Củng cố tiềm năng tăng trưởng, khối ngoại mua ròng cổ phiếu SBT (kỳ 1)
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã khởi đầu tháng 10 suôn sẻ khi các nhóm cổ phiếu trụ cột thay phiên nhau nâng đỡ thị trường. Tuy vậy, trước những diễn biến đảo chiều liên tục của TTCK thế giới, đặc biệt là những biến động liên quan tới lãi suất của FED thì tâm lý nhà đầu tư (NĐT) bị tác động khá lớn.
Điều này đã phản ánh trong phiên giao dịch ngày 11/10/2018, khi thị trường đã giảm mạnh tới 48 điểm (4,8%) và đóng cửa ở mức 945,89 điểm, đánh dấu phiên giao dịch kém tích cực nhất kể từ tháng 2/2018, đồng thời cũng “thổi bay” những thành quả của cả thị trường trong những tháng gần đây. Giao dịch khối ngoại cũng đi song hành với việc giảm điểm mạnh của TTCK khi tiếp tục bán ròng hơn 260 tỷ đồng trong phiên này và là phiên bán ròng thứ 4 liên tiếp trong tuần tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Tính từ ngày 08/10 đến 19/10/2018, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 660 tỷ đồng trên HOSE.
NĐT nước ngoài luôn đóng vai trò quan trọng trên TTCK Việt Nam khi giao dịch của họ chiếm tới 15% - 20% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Vì vậy, việc thu hút được nguồn tiền của khối này là điều hết sức cần thiết, nhất là trong tình trạng khối ngoại luôn ở trạng thái bán ròng thời gian gần đây.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động thì khối ngoại càng tỏ ra thận trọng hơn trong việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư. Ở chiều ngược lại, mã cổ phiếu SBT lại trở thành một trong những lựa chọn của khối ngoại khi liên tục được mua ròng.
Cụ thể, trong gần 3 tuần đầu tiên của tháng 10, khối ngoại đã mua ròng gần 6 triệu cổ phiếu SBT với tổng giá trị đạt gần 120 tỷ đồng. Đỉnh điểm là vào ngày 11/10, cổ phiếu SBT đã lọt top 3 mua ròng nhiều nhất của khối ngoại cùng DXG và VRE với giá trị khoảng 15 tỷ đồng trong khi hàng loạt cổ phiếu Blue Chip bị bán ròng như VIC, VNM, MSN... Khối ngoại có lẽ đang có lòng tin vào sự tăng trưởng tiếp tục của cổ phiếu SBT, tương đồng với những khuyến nghị đầu tư gần đây của các Công ty chứng khoán (CTCK) như HSC và FPTS.
Với báo cáo hoạt động kinh doanh khả quan và mức tăng trưởng giá ổn định trong thời gian gần đây, cổ phiếu SBT nhận được sự quan tâm của khá nhiều CTCK lớn trên thị trường như HSC, SSI, Morning Star Inc, BVSC, Mirae Asset, FPTS, PHS, DVSC… với hầu hết các khuyến nghị là Nắm giữ và Mua cổ phiếu SBT.
Gần đây nhất ngày 05/10/2018, sau khi SBT công bố Báo cáo tài chính năm kiểm toán, CTCK HSC đã cập nhật Báo cáo phân tích cổ phiếu SBT với khuyến nghị đầu tư Nắm giữ và ước tính Giá trị hợp lý đạt 21.724 đồng, cao hơn 6% so với thị giá cùng ngày; đặc biệt là tăng 25% so với Giá mục tiêu đưa ra tại thời điểm Báo cáo ngày 15/6/2018 là 17.439 đồng.
Có thế thấy giá cổ phiếu SBT không tăng trưởng đột biến nhưng đang tăng theo chiều hướng ổn định và bền vững. Theo đánh giá của HSC, sau khi sáp nhập, SBT đã trở thành doanh nghiệp lớn nhất ngành Đường Việt Nam với thị phần 40%; đang sở hữu những ưu thế về cả mảng bán buôn cũng như bán lẻ và sở hữu những ưu điểm để tiếp tục gia tăng thị phần ở gần như toàn bộ các phân khúc ngành Đường.
