương Thị Thu Trang - Phó trưởng Phòng hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT cho biết, từ khi xây dựng Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và các nghị định liên quan đến xử phạt như Nghị định 100, 123, các cơ quan chức năng của Bộ Công an cũng như cơ quan Bộ Y tế đã nghiên cứu và xác định ngưỡng vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.

Cục CSGT nói gì về phản ánh uống sirô, ngậm thuốc sâu răng bị dính lỗi nồng độ cồn? - Ảnh 2.

Trung tá Trang.

Theo trung tá Trang, ngưỡng vi phạm nồng độ cồn được xác định qua rất nhiều lần hội thảo và làm việc với các quan chuyên môn của Bộ Y tế. Do đó, Nghị định 100 hiện nay về vi phạm nồng độ cồn đã xác định hết sức chính xác và rất rõ các ngưỡng vi phạm.

Qua các ý kiến trên mạng xã hội liên quan đến việc uống sirô, nước hoa quả, đến nay có trường hợp phát hiện nồng độ cồn được đưa vào bệnh viện để xét nghiệm máu cho kết quả ở mức rất thấp.

Dựa vào kết quả này sẽ có trường hợp không bị tiến hành xử phạt. Tuy nhiên, các trường hợp này rất hãn hữu bởi ngưỡng vi phạm đã được tham vấn các cơ quan chuyên môn của bộ y tế trước khi ban hành quy định.

Cục CSGT nói gì về phản ánh uống sirô, ngậm thuốc sâu răng bị dính lỗi nồng độ cồn? - Ảnh 3.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức

Vì sao yêu cầu người vi phạm thổi 2 lần?

Còn theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Cục phó Cục CSGT cho biết, qua 1 tháng cao điểm xử lý vi phạm, tai nạn giao thông liên quan đến bia, rượu đã giảm sâu cả 3 tiêu chí. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán không có tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến rượu bia. "Chúng tôi thấy đây là hạnh phúc rất lớn"- Thiếu tướng Đức nói.

Theo Thiếu tướng Đức, nguyên nhân chính của các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia… khi uống rượu bia vào không làm chủ được tốc độ gây ra tai nạn…

Thiếu tướng Đức cho biết, lực lượng CSGT công khai kế hoạch trên cổng thông tin điện tử và người dân được giám sát, kiểm tra những gì pháp luật quy định. Do đó việc yêu cầu xem, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ máy... thì sẽ do cơ quan chức năng kiểm tra.

Lý giải thêm về việc đo nồng độ cồn hiện nay, việc nồng độ cồn trên máy 2 chế độ, đầu tiên CSGT đo định tính khi phát hiện nồng độ cồn sẽ đo định lượng để xác định hàm lượng chính xác làm căn cứ xử phạt.

Do đó, việc trên mạng xã hội xuất hiện các thông tin trái chiều liên quan đến việc người dân ăn hoa quả, sử dụng thuốc đau răng… đều được đo bằng định tính, nếu xác định có cồn sẽ định lượng.

"Không có trường hợp xử lý sai những trường hợp có nồng độ cồn. Lực lượng CSGT công khai, minh bạch và đảm bảo không xử lý sai quy định”- ông Đức khẳng định.

Ngoài ra, thông số của Bộ Y tế và CSGT khác nhau, bởi nồng độ cồn Bộ Y tế căn cứ vào máu từ khi sinh ra cơ thể con người đã có lượng men nhất định để giải quyết sinh lý con người là bình thường. Còn lực lượng CSGT đo nồng độ cồn qua hơi thở, ở đây chắc chắn có định tính thì sẽ có nồng độ cồn trong định lượng hiện chỉ số được quy định trong Nghị định 100.

Theo vị lãnh đạo Cục CSGT, quá trình xử lý vi phạm, lực lượng CSGT đã thực hiện chuyên đề đo nồng độ cồn đang thực hiện theo kế hoạch, theo kinh nghiệm quốc tế.

