Cuộc chiến trên "ghế nóng" AFF Cup: HLV Park Hang-seo ưu thế ở điểm không ai ngờ
HLV Park Hang-seo mới ký vào hợp đồng dẫn dắt ĐTQG Việt Nam kể từ tháng 10/2017 nhưng lại bất ngờ là người... có thời gian lãnh đội tham dự bảng A, AFF Cup 2018 lâu nhất.
Ở AFF Cup 2018, Việt Nam nằm chung bảng với Malaysia, Myanmar, Lào và Campuchia. Trong số 4 đối thủ này, đội có HLV nắm quyền ngắn nhất là Lào. Khoảng giữa tháng 9/2018, Lào mới bổ nhiệm HLV người Pháp, Patrice Neveu thay ông Mike Wong để lãnh đội.
Dù trong quá khứ từng dẫn dắt nhiều ĐTQG như Niger, Guinea, Congo, Mauritania và gần nhất là Haiti, song rõ ràng việc tiếp quản Lào quá gần thời gian thi đấu AFF Cup 2018 sẽ gây khó khăn cho ông Patrice Neveu, trong cả việc tìm hiểu các học trò mới lẫn các đối thủ khu vực.
Tới làm việc tại ĐNÁ chỉ trước ông Patrice Neveu vài tuần là cựu danh thủ ĐTQG Nhật Bản, Keisuke Honda. Mà trường hợp Honda dẫn dắt Campuchia còn nhiều điểm bấp bênh hơn so với ông Patrice Neveu.
Keisuke Honda thực tế chưa có bằng HLV nên về chức danh vẫn là Giám đốc bóng đá của ĐTQG Campuchia. Ngoài ra, anh vẫn đang thi đấu cho CLB Melbourne Victory của Australia. Giải Vô địch quốc gia Australia đến 20/10 mới bắt đầu và diễn ra đều đặn, kể cả trong thời gian Campuchia thi đấu AFF Cup.
Dù Keisuke Honda khẳng định việc anh chơi bóng cho một CLB Australia sẽ không ảnh hưởng đến công việc tại Campuchia, nhưng thật khó tin ngôi sao này có thể toàn tâm toàn ý cho đất nước Đông Nam Á.
Keisuke Honda quyết định gắn bó với bóng đá Campuchia.
Với việc chọn thuyền trưởng theo kiểu "chắp vá" như vậy, 2 cái tên bị đánh giá yếu nhất bảng A đang tích cực chuẩn bị cho AFF Cup. Nhưng xem ra sự thiếu hụt thời gian rất khó để bù đắp.
Myanmar cũng mới thay HLV hồi tháng Năm vừa rồi khi ông Gerd Zeise - người gắn bó lâu năm với bóng đá nước này không hoàn thành nhiệm vụ vào VCK Asian Cup 2019. Chiến lược gia được chọn là ông Antoine Hey, được ký hợp đồng đến hết năm 2019.
Tuy nhiên, với việc gấp gáp chuẩn bị cho AFF Cup 2018, chính ông Hey cũng không nắm chắc khả năng thành công khi chia sẻ: "Chưa có gì đảm bảo tôi ngồi vào ghế HLV hai đội tuyển quốc gia này (thêm lứa U23) sẽ mang lại sự thành công lớn.
Thực tế là dù ngồi ghế HLV trưởng nhưng tôi chưa hiểu biết nhiều về đặc trưng của cầu thủ Myanmar, tôi sẽ nhờ sự tư vấn kỹ càng của các trợ lý người Myanmar. Khi tôi chọn cầu thủ cho các đội tuyển tôi sẽ căn cứ trên phong độ và cách thể hiện của cầu thủ… đó là tiêu chí hàng đầu, tôi không đặt nặng chuyện tuổi tác hay thể hình cầu thủ".
Trước đấy, ông Antoine Hey cũng đã hoạt động lâu năm ở lĩnh vực huấn luyện bóng đá, nhưng chưa từng dẫn dắt bất cứ ĐTQG nào. Ông từng làm HLV một số CLB châu Phi như Gambia, Liberia, Kenya, Rwanda, sau đó làm giám đốc kỹ thuật cho LĐBĐ Bahrain , LĐBĐ Liberia.
Ông Tan Cheng Hoe là người Malaysia lại từng làm trợ lý trên ĐTQG nước này nên cũng có đôi chút ưu thế khi lên nắm chức HLV trưởng. Tuy nhiên, ông lại không phải người nắm đội U23 Malaysia.
Cuối cùng, người có thời gian nắm đội gần với thầy Park nhất là ông Tan Cheng Hoe. Chiến lược gia này lên làm trợ lý ở ĐTQG cho ông Nelo Vingada vào năm 2017. Đến tháng 12 năm này, sau khi ông Nelo Vingada từ chức vì thành tích kém, ông Tan Cheng Hoe được đôn lên nắm quyền.
Nếu so về bản chất thì ông Tan Cheng Hoe có thời gian hiểu ĐTQG Malaysia lâu hơn HLV Park Hang-seo hiểu ĐTQG Việt Nam. Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn.
Giống Việt Nam, ĐTQG Malaysia cũng đang trong quá trình "thay máu", đôn nhiều cầu thủ trẻ lên thay thế lớp đàn anh.
Nhưng trong khi HLV Park Hang-seo đảm nhiệm cả ĐTQG và U23, nên đã rất quen với những trụ cột mới của bóng đá Việt Nam trong năm 2018, thì ông Tan Cheng Hoe lại không được như thế.
Người nắm U23 Malaysia vẫn là HLV Ong Kim Swee và trong năm 2018, chiến lược gia này cũng đã cùng lứa trẻ của người Mã thi đấu thành công tại VCK U23 châu Á cũng như Asiad 2018 (đều vượt qua vòng bảng).
Có ưu thế, nhưng rõ ràng HLV Park Hang-seo vẫn còn nhiều việc phải làm. Điều quan trọng nhất là ông thầy người Hàn Quốc cần phải phối hợp được lứa U23 đã thành công cùng mình thời gian qua, với các cầu thủ đàn anh trên ĐTQG. Chỉ khi làm được điều ấy, chúng ta mới có thể mong ĐTQG chạm tới chức vô địch ĐNÁ sau 10 năm chờ đợi.
Trí thức trẻ