Cuộc chiến nước sạch: Những “tay chơi” mới khai phá thị trường tỷ USD
Thị trường nước sạch Việt Nam có giá trị hàng chục tỷ USD nhưng vẫn ở mức sơ khai đã lọt vào "mắt xanh" của nhiều đại gia trong nước và nước ngoài...
Theo quy hoạch về phát triển cấp nước cho các khu đô thị và công nghiệp đến năm 2025, Việt Nam hướng đến các mục tiêu tỷ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100% với tiêu chuẩn tiêu thụ 120 lít/người/ngày. Trong khi đó, tỷ lệ tiếp cận nước sạch an toàn ở nông thôn đạt 75%. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nước.
Giá nước sạch trung bình tại Việt Nam từ 7.500 - 8.000 đồng/m3, đang là mức chi tiêu thấp nhất trong sinh hoạt thiết yếu của hộ dân, điều này để ngỏ khả năng tăng trong tương lai.
Vốn tư nhân "cuồn cuộn" vào nước sạch
Những dòng vốn tư nhân đang "cuồn cuộn" đổ vào ngành nước sạch hưởng ứng chính sách xã hội hoá ngành nước sạch gần đây của nhà nước. Các dòng tiền nghìn tỷ này đang phân chia miếng bánh béo bở trong ngành nước sạch.
Giới đầu tư cho rằng, nước sạch là một trong những nhu cầu cơ bản của con người; kinh tế tăng trưởng, dân cư tăng, công nghiệp phát triển sẽ kéo theo nhu cầu về nước sạch gia tăng. Mặt khác, đây là ngành đầu tư an toàn, mang tính phòng thủ, ít bị ảnh hưởng bởi những rủi ro như chiến tranh thương mại.
Nhà máy nước mặt Sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne là dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc đã chính thức vận hành giai đoạn 1 ngày 5/9, công suất 300.000 m3/ngày đêm.
Đây là dự án nhà máy nước sinh hoạt có quy mô cấp vùng với tổng diện tích 65ha, mức đầu tư lên tới 5.000 tỷ đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho khoảng 3 triệu người - chiếm 1/3 dân số Hà Nội và 1 số địa phương phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm.
Nhà máy nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được phê duyệt đầu tư theo quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây đồng thời là công trình gắn biển kỷ niệm 65 năm Giải phóng thủ đô.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đỗ Thị Kim Liên khẳng định nhà máy 5.000 tỷ là dự án nước sạch lớn nhất miền Bắc hướng tới mục tiêu dân sinh, vì cộng đồng. Vị shark của Shark Tank Việt Nam năm nay cho biết đây là ngành đầu tư liên quan đến nguồn sống trong con người. Do đã làm chủ công nghệ, cơ sở hạ tầng và khoảng không cần thiết cho các giai đoạn tiếp theo. Bà Liên cho hay nếu "UBND Tp. Hà Nội và các tỉnh đặt hàng, cứ 12 tháng chúng tôi có thể cung cấp thêm 150.000m3 nước sinh hoạt sạch mỗi ngày đêm".
Đầu tư nước sạch đang là trào lưu
Theo kế hoạch, đến năm 2023, nhà máy sẽ tiếp tục mở rộng lên 600.000 m3/ngày đêm, đến năm 2030 nâng công suất lên 900.000 m3/ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm. Mức đầu tư hướng đến ngôi vị doanh nghiệp nước sạch số 1 Việt Nam, vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ theo lộ trình.
Mới đây Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai cũng rẽ hướng sang đầu tư với mục tiêu trở thành doanh nghiệp tư nhân số 1 về cung cấp nước sạch tại Việt Nam. Nhận thấy ngành nhựa ngày càng khó khăn, biên lợi nhuận giảm, "tay chơi mới" Nhựa Đồng Nai đã dần chuyển sang ngành sản xuất và kinh doanh nước sạch.
Nhựa Đồng Nai đang sở hữu cổ phần tại 9 công ty và 7 công ty liên kết nước sạch có công suất thiết kế khoảng 1 triệu m3/ngày đêm, cung cấp nước cho 12 địa phương, trong đó Bắc Giang, Long An, Bình Thuận, Tây Ninh,… phục vụ hơn 10 triệu khách hàng.
Lãnh đạo Nhựa Đồng Nai cho biết sẽ nâng công suất lên gấp đôi trong vòng 5 năm tới. Công ty đặt mục tiêu doanh thu từ nước trong năm 2020 là 2.125 tỷ đồng, năm 2023 lên tới 3.100 tỷ đồng.
Ngoài ra thị trường còn ghi nhận nhiều "ông lớn" ngành nước đang tích cực mở rộng mạng lưới như Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase) và Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một (Tdmwater). Phần lớn các doanh nghiệp này đầu tư vào các tỉnh có tiềm năng về công nghiệp, dịch vụ, du lịch với nhu cầu nước ngày càng tăng cao.
Thị trường nước sạch Việt Nam với tiềm năng lớn cũng đang lọt vào tầm ngắm của nhiều đại gia nước ngoài. Hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư lớn vào ngành nước sạch.
Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman là iên doanh giữa Quỹ Dự trữ Quốc gia của Oman và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đã đầu tư 19 triệu USD xây dựng Nhà máy Nước Sông Hậu phục vụ cho địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang. Công ty Manila Water Asia Pacific (Philippines) đã đầu tư vào Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn… Trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng sở hữu hàng loạt tại các công ty ngành nước.
Ngành nước sạch đang cần nguồn lực đầu tư rất lớn, đặc biệt là khu vực tư nhân. Một dự báo từ năm 2017 cho thấy, trong vòng 5 năm (2017 -2022), nhu cầu vốn đầu tư cho lĩnh vực này lên tới 10 tỷ USD.
Cuộc đua công nghệ xử lý nước
Theo Báo cáo môi trường quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, nước ngầm chiếm 35 - 50% tổng lượng nước cấp sinh hoạt cho các đô thị tại Việt Nam, nhưng ở một số khu vực đã và đang xảy ra hiện tượng ô nhiễm, với thông số kim loại nặng như chì, asen, mangan vượt quy chuẩn…
Với "tử huyệt" của các nhà máy nước ngầm, những năm gần đây Nhà nước khuyến khích các nhà máy nước sử dụng công nghệ xử lý nước mặt thay vì nước ngầm để dự trữ nguồn tài nguyên nước, hạn chế sụt lún, xâm ngập mặn do tác động của thời tiết. Các nhà máy nước mặt lần lượt ra đời với công nghệ xử lý nguồn nước từ các con sông lớn, công suất cung cấp cho đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đi đầu trong trào lưu đầu tư sản xuất nước sạch từ nguồn nước mặt, nhà máy Sông Đuống dùng công nghệ Đức, toàn bộ các thiết bị đều có xuất xứ châu Âu.
"Các thiết bị chính sử dụng cho dự án được cung cấp bởi các nhà sản xuất hàng đầu thế giới từ các nước Châu Âu và G7. Tuyến ống truyền dẫn của nhà máy cũng được đầu tư sử dụng nguồn nguyên liệu chất lượng cao, bao gồm ống thép; ống gang dẻo, ống HDPE và các vật tư phụ kiện được nhập khẩu từ Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan và Châu Á", Shark Liên khẳng định.
Chất lượng nước sạch được quyết định bởi công nghệ xử lý nước.
Chất lượng nước sau xử lý đạt Quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống do Bộ Y Tế ban hành có thể uống trực tiếp tại vòi khác hẳn với các nhà máy nước ngầm trước đây.
Nhà máy nước áp dụng dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến trên thế giới với công nghệ từ Châu Âu đạt hiệu suất xử lý cao; tiết kiệm chi phí xây dựng; chi phí quản lý vận hành; quy trình xử lý khép kín và không có nước xả thải ra môi trường.
Ở cấp độ thấp hơn, nhiều nhà máy của Nhựa Đồng Nai lại sử dụng công nghệ lọc sinh học chảy ngược, lọc si phông hở của Nhật Bản nghiên cứu phát triển.
Theo các chuyên gia, công nghệ xử lý nước sạch là yếu tố cốt lõi quyết định chất lượng nước sạch của các dự án cung cấp đến người dân. Vì vậy, việc lựa chọn công nghệ là hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh môi trường nước ngày càng ô nhiễm như hiện nay.
VnEconomy