Trước khi thực hiện kế hoạch, lực lượng CSGT làm tốt công tác điều tra cơ bản về khu vực có nhiều tuyến đường tập trung nhà hàng, quán ăn để bố trí lực lượng. Bên cạnh đó là thường xuyên thay đổi địa bàn tránh việc người vi phạm né tránh chốt và các đối tượng chống đối báo chốt trên mạng xã hội đã hạn chế.

Ông Đức nói thêm, lực lượng CSGT cũng thực hiện quy chế dân chủ trong quá trình tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm, đồng thời cũng quy định rõ những trường hợp nào được giám sát và phản ánh.

“Chúng tôi luôn mong muốn những sự phản ánh, giám sát của người dân đối với lực lượng cán bộ công chức, viên chức trong đó có lực lượng Công an nhân dân, những hình ảnh đẹp của lực lượng được người dân ghi lại, phản ánh trên báo chí là nguồn cổ vũ động viên để chúng tôi làm tốt hơn, còn những hình ảnh nào được người dân đóng góp là bài học để rút kinh nghiệm, ngày một tốt hơn”- ông Đức nói.

Cục CSGT nói gì về phản ánh uống sirô, ngậm thuốc sâu răng bị dính lỗi nồng độ cồn? - Ảnh 5.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung - Cục trưởng Cục CSGT

Hỗ trợ giúp đỡ người dân

Cũng tại buổi thông tin, Cục CSGT cho biết, đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội đầu xuân 2023 (từ ngày 15/11/2022- 5/2), lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 660.908 trường hợp vi phạm an toàn giao thông. Phạt tiền hơn 1 nghìn tỷ đồng.

Riêng với hành vi vi phạm nồng độ cồn, lực lượng CSGT đã xử lý 117.381 trường hợp (chiếm 18,11% tổng số các vi phạm), phạt tiền 543 tỷ 255 triệu đồng.

So với cùng thời gian trước liền kề, xử phạt tăng 20.804 trường hợp (tăng 21,54%), tiền phạt tăng hơn 125 tỷ đồng (tăng 30,14%).

Đại diện Cục CSGT cho biết, có đến 1.625 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn và 36.549 trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức “kịch khung”.

Ngoài ra, công tác xử lý vi phạm về nồng độ cồn đạt hiệu quả cao. Chỉ tính trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão xử lý vi phạm nồng độ cồn chiếm 35% tổng số vi phạm, tăng 598% so với thời gian Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung - Cục trưởng Cục CSGT, trong dịp Tết vừa qua, hơn 2.000 cán bộ chiến sĩ thường trực trên các tuyến giao thông trọng điểm để hỗ trợ, giúp đỡ, kết hợp tuyên truyền cho gần 100 đoàn và hơn 250.000 người dân làm ăn xa về quê đón tết và quay trở lại thành phố làm việc, học tập...bằng những việc thiết thực, có ý nghĩa với tinh thần "lúc dân cần là Cảnh sát giao thông có, đâu dân khó có Cảnh sát giao thông".

"Những món quà giá trị vật chất tuy không lớn nhưng chứa đựng nhiều tình cảm của lực lượng CSGT với mong muốn bà con đi đường bình an, sớm trở về cùng gia đình đón xuân mới"- ông Trung nói.

Theo ông Trung, hoạt động cũng lan toả tinh thần tương thân, tương ái, tinh thần đoàn kết Công an với Nhân dân, thắt chặt mối quan hệ gần gũi, gắn bó mật thiết với quần chúng, được nhiều báo, đài đưa tin khen ngợi làm nổi bật hình ảnh của lực lượng Công an trong lòng Nhân dân.

Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Cục CSGT sẽ tiếp thu việc nâng mức vi phạm nồng độ cồn để đủ sức răn đe. Trong đó, tham khảo cả việc một số nước xử lý hình sự với lỗi vi phạm nồng độ cồn.

Theo Thanh Hà

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên