Cung cấp phần lớn cáp quang cho VNPT, Viettel, FPT nhưng 70% doanh thu của doanh nghiệp này lại đến từ… lốp xe
Cáp nhựa Vĩnh Khánh (VKC) được coi là doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần lớn nhất tại Việt Nam khi cung cấp cho 3 nhà mạng lớn là FPT (100%), VNPT (80%) và Viettel (5%).
- 14-12-2016Cáp nhựa Vĩnh Khánh (VKC) thông qua kế hoạch chi trả cổ tức 15% bằng tiền mặt
- 02-12-2016Chủ tịch Cáp nhựa Vĩnh Khánh mua vào hơn 1,1 triệu cổ phiếu VKC
- 02-11-2016Cáp nhựa Vĩnh Khánh (VKC): Giá vốn giảm sâu, lợi nhuận sau thuế quý 3/2016 gấp đôi cùng kỳ
Trong những năm gần đây, ngân sách đầu tư hạ tầng viễn thông tại Việt Nam đã tăng đáng kể và điều này cũng kéo theo nhu cầu tiêu thụ cáp quang tăng theo. Về thị trường cáp quang, có hai phân khúc gồm loại lớn dành cho trục chính và loại nhỏ dành cho trục nhánh kết nối tới các hộ gia đình.
Đối với phân khúc trục nhánh, CTCP Cáp nhựa Vĩnh Khánh (VKC) được coi là doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần lớn nhất tại Việt Nam khi cung cấp cho 3 nhà mạng lớn là FPT (100%), VNPT (80%) và Viettel (5%).
Không chỉ cung cấp cáp cho các nhà mạng trong nước, Vĩnh Khánh hiện cũng đẩy mạnh xuất khẩu cáp viễn thông và hoạt động này đóng góp không nhỏ vào doanh thu công ty. Theo số liệu được công bố, doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Khánh trong năm 2013 chỉ đạt gần 20 tỷ đồng thì trong 6 tháng đầu năm 2016, con số này đã lên tới 54 tỷ đồng và phần lớn đến từ việc xuất khẩu cáp viễn thông.
Trong đó, Philippines hiện là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Vĩnh Khánh khi công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu cáp đồng sang quốc gia này trong 7 năm (tính từ năm 2015) với giá trị xuất khẩu tới 5 triệu USD mỗi năm. Vĩnh Khánh cũng đang lên kế hoạch thâm nhập thị trường cáp quang Philippines, khi mà quốc gia này đang chuyển đổi từ cáp đồng sang cáp quang.
Ngoài các thị trường truyền thống như Phillipines, Nhật Bản, Vĩnh Khánh đã xuất khẩu thành công 2 lô hàng mới sang Đài Loan và Thái Lan với sản phẩm cáp mạng Lan. Trong thời gian tới, FPT sẽ gia tăng hoạt động sang các thị trường Myanmar, Campuchia; Trong khi VNPT vẫn tiếp tục phát triển tại hầu khắp các tỉnh thành phố trên cả nước và điều này được dự báo giúp Vĩnh Khánh gián tiếp mở rộng thị trường.
Việc cung cấp cáp cho các “đại gia” viễn thông tại Việt Nam và đẩy mạnh xuất khẩu đã mang về doanh thu không nhỏ cho Vĩnh Khánh trong những năm qua. Nếu như năm 2012, doanh thu từ cáp viễn thông của Vĩnh Khánh chỉ đạt gần 140 tỷ đồng, chiếm 19% tổng doanh thu thì đến năm 2015 đã lên tới 296 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu cáp của Vĩnh Khánh đã đạt 243 tỷ đồng, chiếm tới 28% tổng doanh thu.
Tỷ suất lợi nhuận gộp từ mảng cáp viễn thông cũng tăng trưởng đáng kể, từ mức 6% trong năm 2012 hiện đã lên mức 13%. Việc tỷ suất lợi nhuận gia tăng ngoài yếu tố đẩy mạnh kinh doanh cáp quang – sản phẩm có biên lợi nhuận tốt hơn còn đến từ việc công ty được hưởng lợi giá nguyên liệu đầu vào (đồng) giảm mạnh.
Có thể thấy, không chỉ tăng mạnh về tỷ trọng doanh thu mà tỷ suất lợi nhuận của mảng cáp viễn thông Vĩnh Khánh đã tăng khá mạnh. Sẽ không quá khi nói rằng đây là mảng kinh doanh tạo nên sự tăng trưởng chính cho công ty trong những năm qua.
Lốp xe – sản phẩm mang lại nguồn thu chính
Bên cạnh hoạt động kinh doanh cáp viễn thông thì trong suốt 23 năm qua, Vĩnh Khánh còn là nhà phân phối độc quyền lốp xe Maxxis của Chengshin – công ty sản xuất lốp lớn thứ 9 thế giới. Hiện nay, Vĩnh Khánh đứng thứ 7 thị phần phân phối lốp xe ô tô tải trong nước và công ty đã thiết lập một hệ thống phân phối rộng khắp cả Miền Nam kéo dài ra đến Đà Nẵng.
Có thể nói, không phải cáp viễn thông mà chính kinh doanh lốp xe mới mang lại nguồn thu chính cho Vĩnh Khánh. Năm 2012, lốp xe mang về cho Vĩnh Khánh 530 tỷ đồng doanh thu thì trong 9 tháng đầu năm 2016, con số này đã tăng lên 586 tỷ đồng. Nhìn chung, doanh thu từ lốp xe trong những năm gần đây khá ổn định và duy trì ở mức 70% tổng doanh thu công ty.
Mặc dù được hưởng lợi từ việc thị trường ô tô trong nước tăng trưởng tích cực, kéo theo nhu cầu tiêu thụ lốp tăng, tuy nhiên Vĩnh Khánh vẫn gặp không ít thách thức khi có quá nhiều thương hiệu lốp cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, sản phẩm lốp của công ty thuộc dòng Bias cũng là yếu điểm khi không còn được thị trường ưa chuộng như các dòng lốp Radial.
Biến động giá cổ phiếu VKC trong năm qua
Trí Thức Trẻ