MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc cạnh tranh tốn kém trong bán lẻ

Các "ông lớn" bán lẻ từ nước ngoài như Metro, Auchan, Casino Group, Parkson... phải rút khỏi Việt Nam, một phần vì thiếu am hiểu thị trường.

Cạnh tranh thời công nghệ số đòi hỏi doanh nghiệp (DN) bán lẻ phải sáng tạo và hiểu khách hàng hơn.

Bày hàng chưa hẳn để bán

Kể câu chuyện từng phê bình Co.opmart SCA Hà Nội trong dịp khai trương hoạt động đã trưng bày nhiều chuối già, trong khi người miền Bắc thường không cúng chuối già mà chuộng chuối sứ, chuối cau, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, nhìn nhận mỗi vùng miền có thói quen tiêu dùng khác nhau, nhà bán lẻ muốn thành công phải hiểu được văn hóa, thị hiếu tiêu dùng để điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ phù hợp với từng địa phương mà mình trú đóng. Không chỉ hàng hóa, dịch vụ mà cả hình thức nhận diện, logo của nhà bán lẻ cũng có thể được điều chỉnh cho "hợp nhãn" khách hàng từng khu vực. "Điều cốt lõi là DN phải hiểu được thị trường, người tiêu dùng" - ông Đức đúc kết.

Ông Lê Hữu Tình, Giám đốc marketing Emart, dẫn chứng Emart có khu vực riêng cho sản phẩm Hàn Quốc nhưng mục đích chính không phải phục vụ khách Hàn Quốc, cũng không phải để thu lợi hay kiếm doanh số lớn từ nhóm hàng này mà đơn giản là để tạo sự khác biệt nhằm kéo khách đến Emart mua sắm nhiều hơn.

Cuộc cạnh tranh tốn kém trong bán lẻ - Ảnh 1.

Thị trường bán lẻ hiện đại đang có sự cạnh tranh khốc liệt

Theo các chuyên gia bán lẻ, việc thấu hiểu, đáp ứng yêu cầu khách hàng theo hướng địa phương hóa, cá nhân hóa có vai trò quan trọng trong cạnh tranh bán lẻ thời nay. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng địa phương hóa, cá nhân hóa là xu hướng nổi bật của bán lẻ thế giới mà các nhà bán lẻ trong nước đang tiếp thu, áp dụng vào thị trường nội địa. Trong đó, địa phương hóa là xu hướng tập hợp các sở thích, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng địa phương để xây dựng một danh mục hàng hóa cung ứng phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu đó. Cá nhân hóa là hiểu được văn hóa mua sắm, những yêu cầu về việc trải nghiệm trong quá trình mua sắm để từ đó đưa ra các hình thức mua sắm mới lạ, sáng tạo, thu hút được khách hàng" - bà Đinh Thị Mỹ Loan diễn giải.

Theo bà Loan, chỉ khi hiểu được thị trường và thói quen mua sắm của người dân địa phương, DN bán lẻ mới có thể phủ rộng được thị trường. Một số DN như Saigon Co.op, Satra, Hapro, Vincommerce… bắt đầu nghiên cứu, áp dụng xu hướng này vào quá trình phát triển nhưng mức độ và chiến lược cụ thể của từng DN rất khác nhau.

Chẳng hạn, Saigon Co.op, với gần 800 điểm bán trải dài từ Bắc đến Nam và hệ thống dữ liệu khách hàng rất lớn, đã nghiên cứu kỹ từng địa phương, vùng miền. VinCommerce (sở hữu chuỗi Vinmart và Vinmart+) đã lên kế hoạch xây dựng chiến lược sản phẩm và tạo sự khác biệt thông qua quá trình địa phương hóa và cá nhân hóa trong 5 năm tới. "Gần 2.600 siêu thị, điểm bán tại 50 tỉnh, thành trên cả nước cùng dữ liệu hơn 8 triệu khách hàng… là những yếu tố then chốt để VinCommerce xây dựng chiến lược này. Danh mục ngành hàng sẽ phù hợp với từng địa phương, trong khi đó sự kết hợp chặt chẽ với nhà cung cấp địa phương và hệ thống cửa hàng là bài toán đặt ra để đáp ứng nhu cầu từng phân khúc khách hàng" - bà Thái Thị Thanh Hải, Tổng Giám đốc VinCommerce, cho hay.

