Cúc họa mi hút khách, người trồng hoa kiếm bộn tiền
Loài hoa nhỏ bé, trắng muốt đang khoe sắc khắp các phố phường, tạo nên nét quyến rũ và đặc thù của riêng mùa đông Hà Nội.
- 18-11-2018Vườn cúc hoạ mi ở Hà Nội "thất thủ" cuối tuần: 1 mét vuông có chục nhiếp ảnh gia và mẫu
- 17-11-2018Cúc hoạ mi vào vụ mùa, nông dân Hà Nội hớn hở chào mừng khách đến mua hoa và chụp ảnh
- 24-08-2018Đón Vu lan, làng hoa Sa Đéc “cháy hàng” cúc tiger, giá tăng gần gấp đôi
Những ngày cuối tháng 11, khi tiết trời bắt đầu se se lạnh, khắp ngả đường, góc phố ở Hà Nội lại tràn ngập một màu trắng muốt của những bông cúc trắng nhỏ xinh.
Cúc họa mi xuất hiện trở thành biểu tượng của mùa đông Hà Nội. Mặc dù đầu mùa giá cao hơn chính vụ nhưng đây vẫn là loài hoa được "săn đón" nhiều nhất trong những ngày vừa qua. Với mức giá trung bình từ 40.000 – 60.000 đồng/ bó đã giúp người trồng hoa có nguồn thu nhập đáng kể từ loại hoa này.
Cúc họa mi hiện chỉ có 2 nguồn cung lớn duy nhất tại Hà Nội là ở làng hoa Nhật Tân (quận Tây Hồ) và Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm).
Do đang ở đầu vụ, nên giá thành mỗi bó Họa mi khá cao. Nếu mua đủ để cắm một bình to, khách hàng sẽ phải bỏ ra từ 100.000 - 150.000 nghìn đồng.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, một người chuyên kinh doanh hoa tươi tại chợ hoa Dịch Vọng – Hà Nội cho biết, những ngày này giá mua buôn tại các chợ đầu mối có giá từ 30.000 - 35.000 đồng/bó to. Mỗi bó to thường được các thương lái chẻ nhỏ sẵn ra thành 3 bó nhỏ và bán lẻ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/bó. "Loài hoa này sớm nở chóng tàn, mỗi vụ thu hoạch chỉ kéo dài trong khoảng 3 tuần, có lẽ vì thế nên dù giá thành cao, họa mi vẫn bán rất chạy hàng"- Chị Ngọc chia sẻ.
Khoảng 1 tuần trước, cúc họa mi giá còn tới 50.000 - 70.000 đồng/bó nhỏ cũng phải tranh mua mới được. Mùa cúc họa mi rất ngắn, khi thấy hoa đã trắng muốt khắp các ngả đường thì cũng đồng nghĩa chỉ còn vài ngày nữa, những đóa cúc họa mi cuối cùng của mùa năm nay sẽ được thu hoạch hết.
Cúc hoa mi trở thành biểu tưởng đẹp của Hà Nội, và đang được người tiêu dùng săn đón, trở thành loại hoa hút khách trong những ngày qua.
Cô Thêm, một người trồng hoa ở Tây Tựu cho biết, mùa cúc họa mi chỉ có khoảng 2 tuần. Người trồng hoa sẽ tập trung thu hoạch, còn người bán hoa cũng ít nhập các loại hoa khác mà tập trung bán cúc họa mi vì rất chạy hàng. Những ngày này gia đình cô đều tập trung làm ở ngoài đồng, có khi muốn lấy nhiều hoa hơn để bán lẻ mà cũng chẳng được vì họ mua buôn hết.
"Tôi thấy chị chị em phụ nữ rất thích hoa họa mi. Mà không chỉ có chị em, nhiều các anh còn mua về tặng vợ, tặng bạn gái, rồi nhiều người cũng mua để gửi quà đi các tỉnh vì cúc này chỉ có Hà Nội thôi", chị Thêm chia sẻ.
Còn theo cô Nguyễn Thị Thoa - hộ gia đình đã có hơn 20 năm trồng hoa ở làng hoa Tựu Tựu - khoảng 20 năm trước, cúc họa mi được trồng nhiều ở các làng hoa Hà Nội. Nhưng do hiệu quả kinh tế không cao nên người làng dừng trồng để chuyển sang các giống hoa khác năng suất hơn và giá bán cao hơn. Khoảng vài trở lại đây, loại hoa này bỗng được khách hàng ưa chuộng, có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường, nên bà con đã đầu tư trồng trở lại.
Hiện tại gia đình cô dành tới 2/3 diện tích đất để trồng hoa cúc hoa mi. Thời gian gieo trồng và chăm sóc loại cúc này tới 7 - 8 tháng nhưng đến mùa chỉ bán trong 10 ngày là hết.
"Tuy mất tới hơn 7 tháng mới cho thu hoạch nhưng hoa này trồng hầu như không mất vốn cho giống, vì trồng bằng mầm ươm từ gốc cũ đã già của vụ trước, giờ đây lại được ưa chuộng nên vẫn có nhiều hộ trồng", cô Thoa nói và cho biết thêm, trong hơn 1 tuần thu hoạch vừa qua, trung bình mỗi ngày cô bán được khoảng 100 bó cúc to với giá 50.000 đồng/bó.
Trừ các khoản chi phí như cây giống vật tư nông nghiệp và công chăm sóc mỗi sào cúc họa mi cho thu nhập từ 15 – 17 triệu đồng từ đó giúp bà con nông dân có nguồn thu đáng kể.
Ngoài việc bán hoa, vài năm gần đây người dân còn có thêm thu nhập nhờ dịch vụ chụp ảnh trong vườn. Một số chủ vườn tại Nhật Tân còn không bán lẻ mà để nguyên tại ruộng để bán vé cho khách vào tham quan, chụp ảnh.
Anh Khoa chủ vườn hoa cúc họa mi tại Nhật Tân cho biết, thông thường vé vào chụp hoa cúc là 20.000 - 25.000/người hoặc 200.000- 300.000 đồng/nhóm. Nhiều chủ vườn kiếm bộn tiền nhờ cúc họa mi.