Cuộc chiến dầu mỏ giữa Nga và EU: Ai sẽ là “gà”?
Bất chấp các biện pháp của Liên minh châu Âu nhằm giảm nhập khẩu dầu mỏ Nga, Moscow vẫn còn rất nhiều khách hàng khác và có thể bán dầu với mức giá đủ cao để đảm bảo doanh thu.
- 13-05-2022Liên tục bắt đáy Bitcoin, El Salvador gánh lỗ bằng khoản thanh toán trái phiếu tiếp theo
- 13-05-2022Được ca ngợi như xu hướng mới, Elon Musk lại gọi xe hydro là “ngu ngốc”, cơ hội soán ngôi xe điện còn bao xa?
- 13-05-2022Châu Âu “khó thở” vì Nga siết khí đốt mạnh tay
Trước cuộc chiến ở Ukraine, Nga bán khoảng một nửa trong số 7,85 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và dầu đã lọc cho châu Âu. Nhưng khi chiến tranh bùng phát và EU tuyên bố sẽ chấm dứt phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga, Điện Kremlin lại đang hưởng lợi từ giá dầu thế giới tăng cao trong khi vẫn đang tích cực tìm kiếm khách hàng mới và chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á.
Không dễ trừng phạt một siêu cường dầu mỏ
“Vận may bất ngờ” này cho thấy việc trừng phạt một siêu cường dầu mỏ và khí đốt như Nga khó khăn tới mức nào khi phần lớn thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Ngay cả khi dự báo sẽ phải “cắt giảm sản xuất tương đối mạnh” trong năm nay, doanh thu thuê của Nga “sẽ tăng đáng kể lên hơn 180 tỷ USD do giá dầu tăng”, theo Rystad Energy, một công ty nghiên cứu độc lập chuyên tư vấn cho các nhà đầu tư. Con số này cao hơn 45% so với năm 2021.
Bản đồ di chuyển của các tàu chở dầu cho thấy xuất khẩu dầu thô của Nga đã giảm gần 20%, một con số tương đối khiêm tốn nếu so với các nỗ lực trừng phạt.
Theo một nghiên cứu do Spire Global thực hiện cho Washington Post, các tàu chờ dầu thô rời cảng của Nga đã giảm từ mức trung bình 17 tàu/ngày xuống 13 tàu/ngày sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được công bố ngày 8/3.
Những khách hàng tiềm năng ngoài EU
Tuy nhiên, Nga vẫn có nhiều khách hàng khác ngoài châu Âu. Nga đã bán dầu cho Ấn Độ và Trung Quốc, những nền kinh tế lớn với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và cũng đã bỏ qua các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
Trước đây dầu mỏ Nga chỉ chiếm chưa đến 3% lượng tiêu thụ của Ấn Độ, nhưng khối lượng nhập khẩu của New Delhi đã tăng đáng kể trong vài tháng qua. Trung Quốc từ trước đã là khách hàng châu Á lớn nhất của Nga và Bắc Kinh cần dầu mỏ để phục vụ lĩnh vực ô tô và ngành công nghiệp hóa dầu.
Ấn Độ là một trong số ít những nơi sẵn sàng mua dầu của Nga và họ đã mua mặt hàng này với mức chiết khấu sâu hơn 30 USD/thùng.
Tháng 4, khối lượng dầu mà Ấn Độ mua vào đã tăng vọt. Ấn Độ mua 627.000 thùng/ngày loại dầu thô Urals chuẩn của Nga, so với 274.000 thùng/ngày trong tháng 3. Khối lượng dầu Ấn Độ nhập khẩu của Nga hàng ngày trong tháng 4 cao gấp 20 lần mức trung bình hàng ngày so với năm 2021, theo S&P Global, một công ty tin tức dữ liệu quốc tế. Tổng mức tiêu thụ dầu của Ấn Độ năm 2021 là 4,76 triệu thùng/ngày.
“Mối quan hệ giữa Nga và Ấn Độ còn đặc hơn nhiều so với dầu mỏ”, RBC Capital Markets nhận định trong một nghiên cứu cho khách hàng trong tháng 5. Công ty đầu tư này nhấn mạnh, Nga là “một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ”. Cuối năm 2021, hai nước đã gia hạn một hiệp ước hợp tác quốc phòng kéo dài 10 năm.
Tuy nhiên, khâu hậu cần vận tải gặp nhiều thách thức và Nga có thể đối mặt với tình trạng thiếu tàu chở dầu.
Ông Daniel Yergin, Phó chủ tịch của S&P Global đồng thời là nhà sử học năng lượng cho biết: “Có thể mất 2 tuần để một tàu chở dầu đi từ Murmansk (Nga) đến châu Âu nhưng phải mất 1 tháng để đến Ấn Độ. Ngoài ra, dầu mỏ Nga còn phải đối phó với sự cạnh tranh từ Iraq, một nhà xuất khẩu dầu tiềm năng ở châu Á.
Nga coi Trung Quốc là một thị trường tiềm năng để bán dầu mỏ. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 mới khiến Trung Quốc phải áp lệnh phong tỏa tại thành phố Thượng Hải và thủ đô Bắc Kinh đã làm giảm mạnh các hoạt động kinh tế và hạn chế nhu cầu nhập khẩu dầu. Các nhà phân tích cho rằng lượng tiêu thụ dầu của Trung Quốc đã giảm 1-1,5 triệu thùng/ngày.
Dù vậy, thay vì để dầu tràn ra thị trường thế giới, Trung Quốc đang xây dựng các bể chứa để tích trữ dầu cho trường hợp khẩn cấp trong tương lai.
Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, dầu giảm giá của Nga cũng đang hướng đến Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia và một số quốc gia châu Phi.
Ngay cả khi đã tính đến việc giảm giá dầu thô, Nga vẫn bán dầu thô ở mức khoảng 70 USD/thùng - cao hơn mức giá chính thức trong gần 8 năm qua, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.
Khi nào EU loại bỏ hoàn toàn dầu Nga?
Bản chất của thị trường dầu mỏ và sự thay đổi chậm chạp trong thói quen tiêu dùng có nghĩa là sự thiếu hụt tương đối nhỏ cũng có thể khiến giá cả tăng cao. Vì thế, dù Chủ tịch ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hứa hẹn sẽ “loại bỏ dầu Nga một cách có trật tự” và theo cách “giảm tác động đối với các thị trường toàn cầu”, các nhà phân tích về dầu mỏ cho rằng, sự thay đổi lớn sẽ không có gì khác ngoài tính trật tự.
Bà Von der Leyen nói rằng, EU sẽ cấm nhập khẩu hoàn toàn đối với tất cả dầu mỏ Nga, dầu thô hay dầu tinh chế, vận chuyển bằng đường biển hay đường ống. Bà cũng nêu ra 2 lịch trình từ bỏ dầu Nga trong 6 tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm nay.
Ông Kevin Book, Giám đốc điều hành ClearView Energy Partners, cho rằng bà Leyen đang “thực hiện 2 ván cược lớn”. Thứ nhất, việc loại bỏ dầu Nga với tốc độ chậm có thể bảo vệ châu Âu trước sự gia tăng đột biến của giá dầu. Thứ hai là đưa ra một chương trình linh hoạt cho những nước vẫn còn miễn cưỡng để tạo sự thống nhất tuyệt đối cần thiết nhằm phê duyệt kế hoạch của EU.
“Cả 2 nhiệm vụ đều không có vẻ gì là chắc chắn thành công. Nếu các biện pháp trừng phạt của EU có hiệu lực và được thực thi, khi đó thị trường dầu mỏ sẽ thắt chặt lại và giá dầu sẽ tăng”, ông Kevin Book nói.
Giá dầu diesel ở châu Âu đã tăng vọt, gây tổn hại cho những người sử dụng ô tô, người vận chuyển hàng hóa và tài xế xe tải. Kayrros, một công ty phân tích dữ liệu vệ tinh, cho biết lượng dầu thô trong các cơ sở lưu trữ ở châu Âu vẫn ở mức “thấp hơn nhiều” so với trung bình vào thời điểm này trong năm.
Một báo cáo của Eurasia Group cho biết: “Việc EU dần loại bỏ dầu Nga có thể sẽ dẫn đến sự xáo trộn thị trường toàn cầu, vốn đang diễn ra và sẽ tồi tệ hơn khi các nhà lọc dầu châu Âu tích trữ nhiên liệu và đẩy giá nhập khẩu để chuẩn bị cho lệnh cấm vận nhiên liệu của Nga. Làm như vậy, thị trường toàn cầu đối với các sản phẩm này sẽ càng thắt chặt hơn”.
Trò chơi “Ai là gà”
Châu Âu đã đạt được những tiến bộ đáng ngạc nhiên trong việc chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu của Nga. Từ tháng 5/2021 đến tháng 2/2022, trung bình mỗi tháng có 5 tàu chở dầu thô của Nga cập các cảng của Đức, theo Spire Global, một công ty vệ tinh giám sát hoạt động của tàu. Vào tháng 3 vừa qua, con số đó giảm xuống còn 2 tàu và trong tháng 4 con số này là 0.
Hệ thống đường ống có sẵn vẫn có thể được sử dụng để cung cấp dầu từ các nguồn khác, nhưng Đức đã thay thế toàn bộ lượng dầu nhập khẩu từ Nga ngoại trừ 12% được vận chuyển bằng đường ống dẫn đến nhà máy lọc dầu PCK Schwedt, cách Berlin khoảng 96km về phía Đông Bắc.
Nhà máy lọc dầu Schwedt thuộc sở hữu của tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft do chính phủ Nga kiểm soát và công ty này không muốn chuyển sang nhà cung cấp khác. Chính phủ Đức đang thay đổi luật để cho phép Berlin tịch thu cơ sở này. Sau đó, Đức có thể thay thế dầu thô của Nga bằng các mặt hàng nhập khẩu khác được cung cấp thông qua đường ống Gdansk hoặc Rostock.
Hiện vẫn chưa rõ Nga sẽ đáp trả như thế. Bà Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets và là cựu nhà phân tích của CIA, nhận định: “Ở thời điểm này, chúng ta đang ở trong một trò chơi “Ai là gà” về năng lượng”.
“Ai là gà” là trò chơi mà 2 người chơi đối đầu nhau trên một con đường hẹp theo kiểu “dê đen-dê trắng”. Nếu không ai tránh đường thì cả 2 sẽ đâm vào nhau và cùng thua cuộc, nhưng nếu một người rút lui trước thì sẽ thua trước và bị gọi là “gà”.
“Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga nói: ‘Các vị sẽ không có 12 tháng [để loại bỏ dần dầu Nga]’? Đây có lẽ là cái giá mà phương Tây cần phải trả để bảo vệ nguyên tắc rằng không ai thể xâm lược một quốc gia có chủ quyền”, ông Croft nói./.
Theo Washington Post
VOV