Cục trưởng Cục Thống kê Trần Văn Vũ lý giải cách Covid-19 khiến GRDP của Đà Nẵng tăng trưởng âm nhưng khẳng định tình hình tháng 6 đã khả quan
"Tác động của Covid-19 thì tỉnh nào cũng bị chứ không riêng Đà Nẵng nhưng cơ cấu nền kinh tế với 64% đóng góp từ lĩnh vực dịch vụ là lý do khiến thành phố tăng trưởng âm", ông Trần Văn Vũ lý giải.
- 30-06-2020Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất tăng trưởng âm
- 29-06-2020Đà Nẵng: Cải thiện PCI để đón sóng đầu tư Nhật, Hàn, Mỹ, Singapore... chuyển hướng
- 05-06-2020Đà Nẵng sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới
- 31-05-2020Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam "nắm tay" kích cầu du lịch: Đoàn kết giúp địa phương vượt qua thời kỳ dịch bệnh, vươn tầm cao mới
- 24-05-2020Du lịch "bình thường mới" ở Đà Nẵng: Chương trình "Danang Thank you 2020" đến hết năm gồm nhiều ưu đãi "sốc", khẳng định "giảm giá nhưng không giảm chất lượng"
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông Trần Văn Vũ - Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng nhắc lại việc đối chiếu số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Đà Nẵng với khối 5 thành phố trực thuộc TƯ, cho thấy đây là địa phương duy nhất có mức tăng trưởng âm. Cụ thể, GRDP của Đà Nẵng ước tính sụt giảm ở mức -3,61%.
"Covid-19 thì địa phương nào cũng bị ảnh hưởng chứ không chỉ riêng Đà Nẵng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc này. Tuy nhiên, điểm cốt lõi nằm ở cơ cấu và quy mô của nền kinh tế Đà Nẵng", ông Trần Văn Vũ cho biết.
Tất cả 63 tỉnh thành ở Việt Nam đều thống nhất công bố số liệu kinh tế theo 3 khu vực. Cụ thể, khu vực 1 bao gồm Nông, Lâm, Thủy sản. Khu vực 2 là Công nghiệp và Xây dựng. Khu vực 3 là Dịch vụ. Ở Đà Nẵng, đóng góp của khu vực Dịch vụ chiếm tới 64% quy mô nền kinh tế. 2 khu vực kia chiếm 36% còn lại.
Tuy nhiên, Covid-19 tác động trực tiếp tới lĩnh vực dịch vụ trong đó chịu thiệt hại nặng nề nhất chính là du lịch và vận tải. Ở Đà Nẵng, dịch vụ lại là ngành chiếm quy mô lớn nhất. Khi ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, vốn được coi là động lực tăng trưởng của thành phố bị tác động bởi Covid-19 thì hậu quả là rõ rệt nhất. Đó là lý do Đà Nẵng gánh chịu những thiệt hại nặng nề hơn so với khối các thành phố trực thuộc trung ương còn lại.
Ông Trần Văn Vũ, Cục Trưởng Cục Thống kê TP. Đà Nẵng.
"Chẳng hạn như bạn là lao động chính trong gia đình. Dịch Covid-19 tác động tới bạn giống như việc bạn bị đau yếu thì thu nhập của gia đình bị tác động. Người chồng, chiếm tới 60-70% thu nhập gia đình, không thể lao động thì bà vợ làm sao mà gánh cho nổi", ông Vũ lấy ví dụ cho tình trạng nhà hàng, khách sạn ở Đà Nẵng bị đóng cửa do dịch Covid-19 những tháng đầu năm tác động đến kinh tế địa phương.
Đối với các tỉnh khác, theo ông Vũ, đóng góp của ngành dịch vụ cho nền kinh tế không lớn như ở Đà Nẵng. Đó cũng chính là lý do khiến Covid-19 tác động đến những địa phương này ít hơn so với tác động lên Đà Nẵng.
Trong bối cảnh người Việt đang tăng cường du lịch Việt Nam, ông Vũ nhấn mạnh tình hình tháng 6 ở Đà Nẵng đã "khả quan". Khoảng 60% nhà hàng khách sạn đã mở cửa lại bình thường. Ngành dịch vụ, vốn bị ảnh hưởng của dịch, đang được hưởng nhiều hỗ trợ của Chính phủ, của thành phố để phục hồi trở lại sau khó khăn.
"Bên cạnh chủ trương chung của Chính phủ, Thành phố đã có những chủ trương rất sớm để tháo gỡ. Các ngành các cấp cũng tập trung vào nhiệm vụ này. Bản thân cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, cũng tự đề ra giải pháp cho mình với các gói kích cầu. Chính vì vậy, tình hình du lịch Đà Nẵng trong tháng 5, tháng 6 vừa qua khởi sắc hơn rất nhiều", ông Vũ cho biết.
Tuy nhiên, chính ông Vũ cũng cho biết vẫn còn những khoảng cách trong số liệu tháng 5-6/2020 với cùng kỳ năm trước đó bởi sự sụt giảm nghiêm trọng của khách du lịch nước ngoài. Với những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới, chưa thể xác định thời điểm khách nước ngoài được phép quay trở lại Việt Nam.