HSC dự báo tổng Doanh thu thuần Niên độ (NĐ) 18 - 19 đạt 11.993 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện NĐ 17 - 18; trong đó tổng sản lượng Đường tiêu thụ đạt 700.000 tấn, tăng 23% và Doanh thu thuần của riêng mảng Đường đạt 10.673 tỷ đồng, tăng 18%. Theo HSC, 5/41 Nhà máy Đường nội địa với tổng sản lượng đạt 300.000 đến 350.000 tấn Đường đóng cửa trong NĐ 18 - 19 sẽ là cơ sở giúp cho SBT dễ dàng gia tăng thị phần.
Về Kênh Doanh nghiệp B2B, SBT sẽ tiếp tục mở rộng sản lượng tiêu thụ và đa dạng hóa khách trong trong Kênh Tiểu thủ Công nghiệp SME. Dựa theo báo cáo của SBT, hiện nay Công ty đã thiết lập quan hệ chặt chẽ với Chương Dương, Yến Sào Khánh Hòa, Asiafood, Cholimex, Bibica, Phạm Nguyên, Kido, Nutifood, Cửu Long, Hậu Giang…
Về Kênh Tiêu dùng B2C, SBT sẽ nâng cao nhận diện thương hiệu tại miền Bắc nhờ vào lợi thế hệ thống phân phối của Công ty được sáp nhập BHS. Hoạt động này sẽ hỗ trợ SBT khẳng định vị thế thương hiệu của mình trước khi ATIGA chính thức có hiệu lực vào năm 2020. Công ty dự kiến sẽ nâng lên 60.000 điểm bán hàng trong NĐ 18 - 19 từ 51.000 điểm hiện tại, tăng trưởng 18%.
Ngoài ra, Công ty tiếp tục phát triển Chuỗi giá trị của Cây mía với doanh thu Mật rỉ đạt 365 tỷ đồng, tăng 5%; Điện thương phẩm với tăng trưởng doanh thu 15% đạt 192 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp dự kiến đạt 1.557 tỷ đồng, tăng trưởng 17% và Biên lợi nhuận gộp sẽ tăng nhẹ lên 13% do giá nguyên liệu đầu vào giảm khoảng 7 - 10%. Tỷ trọng Chi phí Bán hàng và Quản lý doanh nghiệp/Doanh thu thuần vẫn giữ nguyên chiếm khoảng 7,3% trong đó Chi phí Quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ xuống 4% do quản lý chi phí tốt hơn sau khi sáp nhập với BHS và Chi phí Bán hàng tăng nhẹ vì tiếp tục đẩy mạnh kênh tiêu dùng B2C. Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ dự kiến đạt 579 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và EPS đạt 1.040 đồng/cổ phiếu, tăng 7%.
Thông qua việc thúc đẩy kiểm soát chi phí hiệu quả và theo đuổi chiến lược giá thấp, các động lực chính bổ trợ cho tiềm năng tăng trưởng của SBT trong tương lai, theo HSC bao gồm: (1) Công ty dự kiến mở rộng đầu tư Chuỗi giá trị ngành Đường hoàn chỉnh nhằm giảm giá thành sản xuất, chuẩn bị cho quá trình mở cửa thị trường vào năm 2020 khi ATIGA chính thức được áp dụng; (2) Sản phẩm đa dạng, hiểu biết về thị trường nội địa và giá bán hợp lý sẽ là những lợi thế chủ chốt để Công ty chiếm lĩnh thêm thị phần trong nước ngắn và trung hạn; (3) Thị trường trong nước tăng trưởng ổn định; và (4) Chuẩn bị nắm bắt cơ hội thị trường từ các sản phẩm Cạnh Đường - Sau Đường như Ethanol và Điện sinh khối.
(Còn tiếp kỳ 2).