Đầu tư lớn

Cùng với địa phương hóa, cá nhân hóa, xu hướng bán lẻ đa kênh cũng tăng trưởng tốt và dự báo sẽ dẫn dắt thị trường bán lẻ Việt Nam trong giai đoạn tới. Năm 2019, thị trường bán lẻ chứng kiến sự cạnh tranh của 2 nhà bán lẻ lớn là Saigon Co.op và VinCommerce trong việc mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm qua ứng dụng công nghệ 4.0 bằng ứng dụng scan&go giúp khách hàng có thể thanh toán nhanh, tiết kiệm thời gian mua sắm. Tuy nhiên, nhìn chung các DN khá thận trọng trong đầu tư phát triển đa kênh bởi đây là cuộc chơi khá tốn kém, đòi hỏi đầu tư lâu dài, vốn lớn.

Theo một DN bán lẻ, mua sắm online đang sôi động hơn, trong khi mua sắm truyền thống giảm dần, buộc các nhà bán lẻ phải sáng tạo hơn, tính toán cạnh tranh thông minh hơn để bảo đảm chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, bán lẻ đa kênh đã được đề cập cách đây khoảng 10 năm nhưng đầu tư đa kênh như thế nào, mức độ ra sao, kết hợp với khoa học kỹ thuật hiện đại cũng như công nghệ bán lẻ mới thế nào vẫn là bài toán khó đối với đại đa số DN bán lẻ Việt. Hiện tại, các DN bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Satra, Aeon, BigC, MM Mega Market… cạnh tranh nhau trong bán lẻ đa kênh nhưng trong giai đoạn đầu, phát triển bán lẻ đa kênh chịu nhiều thách thức và đòi hỏi đầu tư rất lớn. "Chưa có câu trả lời là đầu tư đa kênh sẽ thu hút được lượng lớn người tiêu dùng hay chưa nhưng hy vọng trong vài năm tới, khi người tiêu dùng quen với các định dạng bán lẻ hiện đại thì bán lẻ đa kênh sẽ phát triển nhanh và là chìa khóa thành công của DN bán lẻ" - bà Loan dự báo.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, thị trường bán lẻ trong nước rất sôi động, nhiều tiềm năng nhưng cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi các nhà bán lẻ có chiến lược dài hơi. Người tiêu dùng trong nước ngày càng yêu cầu cao, đa dạng hơn về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt họ đến trung tâm thương mại không chỉ mua sắm mà còn để trải nghiệm. Công nghệ mới của ngành bán lẻ hấp dẫn người tiêu dùng, quan trọng là làm thế nào thực hiện được những kế hoạch đó trong thực tế và giữ được niềm tin của người tiêu dùng" - bà Loan phân tích.

Khuyến mãi: Cuộc chiến... cùng "chết"!

Theo ông Nguyễn Anh Đức, cạnh tranh khuyến mãi là cuộc chiến không có hồi kết, DN nào cũng phải chạy theo khuyến mãi và cùng "chết". Bởi khi các DN đua nhau giảm giá, đồng nghĩa đua nhau giảm về chiến lược, DN muốn lấy khuyến mãi làm công cụ chính để dẫn dụ khách thì phải siết nhà cung cấp hoặc phải tự bỏ tiền túi ra làm chương trình. Vậy nên, vấn đề là trả sản phẩm về đúng giá trị, giá bán thật để xây dựng môi trường cạnh tranh sòng phẳng, lành mạnh.

Theo Thanh Nhân

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên