"Cuộc chơi" chuyển đổi số của bất động sản hậu cần kho bãi đi đâu về đâu?
Các chuyên gia chỉ ra rằng, trên thực tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics không hề có một mô hình mẫu nào cho tất cả doanh nghiệp.
Nhu cầu BĐS Logistics rất lớn
Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam chỉ ra, thị trường bất động sản có liên quan đến công nghiệp logistics, ngành hậu cần kho bãi của Việt Nam đang có mức tăng trưởng đáng kể do sự phát triển của nền kinh tế, các lĩnh vực sản xuất và thương mại điện tử.
Về công nghiệp logistics Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là nhờ tăng trưởng của ngành thương mại điện tử. Tuy nhiên với nguồn cung hạn chế, Việt Nam sẽ cần tìm các giải pháp để kịp thời đáp ứng nhu cầu hoạt động và những xu hướng mới trong lĩnh vực hậu cần kho bãi.
Đại diện Savills Việt Nam nhấn mạnh, ngành hậu cần kho bãi (logistics) của Việt Nam đang có mức tăng trưởng đáng kể do sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, các lĩnh vực sản xuất và thương mại điện tử. Savills dẫn chững, Việt Nam đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng trong top 50 quốc gia đứng đầu. Trong số các nước ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia và Malaysia, Thái Lan, vượt lên Philippines, Myanmar và Campuchia.
Chia sẻ tại hội thảo "Chuyển đổi số trong Logistics – Thực trạng vận hành và câu chuyện chuyển đổi số thành công tại Việt Nam" do Hiệp hội các Doanh nghiệp KCN TP.HCM ( HBA ) phối hợp với Liên Minh Chuyển đổi số DTS, công ty Giải pháp Chuỗi cung ứng Smartlog tổ chức mới đây, ông Đào Xuân Đức, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội các Doanh nghiệp KCN Tp.HCM, chia sẻ: Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đang dẫn đến một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Cuộc cách mạng này đang thách thức và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển đổi phương pháp tổ chức sản xuất truyền thống. Đây cũng là dịp để tất cả doanh nghiệp cùng khám phá, nắm bắt cơ hội và khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo các chuyên gia trong ngành, vai trò chuyển đổi số trong hoạt động logistics ngày càng được chính phủ và các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là giai đoạn hậu Covid-19 khi việc chuyển đổi số trở thành nhiệm vụ bắt buộc. Theo "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.
Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này đã và đang thực hiện quá trình chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như cải thiện hoạt động quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả.
Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam có tiềm năng để phát triển ngành hậu cần và trở thành trung tâm logistics của vùng. Chính sách từ nhà nước và cơ sở hạ tầng là những nhân tố quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu này. Hiện nay, nhiều địa phương đã đưa ra các ưu đãi nhằm thu hút dòng vốn đầu tư công nghiệp công nghệ cao, sạch. Tuy nhiên, thủ tục hành chính là một điểm có thể cải thiện để giúp hoạt động thương mại được nhanh và gọn.
Cuộc đua chuyển đổi số logistics và những thách thức
Đối với ngành bất động sản, điều quan trọng nằm ở nguồn cung dành cho logistics. Nhiều đơn vị phát triển dự án đã và đang làm việc với những chuyên gia trên thế giới để áp dụng những phương pháp tăng sự hiệu quả cho doanh nghiệp.
Theo chuyên gia Savills, những nhà đầu tư vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam ngày càng chú trọng nhiều hơn vào những giải pháp giúp tối ưu hóa hiệu suất hoạt động cho doanh nghiệp. Với những nỗ lực từ phía Chính phủ và doanh nghiệp, ngành hậu cần của Việt Nam sẽ tiến những bước dài trong thời gian tới.
Chuyển đổi số lĩnh vực Logistics cho doanh nghiệp Việt Nam hậu Covid-19 đang là bài toán " làm mới" và gia tăng hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp.
Chia sẻ tại Hội thảo do HBA tổ chức, các chuyên gia trong ngành đều nhìn nhận, thực tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics không hề có một mô hình mẫu nào cho tất cả doanh nghiệp.
Ông Đỗ Huy Bình, Tổng Giám đốc công ty Giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog cho biết, có 3 thách thức to lớn cho việc chuyển đổi số ngành logistic tại Việt Nam trong tương lai. Cụ thể, thách thức này bao gồm lên mây và chuyển đổi tư duy platform, chuẩn hóa vận hành và đội ngũ nhân sự.
Còn ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng Giám Đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn khẳng định, việc chuyển đổi số ngành logistic là hành trình dài, khó khăn mà bất kể doanh nghiệp nào muốn phát triển đều phải vượt qua. Để bắt đầu hành trình này, doanh nghiệp cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ nhân sự, năng lực, tư duy đội ngũ, ngân sách, truyền thông,... Việc chuẩn bị dữ liệu một cách chi tiết sẽ giúp quá trình chuyển đổi đạt hiệu quả cao.
"Doanh nghiệp đã chính thức khởi động chuyển đổi số từ năm 2020 nhằm cải thiện cách thức làm việc thông qua việc tối ưu hóa, chuẩn hóa và tự động hóa các quy trình, bắt đầu từ chuỗi cung ứng, vận hành kho bãi, bán hàng và hệ thống kinh doanh thông minh", ông Giang nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông Nguyễn Trường Hải, Tổng Giám Đốc Saint-Gobain Việt Nam cũng cho rằng, việc chuyển đổi số của doanh nghiệp muốn thành công thì cần tập trung vào việc phục vụ và nâng cao trải nghiệm khách hàng, từ đó tăng nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ.
"Chúng tôi bắt đầu bằng tư duy làm thế nào để khách hàng không phải lo về vấn đề vận chuyển, hành trình của xe chứ không chỉ là áp dụng công nghệ, hệ thống vào quy trình", ông cho biết.
Vị này cũng khẳng định phát triển bền vững cũng ảnh hưởng đến việc chuyển đổi số. Cụ thể, việc doanh nghiệp chú trọng giảm thải khí CO2 cho toàn chuỗi cung ứng thông qua việc tối ưu cung đường giao hàng luôn đầy tải; cắt giảm việc nâng hạ, lưu hàng 2 lần; thu hồi rác thải tái chế; sử dụng hệ thống quản lý hướng đến giảm lượng giấy được sử dụng trong toàn chuỗi…
Theo số liệu công bố, thị trường vận tải và logistics của Việt Nam ước tính sẽ phát triển với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 7% từ năm 2021-2026. Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất (và thu hút đầu tư) bằng cách thành lập các khu công nghiệp và khu kinh tế. Việt Nam đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần, đặc biệt trước sự phát triển của ngành thương mại điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều này đi đôi với nhu cầu tăng cao về bất động sản công nghiệp chất lượng cao.
Nhiều doanh nghiệp hiện tại đang gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm địa điểm. Các khu công nghiệp và khu hậu cần kho bãi, đặc biệt xung quanh thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM đang có tỷ lệ lấp đầy cao, có những nơi đạt gần 100%. Thực tế, nguồn cung bất động sản công nghiệp đang chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.
Nhịp sống thị trường